3 bộ phận quan trọng mà những người bước sang tuổi 50 cần chú ý giữ gìn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không có con đường tắt để duy trì và bảo vệ các cơ quan trong cơ thể; dù là người trung niên, cao tuổi hay người trẻ tuổi thì nền tảng của một sức khỏe tốt là phải có thói quen sinh hoạt và ăn uống điều độ.

Tuổi thọ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm môi trường sống, thói quen sinh hoạt kém, chế độ ăn uống, di truyền và thậm chí cả tính cách.

Sau khi bước vào tuổi 50, dù là nam hay nữ, chức năng của các cơ quan khác nhau trong cơ thể bắt đầu suy giảm dần. Đây cũng là lứa tuổi dễ mắc các bệnh mãn tính khác nhau.

Vì vậy, theo quan điểm lâm sàng, sau khi bước vào giai đoạn trung niên và cao tuổi, mỗi người cần phải chú trọng dưỡng sinh toàn diện để bảo vệ ba bộ phận quan trọng của cơ thể, mà thực chất là để tự cứu sống chính mình.

Sau 50 tuổi, ba bộ phận quan trọng cần bảo vệ

1. Nuôi dưỡng gan

Chức năng chính của gan là trao đổi chất, giải độc và chuyển hóa sinh học. Hầu hết tất cả các chất độc do cơ thể con người tạo ra đều cần được chuyển hóa ở gan.

Chức năng biến đổi sinh học của nó cũng liên quan đến tiêu hóa và hấp thụ thức ăn, cân bằng nội tiết, đông máu và các khía cạnh khác. Một khi gan bị bệnh, các tác động toàn thân cũng sẽ xảy ra.

Vì vậy, sau khi bước qua tuổi trung niên và tuổi già, bạn nên học cách chăm sóc cho gan; chẳng hạn như duy trì thói quen và quy tắc ăn uống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, bỏ rượu bia, không ăn thực phẩm bị mốc, ôi thiu…

Bạn cũng có thể ăn một số thực phẩm giàu vitamin C để hỗ trợ gan giải độc và trao đổi chất; chẳng hạn như cam quýt, cà chua, chà là tươi… Chúng có tác dụng dưỡng âm, không chỉ bảo vệ gan mà còn thúc đẩy quá trình sửa chữa và tái tạo tế bào gan.

Tuy nhiên, bạn vẫn nên ăn vừa phải, bởi cái gì nhiều quá cũng không tốt, nếu không sẽ làm tổn thương dạ dày.

2. Bảo vệ tim mạch và mạch máu não

Cùng với sự gia tăng tuổi tác, mạch máu của con người sẽ dần bị lão hóa và cứng lại. Nhiều người ở giai đoạn trung niên và cao tuổi mắc các bệnh liên quan đến tim mạch và mạch máu não như tăng huyết áp, tăng mỡ máu, đái tháo đường…

Những căn bệnh này đều góp phần làm phát triển chứng xơ vữa động mạch, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với bệnh tim mạch và nhồi máu não.

Vì vậy, ở lứa tuổi này, bạn cần đặc biệt chú ý đến sức khỏe của hệ thống tim mạch. Giữ chế độ ăn nhẹ, chủ động kiểm soát cân nặng, tích cực phối hợp với bác sĩ để điều trị khi bệnh xuất hiện, ngủ đủ giấc, giữ thái độ lạc quan và vui vẻ…

Tất cả những điều này đều góp phần tăng cường sức khỏe tim mạch và mạch máu não của bạn.

3. Bảo vệ dạ dày

Các bệnh mãn tính về đường tiêu hóa hay ung thư thường không có sự phân biệt giữa các độ tuổi, nhưng đa phần chúng đều tập trung ở lứa tuổi trung niên và cao tuổi; đặc biệt, những người trên 45 tuổi có nguy cơ mắc ung thư dạ dày rất cao.

Vì vậy, sau khi bước vào giai đoạn này, bạn nên chú ý đến sức khỏe đường tiêu hóa, có thể thường xuyên làm nội soi đường ruột, dạ dày theo khuyến cáo của bác sĩ.

Ngoài ra, việc điều chỉnh chế độ ăn uống cũng rất cần thiết, điều cốt yếu là duy trì chế độ ăn nhạt, ăn uống điều độ, bổ sung chất béo và chất xơ hợp lý.

Trên thực tế, không có con đường tắt để duy trì và bảo vệ các cơ quan trong cơ thể; dù là người trung niên, cao tuổi hay người trẻ tuổi thì nền tảng của một sức khỏe tốt là phải có thói quen sinh hoạt và ăn uống điều độ.

Ngược lại, một người duy trì những thói quen không lành mạnh trong thời gian dài, cho dù họ bắt đầu cải thiện sau khi bước vào tuổi trung niên và tuổi già thì cũng đã quá muộn, và nó sẽ trở thành nguyên nhân dẫn đến các bệnh mãn tính.

Vì vậy, việc tránh xa những thói quen không tốt cho sức khỏe dù ở độ tuổi nào hiện nay là điều vô cùng cần thiết.

Bảo Vy
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

3 bộ phận quan trọng mà những người bước sang tuổi 50 cần chú ý giữ gìn