Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 4): Loạn khuẩn ruột là gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong loạt bài “Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột”, chúng tôi sẽ chia sẻ những phát hiện mới nhất trong lĩnh vực y tế mũi nhọn, làm thay đổi cách tiếp cận với bệnh tật, đưa ra các chiến lược mới để chữa và ngăn ngừa bệnh tật.

Loạn khuẩn ruột (Dysbiosis) tương tự như thuật ngữ microbiome (hệ vi sinh vật) cũng giống như bản thân khoa học: xa lạ, không đầy đủ và có vẻ còn khó hiểu.

Thuật ngữ Loạn khuẩn ruột (Dysbiosis) thường được sử dụng như một từ đồng nghĩa với “mất cân bằng” khi mô tả tình trạng hệ vi sinh vật của ai đó. Vấn đề là làm sao biết được cái gì tạo nên sự cân bằng khi mà có tới hàng nghìn tỷ vi khuẩn – đó là còn chưa kể tới virus và nấm – trong đường ruột con người.

Chính sự đa dạng này gây khó khăn cho việc xác định liệu chúng ta có đang có đúng loại vi khuẩn với đúng số lượng hay không.

Mặc dù chưa được hiểu rõ nhưng các nghiên cứu vẫn tiếp tục liên kết hệ vi sinh vật đường ruột với các bệnh về đường tiêu hóa và cả những bệnh khác nữa. Loạn khuẩn là một dấu hiệu sinh học của một số loại rối loạn, nó cũng là ưu tiên hàng đầu cho các liệu pháp trong tương lai để phòng ngừa và điều trị bệnh tật.

Đó là bởi vì hệ vi sinh vật của con người, một tổng hòa của những vi sinh vật sống bên trong cơ thể và trên da chúng ta, hoạt động giống như một tập hợp tế bào thứ cấp. Các tế bào tạo nên cơ thể chúng ta thực hiện hàng nghìn phản ứng sinh hóa, biến đổi các chất, tạo nên các hợp chất, và phát ra tia sáng của sự sống làm cho thể của chúng ta trở nên sống động.

Các vi khuẩn cũng thực hiện rất nhiều hoạt động tương tự như vậy. Khi chúng ta không có đủ các vi khuẩn có ích—hoặc có quá nhiều vi khuẩn gây hại—các vấn đề sẽ phát sinh.

Loạn khuẩn ruột và bệnh tật

Các nghiên cứu hiện nay chỉ mới động chạm được tới bề mặt nông cạn của loạn khuẩn ruột. Một bài Tổng quan đánh giá các công trình nghiên cứu công bố trên Tạp chí Vi sinh vật (Microorganisms) vào năm 2019 đã xem xét 113 công trình, qua đó đánh giá tình trạng nghiên cứu khoa học xoay quanh vấn đề cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột.

Các tác giả viết: “Loạn khuẩn ruột không chỉ là tại đường ruột mà còn liên quan đến nhiều bệnh khác ngoài đường ruột, ví dụ như rối loạn chuyển hóa và thần kinh”.

Hiểu biết sâu sắc về cách các thành phần của hệ vi sinh vật ảnh hưởng đến bệnh tật ra sao sẽ giúp mở ra các lựa chọn điều trị mới cho những căn bệnh đó.

Bài Tổng quan chỉ ra một số nghiên cứu đã tìm ra được mối liên quan cụ thể giữa loạn khuẩn ruột và bệnh tật:

  • Hội chứng Ruột kích thích có liên quan đến việc mất đi sự phong phú của vi khuẩn, từ đó ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của các kết nối tế bào cũng như làm suy yếu hàng rào biểu mô.
  • Các nghiên cứu về bệnh Celiac cho thấy bệnh nhân bị giảm Lactobacillus và Bifidobacteria, trong khi đó vi khuẩn có nguy cơ gây bệnh lại tăng lên so với ở người khỏe mạnh.
  • Béo phì có liên quan đến giảm độ đa dạng loài cũng như giảm lượng gen liên quan đến trao đổi chất.
  • Bệnh nhân của chứng mất trí nhớ có độ đa dạng vi khuẩn thấp hơn và các hệ vi sinh vật bị ảnh hưởng thì có liên quan đến tình trạng viêm.
  • Các nghiên cứu cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột kém đa dạng hơn ở trẻ em mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, đồng thời cũng bị giảm lượng Bifidobacteria và Firmicutes.
  • Căng thẳng đã được chứng minh là có mối quan hệ với hệ vi sinh vật đường ruột, với những thay đổi đặc hiệu cho trầm cảm hoặc căng thẳng.
  • Hệ vi sinh vật đường ruột của bệnh nhân ung thư đại trực tràng có ít vi khuẩn sản xuất butyrate hơn. Ngược lại một số loại vi khuẩn khác thì lại có nhiều hơn.
  • Một số nghiên cứu tìm thấy hệ vi sinh vật đường ruột bị thay đổi ở những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường Loại 2.

