Phiên tòa hắc ám xét xử 2 nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sau thời gian bị tra tấn trong trại giam, 2 nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc mới đây đã bị chính quyền Bắc Kinh xét xử kín. Họ là những người đã đóng góp to lớn cho phong trào dân chủ và nhân quyền tại Trung Quốc. Một trong hai người thậm chí đã từng viết thư ngỏ cho nhà lãnh đạo Tập Cận Bình.

Trung Quốc xét xử kín 2 nhà hoạt động nhân quyền

Hai nhà hoạt động nhân quyền lâu năm của Trung Quốc đã bị đưa ra xét xử kín vào ngày 22/6 và 24/6.

Theo báo cáo ngày 21/06 của Tổ chức Ân xá Quốc tế, ông Xu Zhiyong - nhà hoạt động dân quyền và chuyên gia pháp lý - và ông Ding Jiaxi - luật sư nhân quyền kỳ cựu - đã phải đối mặt với "những cáo buộc không công bằng và bịa đặt về việc chống phá quyền lực nhà nước".

Ông Xu và luật sư Ding là hai nhà đồng sáng lập Phong trào Công dân Mới, yêu cầu có được nhà nước pháp quyền và tự do ở Trung Quốc.

Vợ của ông Ding, bà Luo Shengchun, hiện sống ở Mỹ, đã viết trên Twitter vào ngày 20/06 rằng các luật sư của chồng bà bị buộc phải ký một thỏa thuận, trong đó cấm họ nói chuyện với giới truyền thông. Bốn ngày sau, bà Luo viết trên Twitter rằng bà chỉ nhận được một tin nhắn ngắn từ một trong những luật sư của chồng bà, nói rằng phiên tòa đã kéo dài gần 12 tiếng, kết thúc trước 9 giờ tối ngày 24/06; và một biên bản tòa án đã được ký.

Em gái của ông Xu thì viết trên Twitter rằng bà đã đến huyện Linshu ở tỉnh Sơn Đông - nơi anh trai bà sẽ bị xét xử tại tòa án huyện. Tuy nhiên, một số cảnh sát đã đột nhập vào phòng khách sạn của bà lúc 1 giờ sáng và buộc bà phải rời đi. Bà đã không được phép tham dự phiên tòa xét xử anh trai mình.

Vẫn chưa có phán quyết nào được đưa ra. Bà Luo khẳng định cả chồng bà và ông Xu đều vô tội. Bà đã gọi các phiên tòa này là “các phiên tòa bí mật vô cùng hắc ám của chế độ cộng sản Trung Quốc" trong các bài đăng trên Twitter.

Cuộc đàn áp chính trị hà khắc

Vào tháng 12/2019, ông Xu và luật sư Ding đã có một cuộc họp với hơn 20 luật sư nhân quyền và bạn bè tại Hạ Môn, một thành phố ven biển phía đông nam Trung Quốc. Những người tham gia cuộc họp sau đó đã bị săn lùng trên toàn Trung Quốc. Luật sư Ding bị bắt vào ngày 26/12/2019 và ông Xu bị bắt vài tuần sau đó, vào ngày 15/02/2020. Cả hai đều bị giam giữ kể từ đó.

“Cảnh sát đã bắt giữ những người tham gia buổi họp, nhưng họ không có bằng chứng hoặc cơ sở pháp lý nào để làm điều đó”, luật sư nhân quyền người Trung Quốc Wu Shaoping nói với ấn bản tiếng Trung của The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn gần đây.

“Chúng tôi chỉ là những công dân Trung Quốc và là luật sư nhân quyền - những người quan tâm đến xã hội Trung Quốc. Chúng tôi gặp nhau để ăn một bữa và trò chuyện về các vấn đề chính trị hiện tại”, luật sư Wu nói. Ông ấy nói với The Epoch Times rằng ông ấy đã tham gia cuộc gặp mặt ở Hạ Môn.

Luật sư Wu nói thêm rằng ông vẫn luôn theo dõi tiến trình các vụ án của luật sư Ding và ông Xu. Các luật sư của họ chỉ có được 1 buổi họp trước khi xét xử, lần lượt vào ngày 17/06 và ngày 20/06.

“Chúng tôi biết các trường hợp [như thế này]. Có hơn 100 hồ sơ trong mỗi trường hợp [vụ án]. Tòa án của chế độ [Trung Quốc] chỉ cho phép các luật sư có được một ngày để đọc qua cái gọi là bằng chứng, nhưng họ không cho phép các luật sư sao chụp bất kỳ hồ sơ nào. Tòa án chỉ làm cho có”, luật sư Wu nói. Ông lên án phiên tòa này là "cuộc đàn áp chính trị hà khắc".

Ủng hộ từ trong nước và quốc tế

Các phiên tòa kín của Trung Quốc làm dấy lên làn sóng ủng hộ dành cho ông Xu và luật sư Ding cả ở trong nước và nước ngoài. Nhiều người đã lên án các phiên tòa và yêu cầu trả tự do ngay lập tức cho hai người họ.

Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi tội danh lật đổ chế độ mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đưa ra là “bịa đặt”.

