Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 7): Chất độc, thức ăn và chất béo hủy hoại hệ vi sinh vật như thế nào

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong loạt bài “Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột”, chúng tôi sẽ chia sẻ những phát hiện mới nhất trong lĩnh vực y tế mũi nhọn, làm thay đổi cách tiếp cận với bệnh tật, đưa ra các chiến lược mới để chữa và ngăn ngừa bệnh tật.

Các yếu tố nguy cơ gây bệnh không phải lúc nào cũng đi kèm các triệu chứng rõ ràng. Ví dụ, bạn có thể bị huyết áp cao hoặc tăng cholesterol mà không có dấu hiệu rõ ràng nào cả.

Hệ vi sinh vật đường ruột cũng hoạt động theo cách tương tự. Cộng đồng vi sinh vật cộng sinh với con người có thể có những trục trặc to lớn mà ta không có bất cứ dấu hiệu bệnh tật rõ ràng nào cả. Tuy vậy, các trục trặc của hệ vi sinh vật đường ruột phải được coi là những cảnh báo cho các bệnh tự miễn, vốn đang ảnh hưởng tới mỗi 1 trong 5 người Mỹ. Một số bác sỹ lâm sàng sử dụng xét nghiệm phân để đánh giá các hệ vi sinh đường ruột như là một chỉ dấu sinh học cho bệnh tật.

Cũng giống như một số người có lối sống có thể gây ra tăng huyết áp và góp phần vào bệnh tim; có 3 yếu tố trong đời sống của con người có ảnh hưởng vô cùng lớn tới cộng đồng vi sinh đường ruột.

Các yếu tố đó là: Thành phần độc hại trong thức ăn, Mỡ cơ thể và Ngủ kém; mỗi yếu tố đều có ảnh hưởng sâu sắc tới vi sinh vật. Các bằng chứng đã chỉ ra rằng lối sống Mỹ làm suy yếu sức khỏe và làm mất sự cân bằng vi khuẩn ruột, hay còn được coi là loạn khuẩn, có thể xuất hiện từ lâu trước khi có biểu hiện triệu chứng.

Bác sĩ khoa tích hợp, Tiến sĩ Akil Palanisamy nói với The Epoch Times “Chúng ta đang nhìn nhận rằng chế độ ăn hiện đại, lối sống, và căng thẳng đang gây ra một sự mất cân bằng vi khuẩn ruột, trung tâm của mọi bệnh tật”. Là tác giả của cuốn sách “Giao thức T.I.G.E.R.: Chương trình 5 bước tích hợp để điều trị và chữa lành khả năng tự miễn dịch của bạn”, Palanisamy mô tả sự đa dạng của hệ vi sinh vật đường ruột như một thước đo quan trọng về sức khỏe.

Việc xét nghiệm phân có thể cho biết liệu chúng ta có đang có quá nhiều vi khuẩn không tốt hay đang bị thiếu vi khuẩn có ích không. Vậy mà ngay cả các bác sỹ khoa chức năng cũng có thể bỏ qua xét nghiệm này kể cả khi bệnh nhân bị béo phì, đang nạp vào ruột quá nhiều độc tố hay kém ngủ. Trong những trường hợp này, loạn khuẩn hoàn toàn có thể xảy ra, và sớm hay muộn những triệu chứng xấu, thậm chí tới mức làm thay đổi cuộc sống sẽ xảy ra.

Thực phẩm độc hại

Nếu bạn đang đọc bài này, có thể thử tìm hiểu xem, liệu bạn có đang đứng trước một vài nguy cơ bị loạn khuẩn không. Mất cân bằng vi khuẩn ruột là một sản phẩm của thế giới hiện đại. Các thực phẩm không tự nhiên, lối sống ít vận động, căng thẳng, béo phì và thiếu ngủ đang phá hủy hệ sinh thái bên trong của chúng ta.

Palanisamy nhấn mạnh nguy cơ gây ra bởi các độc tố tích tụ trong mỡ, khó đào thải hoặc chậm đào thải ra khỏi cơ thể. Chúng đang tràn ngập thế giới của chúng ta. Chúng có trong nước, trong thực phẩm, sản phẩm vệ sinh và không khí (đặc biệt là trong nhà).

