Nhiễm COVID-19 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý viêm và tự miễn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơn bão cytokine quá mức có thể dẫn đến các phản ứng tự miễn kéo dài và kích hoạt cơ chế sinh lý bệnh.

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các nhà nghiên cứu đã phát hiện mối liên hệ chặt chẽ giữa việc nhiễm virus SARS-CoV-2 và các bệnh về tim mạch, hô hấp. Một nghiên cứu gần đây cho thấy sự gia tăng đáng kể nguy cơ mắc các bệnh lý viêm và tự miễn do COVID-19.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí JAMA Network Open vào ngày 6 tháng 10 năm 2023, các nhà nghiên cứu đã đánh giá tỷ lệ mắc và nguy cơ mắc một số bệnh lý viêm và tự miễn ở bệnh nhân COVID-19 đã hồi phục.

Nghiên cứu này đã thu thập dữ liệu từ ngày 8 tháng 10 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2021, từ Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia COVID-19 của Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc. Dữ liệu thu được gồm có 354.527 người nhiễm virus COVID-19 và 6.134.940 người không nhiễm bệnh (nhóm đối chứng). Độ tuổi trung bình của cả hai nhóm là khoảng 52 tuổi và thời gian theo dõi trung bình là 119,7 ngày đối với nhóm nhiễm virus COVID-19 và 121,4 ngày đối với nhóm đối chứng.

Kết quả cho thấy, so với nhóm chứng, nguy cơ mắc các bệnh về hệ miễn dịch ở nhóm nhiễm COVID-19 như sau: rụng tóc từng mảng (hói đầu từng mảng) 1,12 lần, rụng tóc toàn phần (hói đầu hoàn toàn) 1,74 lần, bệnh Crohn 1,68 lần, bệnh sarcoidosis (sự tăng trưởng quá mức của các tế bào viêm nhiễm tại những bộ phận khác nhau) 1,59 lần và viêm mạch liên quan đến kháng thể kháng bào tương của bạch cầu hạt trung tính (ANCA) 2,76 lần.

Các nhà nghiên cứu cho rằng cơn bão cytokine quá mức (phản ứng quá mức của hệ miễn dịch đối với tình trạng nhiễm trùng) dẫn đến phản ứng tự miễn kéo dài, do đó kích hoạt cơ chế sinh lý bệnh của nhiều bệnh khác nhau.

Phân tích theo từng nhóm nhỏ cũng cho thấy tuổi tác và giới tính có liên quan đến nguy cơ mắc nhiều bệnh lý khác nhau trong nhóm nhiễm COVID-19. Những người từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh rụng tóc từng mảng, rụng tóc toàn phần và viêm mạch liên quan đến ANCA cao hơn, trong khi đó những người từ 40 tuổi trở xuống có nguy cơ mắc bệnh Crohn, bệnh sarcoidosis, bệnh Still ở người lớn và viêm khớp dạng thấp cao hơn. Ngoài ra, nam giới dễ mắc bệnh rụng tóc toàn phần, bệnh Crohn, bệnh vẩy nến, bệnh xơ cứng bì hệ thống, bệnh Still ở người lớn và viêm cột sống dính khớp, trong khi đó phụ nữ dễ mắc bệnh rụng tóc từng mảng và rụng tóc toàn bộ, viêm mạch máu liên quan đến ANCA, sarcoidosis, bệnh Crohn và bệnh bạch biến.

Nhiễm virus COVID-19 càng nặng thì nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, viêm mạch máu, viêm loét đại tràng, bạch biến, bệnh vẩy nến, rụng tóc toàn bộ, bệnh Crohn, bệnh Still ở người lớn, hội chứng Sjögren, viêm cột sống dính khớp và bệnh sarcoidosis càng cao.

Các tác giả của bài báo cho biết: “Các bệnh lý viêm và tự miễn mô liên kết có thể biểu hiện dưới dạng di chứng sau COVID-19”. Điều này cho thấy rằng việc chăm sóc lâu dài bệnh nhân COVID-19 nên bao gồm cả việc đánh giá những di chứng của những bệnh này.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh cho biết hội chứng "Covid kéo dài" bao gồm các triệu chứng kéo dài và xuất hiện ở bệnh nhân COVID-19 sau khi hồi phục như mệt mỏi, nhức đầu, đau ngực, khó thở hoặc phát ban trên da. Những triệu chứng này có thể kéo dài trong vài tuần, vài tháng hoặc thậm chí trong nhiều năm.