“Các nhà chức trách Trung Quốc đã nhắm vào ông Xu Zhiyong và ông Ding Jiaxi không phải vì họ đã phạm bất kỳ tội ác nào được quốc tế công nhận [là tội ác], mà chỉ vì họ có quan điểm mà chính quyền không thích. Những phiên tòa không công bằng này là một sự công kích nghiêm trọng vào nhân quyền của họ”, nhà vận động Gwen Lee của Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết.

Bà Mary Lawlor, báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về những người bảo vệ nhân quyền, đã viết trên Twitter vào ngày 24/06 rằng luật sư Ding “cần được đảm bảo có được một phiên tòa minh bạch và công bằng, bao gồm cả việc cho phép luật sư của ông ấy trình bày tất cả bằng chứng liên quan”.

Tổ chức Quốc tế về Nhân quyền (International Service for Human Rights), một tổ chức phi chính phủ có văn phòng tại Geneva (Thụy Sĩ) và New York (Mỹ), đã cho biết vào cùng ngày rằng họ đang tham gia cùng vợ của luật sư Ding trong việc “kêu gọi Trung Quốc tôn trọng quy trình tố tụng cơ bản và trả tự do cho ông Ding Jiaxi”.

Tổ chức phi chính phủ Nhân quyền ở Trung Quốc (Human Rights in China), được thành lập vào năm 1989 bởi các sinh viên và nhà khoa học Trung Quốc ở nước ngoài, đã đăng một tuyên bố vào ngày 24/06, kêu gọi “ngay lập tức thả” ông Xu và luật sư Ding, đồng thời lên án “bằng ngôn từ mạnh mẽ nhất các phiên tòa xét xử kín tội 'chống phá quyền lực nhà nước’”.

Bạn bè và những người ủng hộ cũng tham gia cùng vợ của luật sư Ding bằng cách đăng lên Twitter những bức ảnh kèm theo biểu ngữ, thúc giục Trung Quốc trả tự do cho ông Ding và ông Xu.

Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc đăng một bài viết trên mạng xã hội Weibo rằng “Chúng tôi đồng hành cùng họ [ông Xu và ông Ding]”, đồng thời yêu cầu Trung Quốc “ngay lập tức trả tự do cho họ”.

Bị tra tấn vì bảo vệ nhân quyền và dân chủ

Ông Xu, trong khi chạy trốn vào năm 2020, đã viết một bức thư ngỏ cho lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình. Trong thư, ông chỉ trích các chính sách của ông Tập, từ cả khía cạnh kinh tế và chính trị, bao gồm chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, chương trình xóa đói giảm nghèo, các đợt đàn áp quyền tự do ở Hong Kong và cách xử lý đợt bùng phát COVID-19 ban đầu ở Vũ Hán.

“Đôi khi tôi nhìn lên các vì sao và tự hỏi mình: Tôi là ai? Tại sao tôi lại đến thế giới này? Ông đã bao giờ tự hỏi mình những câu hỏi này chưa? Đôi lúc tôi đứng trên cao để nhìn xuống thế giới, tôi thấy mình nhỏ bé như hạt bụi. Ông đã bao giờ như thế chưa? Cuộc sống vội vã như vậy, tại sao chúng ta cứ mãi mê muội và ảo tưởng? Ông đã bao giờ suy ngẫm về điều đó chưa?”, ông Xu viết như vậy cho ông Tập trong bức thư ngỏ, kêu gọi ông Tập “hãy về nhà và nghỉ ngơi khi kết thúc nhiệm kỳ thứ hai”.

Bức thư ngỏ đã được đăng trên trang web của Thời báo Kỹ thuật số Trung Quốc (China Digital Times), “một tổ chức truyền thông song ngữ, độc lập” “mang tin tức không bị kiểm duyệt và tiếng nói trực tuyến từ Trung Quốc ra thế giới”, theo trang web của tổ chức này.

Theo một tuyên bố của Nhóm Luật sư Nhân quyền ở Trung Quốc, ông Xu đã thúc đẩy việc xóa bỏ hệ thống khét tiếng chuyên giam giữ và sát hại lao động nhập cư của Trung Quốc, đồng thời thành công trong việc giúp con cái của những người lao động nhập cư tham gia kỳ thi tuyển sinh quốc gia ở những nơi không phải quê hương của họ.

Trong khi đó, luật sư Ding ủng hộ việc thiết lập khái niệm quyền công dân của người dân Trung Quốc, yêu cầu thiết lập một hệ thống công khai tài sản chính thức, giải cứu những người khiếu kiện và thúc đẩy quyền bình đẳng cho người cao tuổi, theo tuyên bố của Nhóm Luật sư Nhân quyền ở Trung Quốc.

Cả hai người đều “bị tra tấn và đối xử tàn nhẫn trong thời gian bị giam giữ, bao gồm nhiều giờ thẩm vấn và bị trói vào thiết bị tra tấn bằng sắt có tên 'ghế cọp' với chân tay co quắp hơn 10 giờ mỗi ngày trong nhiều ngày", theo Tổ chức Ân xá Quốc tế ngày 21/6.

“Thật là đen tối. Có phải chúng ta sắp gần đến bình minh?", bà Luo Shengchun viết trên Twitter, hy vọng sớm thấy được công lý và tự do.

Xuân Hoa

Theo Sophia Lam - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Phiên tòa hắc ám xét xử 2 nhà hoạt động nhân quyền người Trung Quốc