Nghiên cứu: Gừng có khả năng giảm viêm ở cấp độ tế bào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học đã xác định được tác dụng của gừng trong việc làm dịu chứng viêm, một khám phá đầy hứa hẹn đối với những người mắc các bệnh tự miễn dịch.

Nghiên cứu: Gừng có tác dụng ở cấp độ tế bào để giảm viêm

Nghiên cứu mới bổ sung bằng chứng về hiệu quả của gừng trong việc kiểm soát tình trạng viêm - một khám phá hứa hẹn cho những người mắc các bệnh tự miễn không thể chữa khỏi bao gồm hội chứng kháng phospholipid (APS), bệnh lupus và viêm khớp dạng thấp.

Gừng từ lâu đã được biết đến với khả năng làm giảm các triệu chứng về đường tiêu hóa như buồn nôn. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng gừng cũng có thể có lợi trong việc điều trị bệnh tiểu đường loại 2, ung thư, bệnh cơ tim do tiểu đường, bệnh gan nhiễm mỡ và các tình trạng khác liên quan đến viêm và stress oxy hóa.

Trong thời kỳ đỉnh điểm của đại dịch COVID-19, một số bác sĩ y học cổ truyền Trung Hoa khuyên nên sử dụng gừng để điều trị các triệu chứng COVID-19 và tăng cường chức năng miễn dịch.

Tuy nhiên, các cuộc điều tra về bệnh tự miễn phần lớn đã bỏ qua tiềm năng của các phương pháp điều trị tự nhiên, Ramadan Ali, tác giả chính của nghiên cứu mới được công bố vào ngày 22 tháng 9 trên JCI Insight, nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn.

Ông cho biết, đặc tính chống viêm và chống oxy hóa của gừng khiến ông tự hỏi liệu nó có thể giúp giảm bớt các triệu chứng của bệnh tự miễn hay không.

Ông Ali, có bằng tiến sĩ về hóa dược, là nhà nghiên cứu thuộc khoa thấp khớp của Khoa Nội khoa, Đại học Michigan - Ann Arbor. Nghiên cứu mà ông và các đồng nghiệp thực hiện đã được nhân rộng đồng thời tại Đại học Colorado.

Gừng làm dịu tế bào như thế nào?

Nghiên cứu tập trung vào tác dụng của gừng đối với một loại tế bào bạch cầu gọi là bạch cầu trung tính. Bạch cầu trung tính giải phóng bẫy ngoại bào bạch cầu trung tính (NET) thông qua một quá trình gọi là NETosis. Ông Ali nói với The Epoch Times rằng những NET này là những cấu trúc giống như mạng lưới có chức năng tiêu diệt mầm bệnh và giúp bảo vệ hệ miễn dịch.

“Mặc dù những NET này giúp chống lại sự lây nhiễm nhưng nó lại là con dao hai lưỡi. Trong bối cảnh bệnh tự miễn, bạch cầu trung tính hoạt động quá mức và tạo ra nhiều NET hơn, điều này có thể gây ra vấn đề. NET góp phần vào cơ chế bệnh sinh của nhiều bệnh tự miễn thông qua tình trạng viêm, đông máu và tổn thương mạch máu”, ông nói.

Trong một nghiên cứu trước đó, ông Ali và nhóm của ông đã tiêm cho chuột gingerols - thành phần hoạt tính sinh học dồi dào nhất trong gừng - và phát hiện ra rằng hợp chất này làm giảm hoạt động thái quá của bạch cầu trung tính và do đó ức chế NETosis. Lần này, họ bắt đầu xác định tác động của việc bổ sung gừng bằng đường uống đối với bạch cầu trung tính, cả ở chuột mắc bệnh tự miễn và ở người khỏe mạnh.

Ở chuột, việc tiêu thụ gừng làm giảm khả năng sản xuất tự kháng thể ở những người mắc bệnh lupus và cũng làm giảm tình trạng huyết khối ở những người mắc APS.

Ở những người tình nguyện không mắc bệnh tự miễn, thuốc bổ sung đường uống nhãn hiệu Ginactiv có chứa 20mg gingerol uống trong bảy ngày cũng hạn chế sự tăng động của bạch cầu trung tính và ngăn ngừa bệnh NETosis.

Một bổ sung an toàn

Mặc dù kết quả đầy hứa hẹn nhưng ông Ali và các đồng nghiệp không khẳng định rằng bổ sung gừng sẽ chữa khỏi bệnh cho những người mắc bệnh tự miễn.

Đồng tác giả cao cấp của nghiên cứu, Tiến sĩ Jason Knight, phó giáo sư khoa thấp khớp tại Đại học Michigan, rất lạc quan về ý nghĩa của nghiên cứu. Ông cho biết trong một tuyên bố: Gừng có tiềm năng như một phương pháp điều trị bổ sung cho các chế độ điều trị hiện có.

“Không có nhiều chất bổ sung tự nhiên hoặc thuốc kê đơn có tác dụng chống lại tình trạng hoạt động quá mức của bạch cầu trung tính. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng có thể dùng gừng để bổ sung cho các chương trình điều trị đang được tiến hành”, Tiến sĩ Knight nói.

“Mục tiêu là mang tính chiến lược và cá nhân hóa hơn trong việc giúp giảm bớt các triệu chứng của mọi người”.

Đồng tác giả cấp cao, Tiến sĩ Kristen Demoruelle, phó giáo sư y khoa tại Trường Y thuộc Đại học Colorado, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times: “Tất nhiên, chúng tôi không gợi ý rằng ai đó nên thử dùng gừng thay vì loại thuốc mà bác sĩ của họ đã khuyến nghị”.

“Nhưng đối với những người đang tìm cách bổ sung thứ gì đó vào những gì họ đang dùng, hoặc không thấy thuốc do bác sĩ của họ kê đơn đủ tác dụng, thì đây là một chất bổ sung an toàn có thể dùng cùng với các loại thuốc khác”.

Ông Ali cho biết cần nhiều nghiên cứu hơn và bước tiếp theo là thử nghiệm việc bổ sung gừng ở những bệnh nhân mắc bệnh tự miễn đang hoạt động. Nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ sớm đảm bảo được nguồn tài trợ cho giai đoạn tiếp theo này.

Tiến sĩ Demoruelle cho biết: “Chúng tôi rất quan tâm đến việc mở rộng những phát hiện của mình vào các thử nghiệm lâm sàng ở những người mắc bệnh tự miễn”. Đồng thời lưu ý rằng nghiên cứu trong tương lai sẽ bao gồm các nhãn hiệu bổ sung gừng khác nhau.

Theo Susan C. Olmstead - The Epoch Times
Nhật Duy biên dịch

Susan C. Olmstead viết về sức khỏe và thuốc men, thực phẩm, các vấn đề xã hội và văn hóa. Tác phẩm của cô đã xuất hiện trên The Epoch Times, The Defender của Children's Health Defense, Tạp chí Salvo và nhiều ấn phẩm khác.



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Gừng có khả năng giảm viêm ở cấp độ tế bào