Thực phẩm đóng gói chứa vô số chất độc - nhiều chất thậm chí còn chưa được nghiên cứu tới do việc áp dụng chính sách “nói chung đều được coi là an toàn” của chính phủ. Việc này đã cho phép nhiều chất phụ gia thực phẩm tránh không bị kiểm tra chặt chẽ. Các thành phần hóa học không chỉ kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm mà còn gây ra nhiều tác động khác; chúng cũng có tác dụng tạo ra kết cấu, màu sắc và hương vị hấp dẫn hơn cho sản phẩm. Nhiều chất còn được coi là an toàn vì nó chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng khối lượng sản phẩm.

Chuyển chế độ ăn từ thực phẩm chế biến sẵn sang thực phẩm tự nhiên có thể tạo ra sự khác biệt lớn cho sức khỏe đường ruột.

Tiến sĩ Ari Grinspan, phó giáo sư y khoa và giám đốc chương trình cấy ghép hệ vi sinh vật trong phân tại Bệnh viện Mount Sinai, nói với The Epoch Times về một loại phụ gia thực phẩm—chất nhũ tương hóa.

Chất nhũ hóa, có thể được làm từ các thành phần tổng hợp hoặc gốc thực vật tự nhiên, giúp ngăn chặn sự phân tách các thành phần của thực phẩm chế biến, chẳng hạn như ngăn sự tách rời giữa dầu và nước. Chất nhũ hóa giúp kéo dài thời hạn sử dụng của thực phẩm đóng gói.

Một nghiên cứu năm 2021 trên tạp chí Microbiome tìm ra một số chất nhũ hóa có thể làm thay đổi cấu trúc của hệ vi sinh vật và làm tăng tình trạng viêm ruột.

Chúng ta cũng có thể ăn phải các thành phần độc hại từ dược phẩm, thực phẩm bổ sung, đồ uống và nước máy chưa lọc. Trách nhiệm giảm thiểu mức độ tiếp xúc với chất độc nằm trên vai mỗi cá nhân khi mà các quy định thì đang thiếu, còn các nghiên cứu khó hiểu thì lại thường được tài trợ bởi các đối tác thiên vị không khách quan.

Trong nhiều trường hợp, các thông điệp tiếp thị có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những gì chúng ta ăn và uống, như Tiến sĩ Scott Doughty, bác sĩ tích hợp gia đình của U.P. Holistic Medicine, nói với The Epoch Times. Ông không còn ngạc nhiên khi bệnh nhân tin rằng soda dành cho người ăn kiêng là tốt cho sức khỏe hoặc chẳng quan tâm gì đến lượng rượu họ uống vào.

Cả hai sản phẩm đều đó có thể làm mất cân bằng hệ vi sinh vật và gây hại cho sức khỏe. Cách tiếp cận của Doughty là giáo dục và để cho bệnh nhân tự lựa chọn cái nào tốt cho họ, thay vì đưa ra những toa ăn kiêng nghiêm ngặt mà bệnh nhân của ông sẽ không bao giờ chấp nhận.

Ông cũng thường bắt đầu bằng câu hỏi: “Bạn nghĩ đâu là sự thay đổi lối sống có tác động lớn nhất mà bạn có thể thực hiện?”

Đó là một cách đơn giản nhưng mạnh mẽ để đánh giá .

Một chiến lược đơn giản khác để giải độc là loại bỏ, giảm bớt hoặc suy nghĩ lại về đồ ngọt. Lượng đường chế biến dư thừa sẽ gây độc cho cơ thể.

Palanisamy nói “Nó cũng thực sự phá vỡ hệ vi sinh vật. Nó nuôi dưỡng vi khuẩn xấu và góp phần gây ra chứng rối loạn sinh học. Tránh chất làm ngọt nhân tạo vì chúng cũng phá vỡ hệ vi sinh vật.”

Ông đề nghị giảm khẩu phần đường và các chất tạo ngọt nhân tạo, cũng có thể sử dụng các chất thay thế tự nhiên như xylitol, quả La hán hoặc cỏ ngọt stevia.

Mỡ bụng

Đường không chỉ độc hại mà còn có thể dẫn đến một yếu tố nguy cơ khác cho hệ vi sinh vật đường ruột: Béo phì.

Khi béo phì kết hợp với chế độ ăn giàu chất béo bão hòa và đường, bạn sẽ có nhiều khả năng mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu, một hệ quả của những thay đổi trong hệ vi sinh vật mà những yếu tố này có thể kích thích tạo ra.

