Quan thanh liêm không sợ cường quyền, cương trực không thiên lệch

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xưa có những vị quan thanh liêm, quả thực đã làm được như lời dạy của Mạnh Tử: "Phú quý không mê hoặc được, nghèo hèn không thay đổi được, uy vũ không khuất phục được".

Hải Thụy (1514 – 1587), tự Nhữ Hiền, người Quỳnh Sơn (nay là thành phố Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc), dân tộc Hồi, đời Minh, là một vị quan thanh liêm nổi tiếng trong lịch sử. Ông "bình sinh ham học, tính tình cương trực", cho nên còn có hiệu là Cương Phong (ngọn núi cao thẳng), cũng bởi ông không sợ cường quyền, cương trực không thiên lệch, nên người trong thiên hạ đều tôn xưng ông là Cương Phong Tiên Sinh.

Hải Thụy 4 tuổi mồ côi cha, từ nhỏ đã vùi đầu trong “Tứ thư ngũ kinh”, với cá tính và phẩm chất độc đáo của mình, thêm sự kết hợp của kiến thức Nho học và nguyện vọng kinh bang tế thế, đã từng bước tạo thành tác phong khác với thói thường. Khi ông mới nhậm chức giáo dụ huyện Nam Bình, một lần quan ngự sử đến huyện Nam Bình thị sát tình hình giáo dục, tiếp kiến giáo dụ, huấn đạo và các giáo quan khác tại học cung. Lúc đó hai vị huấn đạo và các giáo quan khác đều quỳ xuống yết kiến, chỉ có Hải Thụy đứng thẳng ở giữa, chắp tay thi lễ vấn an mà thôi.

Quan ngự sử thấy hai bên trái phải thì quỳ thấp, mà ở giữa thì đứng cao, giống như cái gác bút (hình chữ Sơn), liền hỏi ông vì lẽ gì không quỳ. Hải Thụy nói: "Việc yết kiến cũng cần theo lễ, giáo đường này là nơi của các bậc sư trưởng giáo sĩ, quỳ không thích hợp!" Do đó ông được quan ngự sử tặng cho tên hiệu “gác bút tiên sinh”, tỏ rõ sự kính trọng với phẩm đức cao quý của Hải Thụy: tuân thủ nghiêm ngặt lễ nghi phép tắc, không sợ quan trên.

Hải Thụy trải qua 3 đời vua Gia Tĩnh, Long Khánh, Vạn Lịch, làm quan 18 năm, sống cả đời tiết kiệm, chấn chỉnh tệ nạn, hạn định ruộng và thuế, chăm lo thuỷ lợi... làm rất nhiều việc tốt cho dân. Đặc biệt ông không sợ cường quyền, chấp pháp nghiêm minh, không tính toán sinh tử, vinh nhục của bản thân, điều này càng làm nổi bật phẩm chất “cương phong” của ông.

Khi Hải Thụy nhậm chức tri huyện Thuần An, Chiết Giang, con trai Tổng đốc Chiết Giang Hồ Tôn Hiến có ghé qua địa phương, vì nha dịch chiêu đãi không hậu hĩ, ỷ mình là con quan tổng đốc, hắn bèn trói ngược lên đánh đập. Sau khi Hải Thụy biết được, hết sức tức giận với loại hành vi càn quấy phạm pháp, cậy quyền cậy thế này, đoạn ông liền làm bộ nói rằng: "Lúc trước Tổng đốc tuần tra, lệnh cho các địa phương ghé qua không được phô trương, lãng phí. Kẻ này rình rang như vậy, chắc chắn không phải Hồ công tử rồi."

Xong sai nha dịch mở hết hòm xiểng của con trai Hồ Tôn Hiến ra khám xét, thấy có mấy nghìn lạng bạc, liền tịch thu, sung vào quốc khố. Lại quát trói gô Hồ công tử lại giao cho huyện nha giam giữ. Xong xuôi, ông đem những việc xảy ra báo cáo cụ thể cho Hồ Tôn Hiến. Hồ Tôn Hiến sợ nếu làm lớn chuyện, sẽ tổn hại danh dự của mình, liền không dám công khai che chở con trai, cũng không có cách nào bắt tội Hải Thụy.

