Sau vụ SVB sụp đổ, giới quản lý ngân hàng Mỹ tìm cách đối phó rủi ro từ mạng xã hội

Giúp NTDVN sửa lỗi

Giới lãnh đạo ngân hàng đang cố gắng nhìn lại những vụ sụp đổ ngân hàng gần đây và đánh giá lại cách tiếp cận của họ đối với các nền tảng trực tuyến. Rủi ro từ mạng xã hội đã trở thành một mối đe dọa sống còn.

Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) đã được kích hoạt bởi sự hoảng loạn do mạng xã hội gây ra. Hai tháng sau vụ sụp đổ, các giám đốc điều hành ngân hàng trên khắp nước Mỹ đang đánh giá lại cách tiếp cận của họ đối với các nền tảng trực tuyến. Cuộc khủng hoảng đã làm dấy lên nhận thức về tác động của truyền thông xã hội đối với ngành tài chính, thúc đẩy một sự tập trung mới vào quản lý và giảm thiểu rủi ro.

Một loạt các chiến lược hiện đang được phát triển trên toàn quốc. Các biện pháp này được thiết kế để chống lại các mối đe dọa trực tuyến tiềm ẩn như tin đồn vô căn cứ về tình hình tài chính của ngân hàng. Đây là thứ có thể dẫn đến việc rút tiền gửi trên quy mô lớn hoặc tác động tiêu cực đến giá cổ phiếu. Quan điểm sâu sắc này đến từ một số giám đốc điều hành và nhà phân tích trong ngành ngân hàng.

Một quan điểm mới về truyền thông xã hội đang hình thành trong ngành. Người ta không còn coi nó là một công cụ tiếp thị đơn thuần, thay vào đó, nó là một yếu tố rủi ro đáng kể. Chẳng hạn, một cơn bão trên Twitter, thứ làm dấy lên nghi vấn về sự ổn định tài chính của SVB, đã dẫn đến việc rút 1 triệu USD mỗi giây từ tài khoản của khách hàng một cách hoảng loạn, cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng vào ngày 10/03.

Ông Sumeet Chabria, người sáng lập ThoughtLinks, một công ty tư vấn chuyên về ngân hàng, cho biết: “Rủi ro truyền thông xã hội, từng được coi là chủ yếu liên quan tới uy tín, giờ đây đã được chứng minh là tạo ra các mối đe dọa sống còn, dẫn đến rủi ro rút tiền gửi".

Trong lời khai của mình trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện, ông Greg Becker, cựu Giám đốc điều hành của SVB, đã chỉ ra rằng, mạng xã hội là một yếu tố “chưa từng có tiền lệ” dẫn đến sự sụp đổ của ngân hàng. Những người gửi tiền của SVB đã rút số tiền đáng kinh ngạc là 42 tỷ USD chỉ trong 10 giờ, gây chấn động khắp thị trường tài chính.

Sự sụp đổ nhanh chóng của SVB bắt đầu với thông báo của ngân hàng vào ngày 08/03 về kế hoạch bán chứng khoán và huy động vốn. Động thái này làm dấy lên mối lo ngại về sức khỏe tài chính của nó. Các khách hàng công nghệ ở Vùng Vịnh lên Twitter để bày tỏ sự e ngại đồng thời rút tiền thông qua ứng dụng di động và ngân hàng trực tuyến. Chuỗi sự kiện này là một lời cảnh báo rõ ràng đối với ngành. Hai tháng sau đó, Ngân hàng First Republic cũng sụp đổ. Cựu Giám đốc điều hành của nó, ông Michael Roffler, cũng cho rằng phương tiện truyền thông xã hội là thủ phạm.

Theo ông Chabria, những sự cố này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với những nhà cho vay nhỏ hơn. Họ hiện đang cập nhật khả năng ứng phó khẩn cấp và phòng ngừa rủi ro, đồng thời sửa đổi các kế hoạch kinh doanh của họ để đối phó mối đe dọa mới nổi này.

Sau vụ sụp đổ của SVB, giới quản lý ngân hàng Mỹ tìm cách đối phó rủi ro từ mạng xã hội
Màn hình điện thoại thông minh hiển thị logo của Ngân hàng First Republic, ở đằng trước logo của JP Morgan Chase ở Washington, DC, Mỹ, vào ngày 01/05/2023. (Ảnh: OLIVIER DOULIERY/AFP qua Getty Images)

Giải pháp đối phó với rủi ro mạng truyền thông xã hội

Là một phần của sự thay đổi chiến lược này, các giám đốc ngân hàng đang đưa yếu tố phương tiện truyền thông xã hội vào các chương trình quản lý rủi ro của họ. Theo các giám đốc điều hành ngân hàng khu vực, những người muốn giấu tên do tính chất riêng tư của các cuộc thảo luận, các bộ phận rủi ro đã được giao nhiệm vụ vạch ra chi tiết các kế hoạch toàn diện cho phép các ngân hàng đo lường, dự đoán và ứng phó hiệu quả với các rủi ro liên quan đến Internet.