Quá trình trao đổi chất dạng này được tìm thấy ở bệnh nhân lớn tuổi, những người bị tiểu đường Loại 2, cholesterol cao và hội chứng chuyển hóa. Nó ảnh hưởng tới khoảng gần 25% người trưởng thành. Ở những bệnh nhân rối loạn chuyển hóa, chất béo thường tích tụ ở vùng trung tâm, khiến mỡ bụng béo phì trở thành nguyên nhân chính gây ra các vấn đề về hệ vi sinh vật.

Chất béo tích tụ ở vùng bụng được gọi là mỡ nội tạng. Nó bao bọc các cơ quan nội tạng và tạo ra hormone cũng như các phân tử truyền tin khác nhau, kích hoạt viêm, dẫn đến các bệnh từ ung thư cho đến tiểu đường Loại 2.

Điều đó có thể giải thích tại sao các nghiên cứu lại thấy những người béo phì có các loại vi khuẩn cũng như tỷ lệ vi khuẩn khác biệt trong hệ vi sinh vật của họ. Theo một bài báo năm 2019 trên Tạp chí Gan Lâm sàng và Dịch thuật, những khác biệt này dường như kích hoạt các chu trình viêm dẫn đến sự tiến triển của bệnh.

Tiến sĩ Doni Wilson, bác sĩ trị liệu tự nhiên và chuyên gia dinh dưỡng nói với The Epoch Times rằng giảm mỡ bụng không quá phức tạp, đặc biệt là ở giai đoạn đầu. Thường thì cái khó nằm ở chỗ làm sao giảm được hoặc loại bỏ tinh bột tinh chế cũng như đường và thực phẩm chế biến sẵn.

Là tác giả cuốn sách “Làm chủ căng thẳng, phục hồi sức khỏe của bạn”, Wilson cho biết khẩu phần ăn quá lớn cũng có thể dẫn đến mất cân bằng vi khuẩn. Nạp quá nhiều bất cứ loại thực phẩm cũng tăng gánh nặng cho gan và lượng glucose dư thừa – nguồn nhiên liệu cho năng lượng tế bào – cuối cùng có thể tích lũy lại dưới dạng chất béo. Cô cho biết tăng cân cũng có thể dẫn đến kém ngủ.

Ngủ kém

Theo Satchindananda Panda, nhà nghiên cứu và giáo sư tại Viện nghiên cứu sinh học Salk, đã tốt nghiệp Viện nghiên cứu Scripps ở LaJolla, California, nhịp sinh học là “chỉ dấu sinh học mạnh mẽ nhất về sức khỏe”. Ông nghiên cứu các gen, các phân tử và tế bào, các thành tố này đang giữ cho toàn bộ cơ thể hoạt động theo cùng một đồng hồ sinh học. Ông đã trình bày những phát hiện của mình tại Tuần lễ Bệnh tiêu hóa gần đây ở Chicago.

Ông cho biết, những người có nguy cơ rối loạn chức năng sinh học cao nhất là những người làm việc theo ca, gia đình của những người làm ca, những người đi máy bay đường dài, và những người thường xuyên di chuyển.

Panda cho biết: “Nguy cơ mắc bệnh tăng lên đáp ứng với nhịp sinh học. Đó là một bộ điều tiết các chức năng của tế bào”.

Thật không may, trục trặc giấc ngủ không chỉ giới hạn ở những người làm việc theo ca và những người thường xuyên di chuyển.

Chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn (do luồng không khí bị gián đoạn trong khi ngủ khiến đường hô hấp trên bị xẹp), gây ảnh hưởng sâu sắc đến cơ thể. Nó phá hỏng giấc ngủ, khiến cơ thể rơi vào trạng thái trì trệ do giấc ngủ bị gián đoạn, do tình trạng thiếu oxy ngắt quãng và do lượng CO2 tăng trong máu (hypercapnia).

Một bài báo trên tạp chí Giấc ngủ năm 2021, cho thấy giấc ngủ gián đoạn, thiếu oxy ngắt quãng và tăng CO2 trong máu ngắt quãng, tất cả đều làm thay đổi thành phần của hệ vi sinh vật. Giảm oxy máu (hypoxia) có thể làm tăng nhịp tim, khó thở, bồn chồn, và lú lẫn. Tăng CO2 máu đi kèm với các triệu chứng thần kinh như nhầm lẫn, cũng như đau đầu và khó thở.

Mức độ phổ biến của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn và quan hệ hai chiều của nó với hệ vi sinh vật tác động đến một số lượng lớn người có nguy cơ cao, đặc biệt là những người lớn tuổi. Có tới 38% dân số mắc chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, nhưng ở người cao tuổi, con số này là 90% đối với nam và 78% đối với nữ.