Để chấn chỉnh tệ nạn, cấm chỉ tham ô, Hải Thụy còn đích thân làm gương, tuyên bố "Cấm đón đưa, cấm nhà khách xa hoa", "Nếu bản quan dùng, cũng là vi phạm pháp luật, cũng bị định tội, xử theo luật không tha"

Một lần, bè đảng của Nghiêm Tung là Tả phó Đô ngự sử Yên Mậu Khanh của Đô sát viện đi kinh lý việc làm muối ở vùng Đông Nam, từ Hàng Châu qua Thuần An đến Tề Vân, được rất nhiều quan lại trong phạm vi trăm dặm của châu huyện nghênh đón, chỉ sợ không chu toàn, phô trương bày vẽ, xảo trá vơ vét tài sản vô số kể, nhưng bề mặt ông ta lại thông tri tới các huyện sắp đi qua, nói rằng mình "Vốn tính đơn giản, không thích nghênh đón, ăn uống cung đốn đều phải tiết kiệm, không được xa xỉ."

Đối mặt với vị quan trọng yếu này, Hải Thụy tương kế tựu kế, trên tờ trình nói: "Nghe được tin đồn, khác với thông tri. Muốn làm theo thông tri, thì sợ sơ sót. Mà làm theo tin đồn, ắt là sai với thông tri. Địa phương lo lắng, không biết theo đường nào."

Ông buộc Yên Mậu Khanh phải trả lời: "Chiểu theo thông tri mà làm."

Thế là, Yên Mậu Khanh biết có đến Thuần An cũng không sơ múi được gì, lại còn phải lĩnh giáo Hải Thụy thiết diện vô tư. Ông ta liền đi đường vòng, không vào địa giới Nghiêm Châu.

Những năm Long Khánh đời vua Gia Tĩnh nhà Minh, bầu không khí quan trường gian trá, lừa đảo tranh đoạt, thông đồng làm bậy, nịnh hót bợ đỡ… cực kỳ nghiêm trọng, ngoài xã hội thì trào lưu xa hoa dâm dật, tham lam phạm pháp ngày càng nghiêm trọng, tổng thể giai tầng quản lý ngày càng mục nát. Dưới bối cảnh xã hội đó, gần bùn mà không hôi tanh, giữ mình thanh liêm đã là hết sức không dễ dàng, chứ đừng nói là chấp pháp nghiêm minh, chấn chỉnh tệ nạn.

Bởi vậy cung cách làm việc của Hải Thụy rất được dân chúng ủng hộ, mà các nhà quyền quý lại rất bất mãn với ông – đương thời Hải Thụy vốn dĩ đã nhận lệnh triều đình thăng làm chức thông phán ở Gia Hưng, lại bởi vì sự vu cáo hãm hại của Viên Thuần – thuộc hạ của Yên Mậu Khanh – mà bị giáng chức làm tri huyện của huyện Hưng Quốc, Giang Tây.

Khi làm tri huyện Hưng Quốc, nhuệ khí diệt trừ gian tham của Hải Thụy không hề thay đổi. Cháu của Nguyên Binh bộ Thượng thư Trương Ngao là Trương Khôi, Trương Báo, đến huyện Hưng Quốc, lấy cớ mua bán gỗ mà chiếm cứ núi non, lừa lọc đảo điên, lạm sát kẻ vô tội, hống hách bội phần. Sau khi Hải Thụy biết được, ông không chút do dự lệnh cho nha dịch bắt anh em họ Trương về quy án, đưa lên phủ trị tội. Sau khi lên phủ, bởi vì quan viên bao che, nên tuyên án hai người vô tội. Hải Thụy hết sức phẫn nộ với kết quả xử lý này, liền điều tra tỉ mỉ, đem sự thực tình huống phạm tội của hai người kia báo lên quan trên.

Trương Ngao biết được việc này, thì viết thư gửi khắp nơi, tác động đến những người quan trọng, đến mức "sĩ đại phu quen biết vùng Cán Châu đều bị nhờ vả".

Về sau nhờ lý lẽ đanh thép của Hải Thụy, dưới sự ủng hộ của Tổng đốc Giang Tây Ngô Bách Bằng, mà hai anh em họ Trương cuối cùng cũng bị định tội, trừng phạt tương ứng. Tinh thần chấp pháp thẳng ngay, không sợ quyền thế của Hải Thụy được dân chúng kính ngưỡng sâu sắc, ngoài ra nó còn có sức chấn nhiếp to lớn đến các quan lại phạm pháp.

Tinh thần chấp pháp thẳng ngay, không sợ quyền thế của Hải Thụy được dân chúng kính ngưỡng sâu sắc. (Hình ảnh: DKN)

Năm Long Khánh thứ 3 (1569), Hải Thụy được thăng làm Hữu Thiêm Đô Ngự sử ở Đô Sát Viện, Khâm sai Tổng đốc, Tuần phủ phụ trách giao thông đường thủy của phủ Ứng Thiên. Tin bổ nhiệm vừa ban ra, quan viên phủ Ứng Thiên đều cảm thấy kinh hồn táng đởm, những ai phạm tội lớn đều tự động xin thôi chức, có mấy cường hào ác bá đang hoành hành ở hương thôn cũng dời đi xa, tất cả là để tránh Hải Thụy.

