Nguy cơ ung thư tiềm ẩn trong các loại thuốc phổ biến trên thị trường

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi dùng thuốc vì những lý do thông thường như giảm cholesterol, điều trị chứng ợ nóng và ngừa thai, hầu hết mọi người đều tin tưởng những loại thuốc này là an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, một số loại thuốc có thể chứa các thành phần hoặc chất gây ô nhiễm làm tăng nguy cơ ung thư.

Thuốc tránh thai nội tiết tố

Hàng triệu phụ nữ trên toàn thế giới sử dụng biện pháp tránh thai nội tiết tố để hạn chế tỷ lệ mang thai. Mặc dù những loại thuốc tránh thai này được cho là có hiệu quả khoảng 99% nhưng nghiên cứu cho thấy chúng có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú, mặc dù bằng chứng còn hạn chế.

Hầu hết dữ liệu đến từ các nghiên cứu quan sát, không thể chứng minh được mối quan hệ nhân quả mà chỉ có mối liên hệ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu lớn năm 2017 được công bố trên Tạp chí Y học New England (NEJM) với gần 2 triệu phụ nữ Đan Mạch cho thấy nguy cơ mắc bệnh ung thư vú tăng nhẹ ở những phụ nữ dùng thuốc tránh thai nội tiết tố, đặc biệt là khi sử dụng trong thời gian dài hơn.

Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài có thể phải đối mặt với nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn. Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ đã báo cáo rằng so với những người không sử dụng, phụ nữ sử dụng các biện pháp tránh thai này trong ít nhất 5 năm có tỷ lệ ung thư cổ tử cung cao hơn.

Dữ liệu cho thấy nguy cơ dường như tăng lên khi sử dụng thuốc tránh thai đường uống lâu hơn, dưới 5 năm nguy cơ tăng 10%, sử dụng 5 đến 9 năm nguy cơ tăng 60% và 10 năm trở lên nguy cơ tăng gấp đôi. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sau khi ngừng dùng thuốc, nguy cơ ung thư cổ tử cung dường như giảm dần theo thời gian.

Statin

Statin thường được kê đơn để giảm cholesterol, do đó có thể làm giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ. Tuy nhiên, một số bằng chứng cho thấy việc sử dụng statin có thể liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư.

Một nghiên cứu năm 2011 phân tích dữ liệu từ 88.125 trường hợp và 362.254 đối chứng phù hợp cho thấy, dùng statin trong hơn 4 năm có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư đại trực tràng, bàng quang và phổi cao hơn. Không có nguy cơ gia tăng nào được tìm thấy giữa việc sử dụng statin và bất kỳ vị trí ung thư phổ biến nhất nào khác.

Thuốc statin có thể làm tăng nguy cơ ung thư do tác động của chúng lên quá trình tế bào và thậm chí làm giảm độ nhạy insulin.

Statin ức chế một loại enzyme liên quan đến sản xuất cholesterol và điều hòa tăng trưởng tế bào. Trong một số trường hợp, hoạt động của enzyme giảm có thể ảnh hưởng đến đường truyền tín hiệu tế bào và phản ứng miễn dịch, có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư. Nguy cơ tiềm ẩn này vẫn là một lĩnh vực đang được nghiên cứu.

Thuốc trị chứng ợ nóng

Thuốc trị chứng ợ nóng ranitidine (Zantac) đã bị thu hồi vào năm 2020 sau khi phát hiện thấy nồng độ không an toàn của chất gây ung thư N-nitrosodimethylamine (NDMA) trong đó. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã yêu cầu ngừng bán Zantac sau khi phát hiện thấy NDMA ở mức cao hơn giới hạn tiêu thụ hàng ngày có thể chấp nhận được.

Chất NDMA cũng dẫn đến việc thu hồi vào năm 2018 các loại thuốc huyết áp thông thường khác như sản phẩm valsartan, losartan và irbesartan - các loại thuốc dùng để điều trị huyết áp cao và suy tim.

Emily Feivor, chuyên gia dinh dưỡng ở New York, nói với The Epoch Times: “Một số nitrosamine có thể làm tăng nguy cơ ung thư nếu tiếp xúc với chúng trên mức chấp nhận được trong thời gian dài”.

Bà Feivor cho biết hàm lượng thấp của hóa chất này cũng có trong một số loại thực phẩm, bao gồm thịt chế biến sẵn, rau, bia và các sản phẩm từ sữa. “[Nitrosamines] đã được chứng minh là có thể gây tổn hại DNA và gây ung thư”, bà nói thêm.

Thuốc ức chế bơm proton

Mặc dù Zantac sẽ không quay trở lại thị trường nhưng nó đã được thay thế bằng Zantac 360, sử dụng một loại thuốc còn lâu mới hoàn hảo có tên là famotidine. Famotidine có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng, bao gồm nhịp tim không đều, lo lắng và khó thở.

Các lựa chọn thay thế thường được sử dụng là thuốc ức chế bơm proton (PPI). Tuy nhiên, một đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp năm 2023 được công bố trên tạp chí Frontiers in Pharmacology cho thấy PPI có liên quan đến việc tăng nguy cơ ung thư dạ dày (nhưng không phải đại trực tràng).

Kết quả nghiên cứu cho thấy một lý do khiến nguy cơ gia tăng có thể là do PPI làm giảm vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh và thúc đẩy sự phát triển của các sinh vật gây bệnh khuyến khích bệnh tật.

Các tác giả nghiên cứu lưu ý: “Mặc dù PPI thường được coi là hiệu quả và an toàn nhưng chúng có nhiều rủi ro tiềm ẩn”. Họ cũng khuyến cáo nên sử dụng thuốc ở liều thấp nhất có thể và chỉ trong thời gian ngắn.

Theo George Citroner - The Epoch Times
Chấn Hưng biên dịch

George Citroner viết các bài báo về sức khỏe và y học, bao gồm các chủ đề ung thư, bệnh truyền nhiễm và tình trạng thoái hóa thần kinh. Anh đã được trao giải thưởng Media Orthopaedic Reporting Excellence (MORE) vào năm 2020 cho một câu chuyện về nguy cơ loãng xương ở nam giới.



BÀI CHỌN LỌC

Nguy cơ ung thư tiềm ẩn trong các loại thuốc phổ biến trên thị trường