Dấu ấn của Hệ vi sinh vật

Quan hệ nhân quả Loạn khuẩn ruột và Bệnh tật ở đây không phải là loại tương quan hai chiều. Mặc dù các nhà nghiên cứu đã liên kết được một số loại vi sinh vật cụ thể với một số căn bệnh nhất định, nhưng chúng ta không biết có phải chính là sự loạn khuẩn ruột đã gây ra bệnh hay là ngược lại.

Hay lại cũng có thể là do một số yếu tố khác vừa gây bệnh lại vừa làm thay đổi hệ vi sinh vật. Có một thực tế rất lôi cuốn, đó là, các hệ vi sinh vật có tính độc nhất đối với các nền văn hóa và thậm chí, độc nhất với mỗi cá nhân. Điều này góp phần làm phức tạp thêm cho các nghiên cứu về loạn khuẩn ruột.

Theo các nghiên cứu, không có bất cứ hai người nào mà lại có hệ vi sinh vật giống hệt nhau, thậm chí đối với các cặp song sinh cũng vậy, khá giống nhau nhưng không hoàn toàn giống. Một số nhà nghiên cứu thậm chí còn đo được “đám mây sinh học” của con người, đó là không gian xung quanh mỗi người, nó thu thập và phát tán vi khuẩn qua da và hơi thở của chúng ta. Đám mây này là cách vi khuẩn, có lợi hoặc gây bệnh, lan truyền.

“Về cơ bản, hệ vi sinh vật của mỗi người là riêng biệt, giống như dấu vân tay, điều này mang lại một số ý nghĩa về pháp y. Một ngày nào đó, thậm chí chúng ta có thể phá án bằng cách sử dụng hệ vi sinh vật”, Neil Stollman, Chủ tịch khoa Tiêu hóa tại Trung tâm Y tế Alta Bates Summit và Phó giáo sư khoa Tiêu hóa lâm sàng tại Đại học California–San Francisco, cho biết.

Ở thời điểm hiện tại, dường như chúng ta còn đang không thể giải được câu đố về sức khỏe của chính mình. Các xét nghiệm có thể chỉ ra là chúng ta đang thiếu một loại vitamin hay chất bổ sung nào đó, và bác sĩ sẽ kê đơn cho chúng ta.

Tuy nhiên, nếu chúng ta muốn biết liệu hệ vi sinh vật đường ruột của mình có bị tổn thương hay không thì xét nghiệm rất khó biết được. Và nếu muốn sửa chữa những tổn thương này, thì thậm chí, còn khó khăn hơn. Mặc dù vậy, một số nhà sản xuất thực phẩm bổ sung lại hứa hẹn điều ngược lại.

Triết lý chia rẽ

Đối với loạn khuẩn ruột, y học chính thống có xu hướng nghiêng về cách tiếp cận thận trọng, chỉ thừa nhận vai trò của nó trong một vài tình huống, ví dụ như nhiễm vi khuẩn gây bệnh (có thể kể đến Clostridioides difficile – C. diff). Một mặt khác, các nhà nghiên cứu vẫn đang tiếp tục liên kết các dạng cấu hình vi khuẩn khác nhau với các căn bệnh. Có nhiều bác sĩ y học chức năng sẽ sử dụng xét nghiệm phân để đánh giá mức độ của một số lợi khuẩn, nếu số lượng vi khuẩn nào bị thấp họ sẽ cố gắng tìm cách gia tăng chúng nhằm mục đích phòng bệnh.

Tiến sĩ Akil Palanisamy, một bác sĩ nội khoa và là tác giả cuốn sách Giao thức T.I.G.E.R: Chương trình 5 bước tích hợp để Điều trị và Chữa lành Hệ tự miễn của bạn, nói với The Epoch Times rằng các Bác sĩ Y học Tích hợp có xu hướng tập trung vào sự tinh tế và sắc thái của hệ vi sinh vật. Điều này có thể là do họ đang tích cực tương tác với bệnh nhân và nhìn thấy các cấu hình hệ vi sinh khác nhau ảnh hưởng khác nhau như thế nào.

Mặc dù còn cần phải có thêm rất nhiều sự tìm tòi, nhưng theo tiến sĩ Palanisamy, mỗi năm đang có hàng nghìn nghiên cứu được thực hiện, và nhiều nghiên cứu đang khẳng định chứng loạn khuẩn cũng như vai trò của nó đối với các bệnh tự miễn.