Nguy cơ mắc bệnh tự miễn sau nhiễm COVID-19 tăng gấp ba lần

Trước đó, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí EClinicalMedicine, một phần của tạp chí The Lancet Discovery Science, đã chỉ ra rằng sáu tháng sau khi được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19, nguy cơ mắc các bệnh tự miễn cao gấp ba lần so với những người không bị bệnh.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 3,81 triệu người trong 180 ngày, trong đó bao gồm hơn 880.000 người nhiễm COVID-19 đã được xác nhận và 2,9 triệu người không nhiễm bệnh. Kết quả cho thấy, so với nhóm đối chứng không nhiễm bệnh, những người nhiễm COVID-19 có nguy cơ mắc các bệnh miễn dịch cao hơn như sau: viêm khớp dạng thấp 2,98 lần, viêm cột sống dính khớp 3,21 lần, bệnh lupus ban đỏ hệ thống 2,99 lần, viêm mạch và viêm da đa cơ 1,96 lần, xơ cứng bì hệ thống 2,58 lần, hội chứng Sjögren 2,62 lần, bệnh mô liên kết hỗn hợp 3,14 lần, bệnh Behçet 2,32 lần, đau đa cơ do thấp khớp 2,9 lần, bệnh vẩy nến 2,91 lần, bệnh viêm ruột 1,78 lần, bệnh celiac 2,68 lần và đái tháo đường type 1 là 2,68 lần. Ngoài ra, tỷ lệ tử vong ở những người đã nhiễm COVID-19 là 1,2 lần so với nhóm đối chứng.

Chống lại COVID-19 bằng thực phẩm tự nhiên và các bài tập thể dục

Dinh dưỡng và tập thể dục là hai trụ cột trong lối sống hằng ngày để ngăn ngừa tình trạng nhiễm virus. Một nghiên cứu đánh giá tổng hợp được công bố trên tạp chí Nutrients vào năm 2020 đã nhấn mạnh rằng thực phẩm chức năng (các thực phẩm có lợi ích về mặt dinh dưỡng và sức khỏe) có thể nâng cao chức năng của hệ miễn dịch trong việc ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh do virus, đồng thời các hoạt động thể chất cũng có thể giúp tăng cường chức năng bảo vệ này.

Tập thể dục có thể tác động đến tất cả các tế bào miễn dịch trong hệ miễn dịch bẩm sinh và hệ miễn dịch thích nghi, đặc biệt là tác dụng tăng cường hoạt động của các tế bào diệt tự nhiên (NK), bạch cầu trung tính và đại thực bào (khi tập thể dục ở mức độ vừa phải). Khi tập thể dục thường xuyên trong thời gian dài, tác dụng của hoạt động này với hệ miễn dịch giống như một loại vaccine tự nhiên chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus như COVID-19. Tác dụng rất quan trọng ở những nhóm có nguy cơ cao, trong đó bao gồm cả những người thừa cân, béo phì và những người có tính trạng đề kháng insulin hay đái tháo đường.

Các tác giả khuyến cáo rằng chúng ta nên tập thể dục với cường độ vừa phải, trong đó bao gồm các bài tập rèn luyện sức mạnh, giữ thăng bằng và kiểm soát, kéo dãn hoặc kết hợp các hoạt động như đi bộ, cử tạ, gập gối và leo cầu thang. Các bài tập trong nhà như ngồi và đứng, squat, gập bụng và yoga cũng rất có lợi. Nên tập thể dục nhịp điệu từ 150 đến 200 phút hoặc 400 phút mỗi tuần.

Về mặt dinh dưỡng, sử dụng chế độ ăn giàu vitamin và khoáng chất có thể tăng cường khả năng miễn dịch, đặc biệt là với những người thiếu hụt các vi chất dinh dưỡng này.

Trái cây, rau củ, dầu ô liu, các loại cá có dầu, các loại hạt và đậu đều được xem là thực phẩm chức năng. Những loại thực phẩm này chứa các thành phần tăng cường sức khỏe tự nhiên gồm có polyphenol, terpen, alkaloid, flavonoid, sterol, sắc tố và axit béo không bão hòa. Những chất này có tác dụng bảo vệ thông qua đặc tính chống oxy hóa và chống viêm.

Ngoài ra, các loại thảo mộc giàu polyphenol, đặc biệt là các loại trà lên men (trà xanh, trà đen), yerba maté và cà phê đã được chứng minh là có nhiều lợi ích đối với các hoạt động trao đổi chất và vi mạch máu, giảm cholesterol và lượng đường trong máu lúc đói, chống viêm và chống oxy hóa ở những người có nguy cơ cao.

Các peptide hoạt tính sinh học được tìm thấy trong protein của thức ăn có thể tạo ra nhiều phản ứng sinh lý khác nhau liên quan đến hoạt động miễn dịch, kháng khuẩn, tiêu hóa, tim mạch, thần kinh và các hoạt động nội tiết tố khác. Những lợi ích từ các loại thực phẩm chức năng này góp phần bảo vệ cơ thể chống lại Covid-19 và các bệnh do virus khác.

Theo The Epoch Times

Đức Nhân biên dịch

Tác giả: Ellen Wan

Ellen Wan đã làm việc cho The Epoch Times tiếng Nhật từ năm 2007.



BÀI CHỌN LỌC

Nhiễm COVID-19 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý viêm và tự miễn