10 thói quen gây biến dạng xương mà nhiều người mắc phải

Giúp NTDVN sửa lỗi

Có những thói quen tưởng như vô hại nhưng lại là tác nhân trực tiếp gây biến dạng xương về lâu dài. Liệu bạn có đang hành động tương tự mà không tự biết hay không?

Xương giống như những thanh thép nâng đỡ nền móng của con người, nếu xương có vấn đề thì "công trình cơ thể" coi như vỡ vụn. Có 10 động tác gây hại cho xương mà các chuyên gia chỉnh hình khuyên bạn nên hạn chế, chúng bao gồm:

1. Nằm sấp ngủ trưa gây biến dạng cột sống cổ

Sinh viên và nhân viên văn phòng thường quen nằm sấp trong giờ nghỉ trưa để nghỉ ngơi, nhưng họ không biết rằng làm như vậy sẽ gây hại cho cổ.

Hành động này không có lợi cho việc duy trì độ cong sinh lý bình thường của cột sống cổ, trái lại, nó có thể dẫn đến các vấn đề biến dạng khác nhau.

Những người bị đau lưng hoặc đau cổ, tốt nhất là tránh nằm sấp khi ngủ, bởi nó sẽ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

Khi chợp mắt, nếu có điều kiện thì tốt nhất bạn nên nằm; nếu không có điều kiện thì bạn cũng có thể ngồi trên ghế, kê đệm sau gáy và thắt lưng, hơi nghiêng người về phía sau, nghỉ ngơi đơn giản trong một khoảng thời gian ngắn là đủ.

2. Cúi đầu dùng di động trong thời gian dài cũng gây hại cho cột sống cổ

Khi sử dụng điện thoại với tư thế cúi đầu xuống, cột sống cổ sẽ chịu sức nặng của toàn bộ đầu. Lúc này, vai và cổ cũng bị gò bó, gánh nặng lên cột sống cổ càng lớn hơn.

Thói quen xấu này có thể dẫn đến đau cơ vai và cổ, đau lưng, thoái hóa đốt sống cổ và các triệu chứng khác.

Cách phòng tránh: Tốt nhất bạn không nên nhìn xuống điện thoại quá 15 phút. Thay vào đó, bạn có thể đặt điện thoại ngang tầm mắt hoặc thấp vừa phải, sao cho khi nhìn vào màn hình, đầu phải tương đối thẳng, cổ không phải gập xuống quá nhiều.

Những người làm việc cúi đầu trong thời gian dài, tốt nhất nên đứng dậy và đi lại sau khi làm việc một giờ.

Ngoài ra, họ cũng nên dành thời gian để giữ phía sau đầu bằng cả hai tay, ngửa đầu ra sau 4 đến 5 lần. Bài tập này sẽ thư giãn hiệu quả hơn với sự mở rộng của ngực và nhún vai.

3. Đầu và vai kẹp điện thoại để gọi cũng làm cong vẹo cột sống cổ

Nhiều người khi bận rộn với công việc thường có thói quen kẹp điện thoại giữa đầu và vai để gọi, khiến cột sống cổ phải chịu một lực tác động quá mức về một phía.

Khi tình trạng này lặp đi lặp lại, nó sẽ dẫn đến co cứng cơ và đau mỏi cổ gáy, dẫn đến nguy cơ thoái hóa đốt sống cổ.

Thông thường, tốt nhất là bạn nên giữ điện thoại bằng tay khi trả lời điện thoại, và luân phiên hai tay sau mỗi vài phút để tránh căng cơ quá mức ở một bên. Hoặc thỉnh thoảng sử dụng tai nghe, bạn có thể tránh được mối nguy hiểm tiềm ẩn này.

4. Đeo balo lệch vai làm biến dạng cột sống

Balo đeo lệch vai dù rất thời trang và tiện dụng, nhưng với những ai có thói quen sử dụng loại balo này thường rất dễ bị đau nhức vai, thậm chí lệch vai.

Đeo balo một vai cũng có thể khiến bạn bị cong vẹo cột sống, nhất là học sinh đang trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển xương thì càng dễ bị ảnh hưởng.

Vì vậy, học sinh tốt nhất nên đeo balo cân đối ở hai vai, còn người lớn thì nên xách túi luân phiên bằng hai tay.

5. Ngồi lâu trên ghế sofa có thể làm hại cột sống thắt lưng

Những người có thói quen ngồi lâu trên ghế sofa hay trên giường để xem TV, dùng điện thoại, lướt web đều rất có hại cho cột sống.

Khi cơ thể con người ở tư thế bán nghiêng, cột sống thắt lưng thiếu sự hỗ trợ đầy đủ, độ cong ban đầu buộc phải thay đổi và trọng lực lên đĩa đệm tăng lên, có thể dẫn đến căng cơ và cong vẹo cột sống theo thời gian.