Mặt khác, một số bác sĩ lâm sàng như Tiến sĩ Ari Grinspan, phó giáo sư y khoa và giám đốc chương trình cấy ghép hệ vi sinh vật trong phân tại Bệnh viện Mount Sinai, thì thận trọng hơn một chút và cho rằng các nghiên cứu này chưa đủ mạnh.

Grinspan nói với The Epoch Times rằng Loạn khuẩn ruột chủ yếu là một “made-up term” (thuật ngữ tự tạo) nhằm diễn đạt tình trạng hệ vi sinh vật bị thay đổi. Chúng ta đã thấy rõ tình trạng này khi sử dụng thuốc kháng sinh phổ rộng làm chết tất cả các loại vi khuẩn, gồm cả vi khuẩn gây bệnh như C. diff. Ông nói, ngoại trừ trường hợp đó ra, còn lại thì đều là sự kết hợp chứ không phải quan hệ nhân quả.

Phương pháp điều trị cá thể hóa

Tiến sĩ Scott Doughty, một bác sĩ gia đình, chuyên khoa Y học Tích hợp, của U.P. Holistic Medicine ở Michigan, nói với The Epoch Times, hầu hết các trường hợp loạn khuẩn ruột không xảy ra kiểu “sét đánh”, nghĩa là chúng thường không phải là tình cờ.

Thay vào đó, ông nói, các vấn đề về đường ruột có xu hướng là kết quả của lối sống căng thẳng, của độc tố, sự thiếu hụt chất dinh dưỡng và các biến chứng di truyền, chỉ thỉnh thoảng mới có trường hợp cấp tính. Tin tốt là loạn khuẩn có thể đảo ngược được.

Mặc dù, tùy từng trường hợp, ông vẫn đưa ra lời khuyên về chế độ ăn trước khi giới thiệu thực phẩm bổ sung, còn lại ông không có những quy tắc cứng nhắc kiểu như phải loại bỏ tất cả gluten và sữa, một kiểu y học dập khuôn, vốn làm ông cảm thấy không mấy thoải mái.

Mặt khác, thư viện có chứa đầy sách của các bác sĩ với những lời khuyên chung chung về cách chữa lành đường ruột. Rõ ràng, có một thị trường cho mảng đề tài này và các bác sĩ cũng đã giúp rất nhiều người có lối sống lành mạnh hơn.

Tiến sĩ Palanisamy thì sử dụng phương pháp mà ông đề cập trong cuốn Giao thức T.I.G.E.R. T.I.G.E.R. là những chữ cái đầu của các từ Độc tố, Nhiễm trùng, Đường ruột, Ăn uống và Nghỉ ngơi.

Ông nói với The Epoch Times rằng phải mất tối thiểu ba tháng để bắt đầu thấy được hiệu quả của phương pháp này. Một phương pháp đòi hỏi cách tiếp cận toàn diện, cam kết cao độ.

Bác sĩ Doughty nói, mặc dù sách và các sản phẩm có thể hữu ích, nhưng ông thường đề nghị bệnh nhân bỏ chúng sang một bên khi họ bắt đầu làm việc với ông.

“Điều tôi thường nói với họ là Dr. Axe (một thương hiệu thực phẩm chức năng) không phải là bác sĩ của bạn. Tôi ở đây vì bạn và bạn ở đây vì tôi”, ông nói.

Câu hỏi hóc búa về Thuốc diệt cỏ Glyphosate

Bên cạnh thuốc kháng sinh và căng thẳng, một yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến cân bằng vi khuẩn là các chất độc tiếp xúc với ruột kết qua thức ăn. Các nghiên cứu chỉ ra rằng hàng loạt chất độc có thể làm thay đổi thành phần vi sinh vật đường ruột, trong đó có một loại hóa chất mà mọi người đều tiếp xúc rộng rãi: thuốc diệt cỏ glyphosate.

Là loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi nhất trên toàn Thế giới, glyphosate—ban đầu được cấp bằng sáng chế dưới dạng thuốc kháng sinh—là thành phần hoạt chất trong hơn 750 sản phẩm thuốc diệt cỏ. Mặc dù Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã từng báo cáo xác định được mức glyphosate trong nước tiểu ở phụ nữ và trẻ em cao hơn bình thường nhưng lại không đưa ra ngưỡng an toàn.

CDC cũng không đưa ra hướng dẫn về độc tính, sức khỏe hay các quy định và còn tuyên bố việc tiến hành đánh giá mức độ phơi nhiễm: "bản thân nó không có nghĩa là hóa chất này gây bệnh hoặc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe."