Để giải quyết các vấn đề tiềm ẩn ở giai đoạn sớm nhất, các ngân hàng cũng đang ưu tiên giải quyết kịp thời mọi khiếu nại của khách hàng trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Quan điểm đó được ông Greg Hertrich, người đứng đầu bộ phận chiến lược tiền gửi của Mỹ tại Nomura, đồng tình. Ông Hertrich nói: “Bất kỳ ngân hàng nào không chú ý đến sự hiện diện trên phương tiện truyền thông xã hội, và ảnh hưởng của nó đối với hành vi của người gửi tiền, đều đang tự làm hại chính họ, các bên liên quan và quan trọng nhất là những người gửi tiền của họ”.

Những bên cho vay nhỏ hơn đang tập trung nỗ lực vào việc xác định người gửi tiền và tận dụng các thành viên cộng đồng có ảnh hưởng để chống lại các thông tin sai lệch có thể xuất hiện. Bà Lindsey Johnson, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Nhà quản lý Ngân hàng Người tiêu dùng, cho biết: “Nhiều ngân hàng đang chủ động tiếp cận khách hàng để truyền tải thông điệp phù hợp”. Cách tiếp cận này bao gồm việc phổ biến thông tin thực tế và các nguồn tài nguyên tới cơ sở người gửi tiền thông qua email, Twitter và LinkedIn.

Phê bình gay gắt vấn đề của ngân hàng

Trong một bài phân tích gần đây, các giáo sư Anat Admati, Martin Hellwig và Richard Portes đưa ra lời phê bình gay gắt về các vấn đề mang tính hệ thống của ngành ngân hàng Mỹ, thứ đã gây được chú ý bởi cuộc khủng hoảng ngân hàng năm 2023. Đặc biệt, phân tích của họ xoay quanh sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Ngân hàng First Republic, nêu bật các vấn đề mang tính hệ thống ảnh hưởng đến các ngân hàng Mỹ.

Phân tích cho thấy rằng, cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ mang tính hệ thống, không phải do sự liên kết của các ngân hàng với nhau, mà do các chiến lược ngân hàng tương tự nhau mà họ đã áp dụng. Sự sụp đổ của SVB vào tháng 03/2023, sau một đợt rút tiền hàng loạt, là một trường hợp điển hình.

Năm 2019, báo cáo tài chính của SVB cho thấy ngân hàng này có 62 tỷ USD tiền gửi, 33 tỷ USD cho vay và 29 tỷ USD chứng khoán. Sang tháng 03/2022, cơ sở tiền gửi của ngân hàng đã tăng gấp ba lần, với các khoản cho vay và chứng khoán cũng có sự tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, quyết định tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vào năm 2022 đã kích hoạt một phản ứng dây chuyền. Các nhà đầu tư dần dần chuyển từ gửi tiền sang đầu tư trên thị trường tiền tệ với lãi suất cao hơn. Đến tháng 03/2023, ngân hàng đã phát sinh lỗ trên tài sản chứng khoán và đã không thể huy động thêm vốn. Đây là điều đã kích hoạt việc rút tiền hàng loạt và dẫn tới sự sụp đổ.

“Ngày nay, các nhà hoạch định chính sách, vận động hành lang và các nhà bình luận dường như đã bỏ qua một bài học rõ ràng: bỏ qua việc mất khả năng thanh toán trong khi vẫn duy trì bảo hiểm tiền gửi có thể dẫn đến những kết quả thảm khốc”, theo một bài báo mà giáo sư Admati gửi cho The Epoch Times.

“Cục Dự trữ Liên bang hiện đang cung cấp hỗ trợ thanh khoản mà không khôi phục khả năng thanh toán, kéo dài nỗi đau và khuyến khích một số ngân hàng bắt đầu đánh bạc để hồi sinh như các S&L [các tổ chức tiết kiệm và cho vay] đã làm trong những năm 1980”.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Sau vụ SVB sụp đổ, giới quản lý ngân hàng Mỹ tìm cách đối phó rủi ro từ mạng xã hội