Có nhà quyền quý vốn sơn cửa nhà màu đỏ, nghe nói Hải Thụy muốn tới, liền suốt đêm sơn cửa thành màu đen, để tránh bị chú ý. Viên thái giám đi giám sát hàng dệt Giang Nam, cũng liền vội vàng đổi kiệu lớn 8 người khiêng thành kiệu nhỏ 4 người khiêng. Có thể nói, uy đức của Hải Thụy có sức chấn nhiếp mãnh liệt đối với đám người tà vạy!

Thời kỳ giữa của nhà Minh, việc vơ vét đất đai xảy ra nghiêm trọng, quan lại địa phương và thân hào không thèm để ý đến điều khoản cấm vơ vét chiếm giữ điền sản trong “Đại Minh Luật”, trắng trợn chiếm giữ ruộng vườn, trên dưới thông đồng, khiến vấn đề đất đai ngày càng nghiêm trọng, mâu thuẫn xã hội càng thêm gay gắt.

Trong vùng Nam Trực Lệ, kẻ khiến dân chúng căm giận nhất chính là nhà Tiền Nội các Thủ phụ Từ Giai. Từ Giai cũng như anh em, con cháu, đều làm việc cho vay cắt cổ, lừa gạt chiếm đoạt, vơ vét tiền tài, bị nông dân huyện Hoa Đình tố cáo. Từ Giai không chỉ có thế lực quan trường lớn, mà đối với Hải Thụy từng có ơn cứu mạng.

Thời Gia Tĩnh, Hải Thụy dâng sớ khuyên can hoàng đế, bị tống vào ngục tử tù, nhờ có Từ Giai điều đình, mới khỏi chết. Lúc vua Gia Tĩnh băng hà, cũng là Từ Giai phác thảo di chiếu để Hải Thụy có thể ra tù. Dưới tình huống như vậy, Hải Thụy dứt khoát đem những gì liên quan tố tụng nhà họ Từ gửi đến Từ Giai, yêu cầu ông ta nghĩ cách giải quyết, thấp nhất cũng phải bỏ một nửa điền sản, Từ Giai bị ép tiếp nhận yêu cầu cứng rắn của Hải Thụy.

Trên cơ sở điều tra xem xét quy mô lớn, Hải Thụy nhận định các tội của con em họ Từ như cho vay cắt cổ, gia nhân hoành hành bạo ngược v.v… đều là thật. Liền áp dụng biện pháp kiên quyết, bắt em trai Từ Giai là Từ Trắc, gia nô trong phủ họ Từ mười phần thì phân tán đi hết tám, chín phần; lại đem con trưởng Từ Giai là Từ Phan, con thứ Từ Côn cùng với hơn mười tay sai sung quân nơi biên viễn, con thứ ba của Từ Giai là Từ Anh bị cách chức làm dân thường. Đây lại một lần nữa thể hiện Hải Thụy xử án vị công, chấp pháp nghiêm minh, cương trực không thiên lệch.

Ngoài việc xử án, thì việc phản đối vơ vét, cưỡng chế lấy lại điền sản cũng là chủ trương và cách làm nhất quán của Hải Thụy khi nhậm chức Tuần phủ Ứng Thiên, nhưng án kiện tương tự quá nhiều, lại trên phạm vi quá rộng, đến nỗi cả một vùng quanh Tùng Giang có cả vạn dân tố cáo quan lại địa phương chiếm tài sản. Hải Thụy mang theo chính khí lẫm liệt và tinh thần quên mình, cuốn vào trong sự phân tranh quy mô lớn như vậy, đúng là đơn thương độc mã, lấy sức cá nhân mà đương đầu với lực lượng xã hội cường đại, rơi vào cảnh không được như ý, cuối cùng bị bãi quan về quê. Đến tận hơn mười năm sau, thời Vạn Lịch, vua Thần Tông mới sắp xếp cho ông lại ra làm quan.

Hải Thụy thiết diện vô tư, chấp pháp nghiêm minh, không sợ cường quyền, uy chấn gian tà! Thật là một ngọn núi cao thẳng sừng sững trong sử sách!

(Căn cứ theo “Minh sử”)

Theo Tăng Kính Hiền - Epochtimes

Hữu Đức biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Quan thanh liêm không sợ cường quyền, cương trực không thiên lệch