Rủi ro tiềm ẩn của bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế dự báo số ca mắc bệnh tiếp tục tăng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bệnh tay chân miệng có thể lây truyền qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể nhiễm bệnh, nhưng phổ biến nhất là trẻ dưới 10 tuổi.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường phòng chống dịch bệnh chiều 10/4, Tiến sĩ Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết từ đầu năm đến nay, Việt Nam ghi nhận tổng cộng 10.196 trường hợp mắc tay chân miệng, tăng 2-3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, các tỉnh thuộc khu vực phía Nam có hơn 7.500 ca, chiếm gần 75% trường hợp được ghi nhận trên cả nước. Miền Bắc có hơn 1.300 ca và miền Trung khoảng 1.000 ca, khu vực Tây Nguyên chiếm tỷ lệ nhỏ nhất với chỉ 200 ca.

Các trường hợp mắc tay chân miệng chủ yếu ở các trường mầm non, với hơn 90% trẻ dưới 5 tuổi mắc bệnh, đến nay vẫn chưa có bất kỳ ca tử vong nào được ghi nhận.

Cao điểm của bệnh tay chân miệng thường diễn ra từ tháng 3 đến tháng 5 và từ tháng 8 đến tháng 9. Bộ Y tế dự báo các trường hợp mắc tay chân miệng có thể gia tăng trong thời gian tới.

Hai nhóm tác nhân gây bệnh thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Năm ngoái, chủng Enterovirus 71 (EV71) đặc tính lây lan nhanh và độc lực cao chiếm ưu thế là một trong các nguyên nhân khiến dịch tay chân miệng tăng ở phía Nam, với 23 trường hợp tử vong, trong đó 5 ca do chủng EV71.

Hiện tại, tình trạng nắng nóng kéo dài ở miền Nam cũng là một trong những tác nhân khiến số ca bệnh tăng lên.

Bệnh tay chân miệng có thể lây truyền qua đường tiêu hóa hay tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ các bọng nước, phân, nước bọt hay dịch tiết mũi họng. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể nhiễm bệnh, nhưng phổ biến nhất là trẻ dưới 10 tuổi.

Trẻ bị tay chân miệng thường có thời gian ủ bệnh từ 3-7 ngày. Trong giai đoạn đầu, trẻ có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, đau họng nhẹ, kém ăn…

Sau khi khởi phát sốt khoảng 1-2 ngày, cơ thể trẻ thường xuất hiện các nốt ban hồng có đường kính khoảng vài mm, nổi trên bề mặt da. Sau đó, chúng sẽ trở thành bóng nước.

Các vết loét phía trong miệng, trên đầu lưỡi, vòm miệng hay lợi có thể bị lở loét, gây đau đớn mỗi khi nuốt.

Lúc này, các vết loét và bóng nước sẽ khiến trẻ bị đau miệng, bỏ ăn, bỏ bú, chảy dãi và quấy khóc. Cha mẹ cần chú ý để không bị nhầm lẫn với tình trạng viêm loét miệng thông thường.

Ngoài ra, các vết loét cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông hoặc cơ quan sinh dục ở trẻ.

Nói chung, các triệu chứng ban đầu của tay chân miệng thường bị nhầm lẫn sang bệnh khác, nếu không chú ý thì rất khó phát hiện.

Tay chân miệng có thể lây lan từ người sang người và tiềm ẩn nguy cơ tạo thành ổ dịch lớn. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, diễn biến rất nhanh chỉ trong vòng vài giờ.

Phần lớn trẻ chỉ mắc bệnh nhẹ, sốt trong vài ngày, các dấu hiệu và triệu chứng sẽ cải thiện dần theo thời gian. Trong trường hợp nghiêm trọng, hoặc bé mắc bệnh do virus Enterovirus 71 thì có thể tiềm ẩn các biến chứng nặng như sốc, viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp, thậm chí tử vong.

Do bệnh chủ yếu lây lan qua nước bọt, phỏng nước và phân của người bệnh, nên trẻ sinh hoạt tập thể tại các trường mầm non và tiểu học rất dễ trở thành đối tượng lây nhiễm.

Đặc biệt, cha mẹ nên lưu ý 3 triệu chứng thuộc về tay chân miệng thể nặng dưới đây:

    • Trẻ liên tục quấy khóc trong thời gian dài: Trẻ có thể quấy khóc cả đêm hoặc cứ ngủ từ 15-20 phút lại dậy và quấy khóc. Đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh ở giai đoạn sớm.
  • Trẻ sốt cao liên tục không hạ: Khi bệnh trở nặng, trẻ có thể bị sốt trên 38,5 độ C trong hơn hai ngày, thuốc hạ nhiệt cũng không có tác dụng. Điều này cho thấy cơ thể đang bị viêm rất mạnh dẫn đến nhiễm độc thần kinh.
  • Hay giật mình: Đây là dấu hiệu cảnh báo tình trạng nhiễm độc thần kinh. Cha mẹ cần chú ý quan sát tần suất trẻ bị giật mình có thường xuyên hay không ngay cả khi trẻ đang chơi đùa.

Nói chung, ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu loét họng, xuất hiện hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, chân, mông, đầu gối… cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám, điều trị kịp thời.

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Rủi ro tiềm ẩn của bệnh tay chân miệng, Bộ Y tế dự báo số ca mắc bệnh tiếp tục tăng