Do đó, bạn nên kê một chiếc gối sau thắt lưng để hỗ trợ cột sống thắt lưng khi ngồi ở tư thế bán nghiêng, nhằm không tạo áp lực đặc biệt lên cột sống thắt lưng.

6. Nâng vật nặng khi đầu gối dựng thẳng có thể gây đau lưng

Không ít người từng bị đau vùng thắt lưng sau khi nâng vật nặng trong một thời gian tương đối dài.

Nguyên nhân là do vận động, mang vác vật nặng sai tư thế gây áp lực lớn lên cơ và dây chằng. Những người sau 50 tuổi, nhất là những người mắc bệnh cột sống thắt lưng càng phải tránh.

Khi nâng vật nặng, bạn cần lưu ý 3 bước:

  • Đầu tiên, di chuyển cơ thể đến gần vật nặng;
  • Bước hai, hơi khuỵu đầu gối và hông xuống, đồng thời giữ chặt vật bằng hai tay;
  • Bước ba, mở rộng đầu gối và hông, đồng thời sử dụng cơ chân của bạn để hỗ trợ sức mạnh cho cơ thể. Trong quá trình tay nâng vật nặng, đầu gối từ từ dựng thẳng lên và tránh làm đột ngột.

7. Ngồi bắt chéo chân làm nghiêng khung xương chậu

Các bác sĩ chỉ ra rằng khi một người bắt chéo chân, khung xương chậu của họ sẽ bị nghiêng, cột sống thắt lưng không được căng đều.

Khi cơ thể nghiêng về phía trước, cột sống sẽ cong, dễ hình thành gai cột sống, lâu ngày bị căng và biến dạng, thậm chí có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm.

Đối với những người đã bị thoát vị đĩa đệm và cong vẹo cột sống thì tình trạng bệnh sẽ càng trầm trọng hơn.

Thông thường khi nhìn nghiêng, cột sống của con người có hình chữ S. Bắt chéo chân dễ khiến lưng bị khom và gù. Tình trạng kéo dài cột sống sẽ biến thành hình chữ C, chèn ép các dây thần kinh cột sống và gây đau đớn.

8. Đứng dồn trọng lượng vào một bên quá lâu gây tổn thương cho cột sống và xương chậu

Khi bạn đứng một chỗ và dồn trọng lượng cơ thể vào một bên chân, cho dù chỉ là thời gian ngắn, nhưng nó vẫn không tốt cho cơ thể về lâu dài.

Nguyên nhân là do lực tác động lên hai bên cột sống thắt lưng không đồng đều, sẽ khiến xương chậu bị biến dạng, cột sống bị cong, lưng dưới xuất hiện các triệu chứng đau nhức.

9. Leo cầu thang khiến đầu gối bị rạn

Sau 50 tuổi, cơ bắp của con người giảm từ 3% đến 5%, và khả năng cân bằng tương ứng cũng kém đi.

Tiến sĩ John White, chuyên gia y tế người Mỹ đã chỉ ra rằng trong số những người già bị ngã, hơn 51% là liên quan đến việc đi đứng trên cầu thang, và những người càng lớn tuổi thì nguy cơ này lại càng cao.

Người cao tuổi bị thoái hóa khớp, khi lên xuống cầu thang, leo núi, khớp gối sẽ phải chịu trọng lượng gấp 3 - 5 lần người bình thường. Do đó, nó càng đẩy nhanh quá trình lão hóa khớp.

Vì vậy, nếu người cao tuổi muốn lên xuống cầu thang, hãy nhớ giữ tay vịn vững chắc.

10. Ngồi xổm giặt giũ, rửa bát hay nhặt rau khiến đầu gối bị chai

Phần lớn chúng ta đều quen với việc ngồi xổm để giặt giũ, rửa bát hay nhặt rau. Trên thực tế, những hành động này đều có thể khiến đầu gối bị tổn thương.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tải trọng đầu gối bằng 0 khi cơ thể con người nằm thẳng, tải trọng gấp 1 - 2 lần trọng lượng cơ thể khi đứng lên và đi lại một cách bình thường, 4 lần khi chạy và tăng lên đến 8 lần khi ngồi xổm hoặc quỳ.

Trên lâm sàng, phụ nữ mắc bệnh khớp gối nhiều hơn nam giới cũng liên quan đến nguyên nhân này.

Người cao tuổi và người béo phì (chỉ số BMI ≥ 25) không nên tập squat, hoặc giảm thời gian squats, tốt nhất là không quá 20 phút.

Đồng thời, nếu người cao tuổi muốn ngồi xổm hoặc đứng dậy thì tốt nhất nên bám chặt vào bàn, ghế để giảm áp lực lên khớp gối và giảm tổn thương.

Bảo Vy
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

10 thói quen gây biến dạng xương mà nhiều người mắc phải