Hệ vi sinh vật cũng có thể đóng những vai trò đa dạng đối với chất lượng giấc ngủ của chúng ta.

Một nghiên cứu trên tạp chí PLos One năm 2019 đã xác định được ba ngành vi khuẩn—Bacteroidetes, Firmicutes và Actinobacteria—có liên quan đến giấc ngủ gián đoạn theo những cách khác nhau. Bacteroidetes và Firmicutes có liên quan đến chất lượng giấc ngủ. Ngày càng có nhiều bằng chứng là chúng cũng điều tiết nhịp sinh học và lượng thức ăn ăn vào, cả hai yếu tố này đều ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ. Nâng cao sự phong phú của vi khuẩn trong ngành Actinobacteria sẽ góp phần nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Hồ sơ của một vi khuẩn hàng đầu

Vi khuẩn trong cơ thể không chỉ có tốt và xấu. Giống như cách thực vật hỗn hợp tạo nên một hệ sinh thái khỏe mạnh, hỗn hợp vi khuẩn tạo nên một hệ vi sinh vật khỏe mạnh. Và cũng giống như sự thống trị của một loài thực vật có thể phá hủy một hệ sinh thái, sự thống trị của một loại vi khuẩn có thể phá hủy một hệ vi sinh vật.

Đôi khi, vai trò của vi khuẩn trong cơ thể lại phụ thuộc vào số lượng hoặc vị trí của nó.

Bacteroides là thành viên chính của một loại vi khuẩn đường ruột phổ biến nhất gọi là Bacteroidetes, chiếm 10% đến 25% hệ vi sinh vật. Nó được coi là một mầm bệnh vì tuy nhìn chung nó không gây hại nhưng có thể trở nên gây hại, đặc biệt nếu thoát ra khỏi ruột.

Phần lớn, Bacteroides là một vi khuẩn tốt, nó hỗ trợ cho hệ thống miễn dịch phát triển, phân hủy thức ăn thành các hợp chất hỗ trợ sự phát triển của vi khuẩn có lợi và bảo vệ chống lại yếu tố gây nhiễm từ bên ngoài. Nhưng khi số lượng của nó tăng quá cao, thì lại liên quan tới suy giảm tính đa dạng và tình trạng kháng insulin.

Bởi vì Bacteroides chịu trách nhiệm sản xuất beta-glucuronidase, một loại enzyme đóng vai trò rất lớn trong việc loại bỏ độc tố khỏi cơ thể, nên có quá nhiều vi khuẩn sẽ tạo ra quá nhiều enzyme tàn phá cơ thể và làm suy yếu quá trình giải độc. Loạn khuẩn do Bacteroides có liên quan đến bệnh tiểu đường Loại 1, ung thư vú và ung thư ruột kết.

Palanisamy cho biết, duy trì độ pH tối ưu trong ruột kết bằng cách hạn chế ăn chất béo động vật và sữa, đồng thời tăng cường một số chất xơ thực vật (prebiotic) và polyphenol có thể giúp làm giảm sự phát triển quá mức của Bacteroides.

Thông tin phỏng theo cuốn sách “The T.I.G.E.R. Protocol” của Akil Palanisamy, M.D. Bản quyền 2023. Với sự cho phép của Balance, một chi nhánh của Grand Central Publishing. Đã đăng ký Bản quyền.

Phần tiếp: Điều trị nguyên nhân gốc rễ của loạn khuẩn bao gồm chế độ ăn uống và xét nghiệm. Chuyên gia chia sẻ các bước chữa trị hiệu quả.

Theo The Epoch Times

Quân Dương biên dịch

Tác giả: Amy Denney

Hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 2): Các bệnh liên quan và biện pháp phòng tránh
Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 1): Cân nhắc kỹ trước khi dùng thuốc kháng sinh và kháng khuẩn
Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 3): Vi khuẩn trong phân nói lên điều gì?
Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 4): Loạn khuẩn ruột là gì?
Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 5): Tạo Chất chuyển hóa nhỏ xíu mà có vai trò khổng lồ
Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 6): Quyết định khả năng chống lại ung thư



BÀI CHỌN LỌC

Nuôi dưỡng hệ vi sinh vật đường ruột (Phần 7): Chất độc, thức ăn và chất béo hủy hoại hệ vi sinh vật như thế nào