Phát hiện ra một chủng người mới sống cách đây 300.000 năm ở An Huy, Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các nhà khoa học tin rằng họ có thể đã xác định được một chủng người mới sau khi tìm thấy hộp sọ cổ đại của một đứa trẻ sống cách đây 300.000 năm. Hài cốt hóa thạch, bao gồm xương hàm, hộp sọ và xương chân, được phát hiện ở động Hoa Long, tỉnh An Huy, Trung Quốc vào năm 2019.

Các nhà nghiên cứu từ Trường Đại học Giao thông Tây An, Học viện Khoa học Trung Quốc (Trung Quốc), Đại học York (Anh) và Trung tâm Nghiên cứu quốc gia về sự tiến hóa loài người (Tây Ban Nha) đã cùng tham gia phân tích bộ hài cốt trong nhiều năm, đối chiếu với hàng loạt chủng người cổ lẫn hiện đại.

Như nhiều nghiên cứu trong 2 thập kỷ nay cho thấy, thế giới con người rất đa dạng về loài. Vào thời điểm người hiện đại chúng ta (Homo sapines) ra đời, có ít nhất 8-9 chủng người khác đang cùng tồn tại: Denisovans, Neanderthals, Homo erectus... Nhưng chỉ một mình chúng ta sống sót cho đến ngày nay.

Tuy nhiên, điều khiến các chuyên gia ngạc nhiên là các đặc điểm trên khuôn mặt của cá nhân này không khớp với dòng dõi đã tách ra để tạo thành người Neanderthal, người Denisovan cũng như người hiện đại. Điều này dẫn đến một nghi ngờ cho rằng chúng ta có thể đã bỏ lỡ một nhánh trong cây phả hệ loài người.

Các nhà nghiên cứu cho biết, chủng người mới này có một đặc điểm thú vị là “không có cằm thực sự”. Điều này khiến họ giống người Denisovan – một chủng người cổ đại đã tuyệt chủng ở châu Á, tách ra từ người Neanderthal hơn 400.000 năm trước.

Theo các chuyên gia tại Viện Khoa học Trung Quốc (CAS), các chi, nắp sọ và hàm - có khả năng thuộc về một đứa trẻ 12 hoặc 13 tuổi - dường như "phản ánh các đặc điểm nguyên thủy hơn". Nhưng phần khác trên khuôn mặt của đứa trẻ có những đặc điểm lại gần giống với người hiện đại hơn.

Điều này khiến nhóm các nhà nghiên cứu kết luận rằng họ đã phát hiện ra một dòng dõi hoàn toàn mới của người tiền sử - một sự lai tạo giữa nhánh đã sinh ra người hiện đại và nhánh dẫn đến người Denisovan trong khu vực này.

Phát hiện này cũng có ý nghĩa quan trọng vì các nghiên cứu trước đây về hài cốt của người Neanderthal ở châu Âu và Tây Á đã tìm thấy bằng chứng về dòng dõi người cổ đại thứ tư sống từ Trung đến Hậu Pleistocen. Tuy nhiên, chủng người này chưa bao giờ được xác định chính thức trong hồ sơ hóa thạch.

Ở Trung Quốc, người Homo sapiens chỉ xuất hiện khoảng 120.000 năm trước. Nhưng nghiên cứu mới này gợi ý rằng các đặc điểm “hiện đại” của chúng ta đã tồn tại sớm hơn nhiều ở khu vực Đông Á.

Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể tổ tiên chung cuối cùng của Homo sapiens và Neanderthal đã xuất hiện ở Tây Nam Á và sau đó lan ra tất cả các lục địa.

Nghiên cứu mới được công bố trên Journal of Human Evolution.

Văn Thiện tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Phát hiện ra một chủng người mới sống cách đây 300.000 năm ở An Huy, Trung Quốc