Kể từ khi công trình Đánh giá Tổng quan các công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Độc học liên ngành (Interdiscipinary Toxicology) vào năm 2013, các nhà khoa học đã kêu gọi các chính phủ xem xét lại các chính sách về glyphosate để hạn chế sử dụng nó.

Glyphosate là thành phần hoạt chất trong Roundup, loại thuốc diệt cỏ được sử dụng rộng rãi nhất trên Thế giới, một sản phẩm phổ biến đến mức một trong những biến đổi gen phổ biến nhất được tìm thấy trên cây trồng chính là loại đột biến khiến cây trồng có khả năng chống chịu tốt hơn với nó. Nhà sản xuất của Roundup, Bayer, đang loại bỏ dần glyphosate khỏi thương hiệu dân dụng của mình.

Như Tiến sĩ David Perlmutter đã chỉ ra trong cuốn sách "Brain Maker", glyphosate thay đổi thành phần của vi khuẩn đường ruột bằng cách:

  • Làm suy giảm khả năng giải độc độc tố của chúng ta.
  • Làm suy yếu chức năng của vitamin D.
  • Thải sắt, coban, molypden và đồng ra khỏi cơ thể.
  • Làm suy yếu quá trình tổng hợp tryptophan và tyrosine, các axit amin thiết yếu cho việc sản xuất protein và chất dẫn truyền thần kinh.

Công trình Đánh giá các nghiên cứu nói trên tập trung xem xét mối liên hệ giữa glyphosate và bệnh celiac, cho rằng đây là yếu tố nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng độ nhạy cảm với gluten. Giả thuyết này dẫn dắt tới một phát hiện: trên thực tế canh tác, vào một vài ngày trước khi thu hoạch, người nông dân đã phun bổ sung một đợt glyphosate nhằm làm cho cây lúa mì chết và héo khô đi, tạo thuận lợi cho việc thu hoạch và bảo quản.

Perlmutter viết rằng mặc dù các biến số khác cũng có thể có vai trò nhất định, nhưng mối quan hệ giữa glyphosate và bệnh celiac là không thể phủ nhận.

Ông viết tiếp: “Một điều chúng tôi nắm được từ các nghiên cứu gần đây là glyphosate, trên thực tế, có tác động đến vi khuẩn đường ruột”.

Có thể có loạn khuẩn ruột nhưng không có bệnh

Một điều gây nản lòng trong khoa học là ngay cả khi đã có các bằng chứng thì vẫn khó chứng minh được mối quan hệ nhân quả giữa việc loạn khuẩn và bệnh tật. Như Grinspan đã nói, cái nguy hiểm khi sử dụng từ Loạn khuẩn ruột thay cho Mất cân bằng là ta không chắc được liệu có phải nó luôn là dấu hiệu của bệnh tật hay không. Người dân ở khu vực thành thị có hệ vi sinh vật ít đa dạng hơn so với những người sống ở nông thôn, là một ví dụ.

“Điều này thực sự có một chút phức tạp. Mọi người sẽ chỉ trich thuật ngữ 'loạn khuẩn'” Grinspan nói. “Hệ vi sinh vật ở mỗi cá nhân là khác nhau. Có rất nhiều yếu tố khác nhau có thể ảnh hưởng đến nó”.

Đó là một dạng tình thế khó xử mà các bác sĩ y học chức năng muốn làm rõ, cho dù khoa học vẫn còn ở giai đoạn sơ khai.

Khi nghiên cứu tiếp tục tiến triển, tiến sĩ Palanisamy cho biết, “ấn ký” của các tình trạng loạn khuẩn khác nhau dần hiện lên—chúng chính là mô hình phản ánh từng trạng thái bệnh cụ thể. Một số bệnh mà ông đề cập trong cuốn sách của mình có liên quan đến viêm khớp dạng thấp, bệnh đa xơ cứng, bệnh lupus và viêm cột sống dính khớp.

Ông nói: “Có rất nhiều loại loạn khuẩn khác nhau. Chúng tôi chưa hiểu toàn bộ chúng một cách đầy đủ”.

(Còn nữa)

Phần tiếp: Xem xét một số vai trò chính xác của vi khuẩn đường ruột và cách nhận biết các dấu hiệu sớm cho thấy hệ vi sinh vật của cơ thể đã bị tổn thương.

Hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 2): Các bệnh liên quan và biện pháp phòng tránh
Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 1): Cân nhắc kỹ trước khi dùng thuốc kháng sinh và kháng khuẩn
Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 3): Vi khuẩn trong phân nói lên điều gì?
Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 6): Quyết định khả năng chống lại ung thư

Theo The Epoch Times

Quân Dương biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 4): Loạn khuẩn ruột là gì?