Phát hiện kim tự tháp 'cổ nhất thế giới' ở Indonesia được xây dựng cách đây 16.000 năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khảo cổ đã phát hiện ra rằng kim tự tháp của Indonesia, một khối cự thạch cao khoảng 30 mét bị chôn vùi trong một ngọn đồi đá núi lửa, là kim tự tháp cổ nhất thế giới, theo Daily Mail.

Gunung Padang, được các nhà thám hiểm Hà Lan phát hiện lại lần đầu vào năm 1890, có thể thực sự là công trình cổ nhất trong số các công trình có kích thước tương tự mà chúng ta đã biết, ít nhất là theo phương pháp xác định niên đại bằng carbon phóng xạ.

Các kiểm tra cho thấy việc xây dựng ban đầu của kim tự tháp, với hàng trăm bậc được chạm khắc từ đá dung nham andesit, được thực hiện vào hơn 16.000 năm trước trong kỷ Băng hà cuối cùng.

Điều đó có nghĩa là Gunung Padang có thể cổ hơn 10.000 năm không chỉ so với tất cả các bức tượng và kim tự tháp vĩ đại ở Giza, Ai Cập, mà còn cả Stonehenge huyền thoại ở Anh.

Giống với bằng chứng gần đây chỉ ra rằng tượng Nhân sư lớn ở Ai Cập được xây dựng bằng cách tận dụng sự xói mòn của gió, những người xây dựng kim tự tháp Gunung Padang cũng đã khéo léo lợi dụng điều kiện tự nhiên của địa phương.

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện lớp đầu tiên và sâu nhất của kim tự tháp Indonesia được chạm khắc từ dòng dung nham nguội tự nhiên của khu vực.

Gunung Padang thậm chí có thể được chứng minh là có thể cổ hơn hàng nghìn năm tuổi so với cự thạch Göbekli Tepe ở Thổ Nhĩ Kỳ từng được cho là cổ nhất thế giới.

Các nhà khoa học cho biết cấu trúc này hứa hẹn sẽ làm đảo lộn hiểu biết thông thường về “khả năng kỹ thuật của các nền văn minh cổ đại” thực sự như thế nào.

Các học giả đã dành hơn một thế kỷ để tranh cãi liệu cấu trúc dưới lòng đất được gọi là Gunung Padang (có nghĩa là “ngọn núi giác ngộ” trong tiếng địa phương) có thực sự là một kim tự tháp do con người tạo ra hay chỉ là một kiến ​​tạo địa chất tự nhiên.

Nhưng từ năm 2011 đến 2015, nhà địa chất Danny Hilman Natawidjaja thuộc Cơ quan Nghiên cứu và Đổi mới Quốc gia Indonesia đã dẫn đầu một nhóm gồm các nhà khảo cổ, nhà địa vật lý và nhà địa chất để khảo sát đáy của công trình cổ đại bí ẩn này.

Bằng cách sử dụng radar xuyên đất để chụp ảnh dưới bề mặt, các kỹ thuật khoan lõi và đào rãnh, Natawidjaja và các đồng nghiệp đã có thể thăm dò đến những lớp đầu tiên của Gunung Padang nằm sâu hơn 30 mét dưới bề mặt.

Sau nhiều năm phân tích dữ liệu từ những chuyến khảo sát, các nhà khảo cổ viết trên tạp chí Archaeological Prospection: “Nghiên cứu này cho thấy rõ ràng rằng Gunung Padang không phải là một ngọn đồi tự nhiên, mà là một công trình giống kim tự tháp”.

Tại trung tâm của kim tự tháp, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy thứ mà họ mô tả là cấu trúc đá nham thạch “được điêu khắc tỉ mỉ” làm từ andesite, một loại đá lửa.

Họ viết, khoang trong cùng nhất, được đặt tên là Unit 4, “có thể có nguồn gốc từ một ngọn đồi dung nham tự nhiên, trước khi được điêu khắc và sau đó được bao bọc về mặt kiến ​​trúc trong thời kỳ băng hà cuối cùng”, vào khoảng từ 16.000 đến 27.000 năm trước.

Các nhà khoa học mô tả khoảng 11.500 năm trở lại đây với sự tồn tại con người, là một "thời kỳ gian băng" (interglacial period) giữa các kỷ Băng hà được gọi là thế Holocene.

Natawidjaja và nhóm của ông sử dụng kỹ thuật xác định niên đại bằng carbon-14 để xác định tuổi của Unit 4. Đây là kỹ thuật dựa vào một đồng vị phóng xạ của carbon được tìm thấy trên khắp thế giới để đo tuổi của hóa thạch. Sau khi đo tốc độ phân rã phóng xạ của đồng vị carbon-14, các nhà khoa học có thể đo chính xác tuổi của vật chất hữu cơ đã chết từ 60.000 năm trước.

Để đảm bảo rằng việc xác định niên đại bằng carbon phóng xạ là chính xác, nhóm của Natawidjaja đã chọn các mẫu đất hữu cơ thích hợp từ lõi khoan và thành rãnh, những mẫu không bị nhiễm bẩn bởi rễ của thảm thực vật hiện đại.

Các nhà nghiên cứu hiện tin rằng Gunung Padang đã được xây dựng trong hàng nghìn năm.

Theo nghiên cứu mới của nhóm, sau khi Unit 4 được tạo ra trong kỷ Băng hà, Gunung Padang đã bị “những người xây dựng đầu tiên bỏ lại trong hàng nghìn năm”. Khoảng năm 7900–6100 trước Công nguyên, Unit 3, dường như đã bị “cố ý chôn lớp với lượng đất đáng kể”.

Lớp cột đá, bậc thang và sân thượng tiếp theo, Unit 1, có niên đại từ 6000 đến 5500 trước Công nguyên, trẻ hơn một số kim tự tháp của Ai Cập, được hoàn thành từ năm 2000 đến 1100 trước Công nguyên.

Nhiều thiên niên kỷ sau, vào năm 1998, Bộ Giáo dục và Văn hóa Indonesia đã công nhận tất cả nỗ lực xây dựng Gunung Padang của những người đi trước, tuyên bố công trình này là một di sản địa phương.

Natawidjaja và các đồng nghiệp của ông cho biết: “Những người xây dựng Unit 3 và Unit 2 tại Gunung Padang chắc hẳn phải có khả năng xây dựng vượt trội, không tương xứng với các nền văn hóa săn bắt hái lượm truyền thống. Với việc Gunung Padang bị chiếm đóng lâu dài và liên tục, thật hợp lý khi suy đoán rằng địa điểm này có tầm quan trọng không hề nhỏ, thu hút những người cổ đại liên tục chiếm giữ và chỉnh sửa nó”.

 

Theo Daily Mail



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện kim tự tháp 'cổ nhất thế giới' ở Indonesia được xây dựng cách đây 16.000 năm