3 giai đoạn của bệnh thận mãn tính - Chế độ ăn uống để thận có sức khỏe tối ưu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thận là cơ quan giải độc quan trọng của cơ thể con người. Chức năng chính của chúng là lọc chất thải trong máu đồng thời giữ lại các chất hữu ích để tái hấp thu và sử dụng trong tương lai. Dinh dưỡng hợp lý là chìa khóa để chăm sóc các cơ quan thiết yếu này. Các dấu hiệu cho thấy thận có thể không hoạt động tốt là gì?

Mạnh mẽ và chăm chỉ, thận lọc 200 lít nước mỗi ngày

Thận là cơ quan hoạt động hiệu quả cao. Máu được bơm từ tim đi qua hàng triệu ống thận và tiểu cầu thận [với hệ thống] “lọc máu” cực nhỏ để lọc các chất thải. Trong suốt chu kỳ 24 giờ, thận lọc tổng cộng 200 lít (gần 53 gallon) nước.

Thận lọc các chất thải trao đổi chất khác nhau và các chất có hại, bao gồm ure, axit uric, axit creatinine, khoáng chất dư thừa, phụ gia thực phẩm, thuốc trừ sâu hòa tan trong nước, thuốc, rượu, chất độc hóa học và kim loại nặng.

Ba giai đoạn của bệnh thận mãn tính

Bệnh thận kéo dài hơn ba tháng được gọi là bệnh thận mãn tính, có thể chia thành ba loại theo mức độ nghiêm trọng.

  • Giai đoạn nhẹ: Các triệu chứng là protein niệu (protein trong nước tiểu tăng cao), tiểu máu (tiểu ra máu), nước tiểu có bọt và nước tiểu sẫm màu.
  • Giai đoạn trung bình và nặng: Các triệu chứng là phù chi dưới (sưng), tăng huyết áp và thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp).
  • Giai đoạn cuối: Ở giai đoạn này của bệnh thận mãn tính, khi chức năng thận giảm xuống dưới 15% so với bình thường, bệnh nhân sẽ cảm thấy cực kỳ mệt mỏi và cần phải lọc máu (một quy trình thủ công của chức năng thận).

Không có triệu chứng rõ ràng trong giai đoạn đầu của bệnh thận. Nếu bạn còn trẻ mà bị cao huyết áp, thiếu máu không rõ nguyên nhân, phù chi dưới, mệt mỏi thì đó có thể là dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu.

Nước tiểu có bọt, màu vàng không nhất thiết có nghĩa là bệnh thận

Thỉnh thoảng có bọt trong nước tiểu có thể là bình thường. Nếu có nhiều bọt mỗi khi bạn đi tiểu và không biến mất sau 30 giây, đó có thể là dấu hiệu của protein niệu. Đây là thời điểm để liên hệ với bác sĩ.

Nước tiểu có màu vàng nhạt hoặc sáng có thể do uống vitamin B hoặc dấu hiệu mất nước.

Nếu nước tiểu có màu hơi vàng đậm chuyển sang màu nâu thì nên xem xét liệu có tế bào máu trong nước tiểu hay không, một tình trạng gọi là tiểu máu có thể chỉ ra giai đoạn đầu của bệnh thận. Đây sẽ là thời điểm hợp lý để kiểm tra sức khỏe.

8 yếu tố có thể làm suy giảm chức năng thận

  • Bệnh tiểu đường

Tiểu đường có thể gây tổn thương các mạch máu nhỏ, từ đó làm suy giảm chức năng lọc của cầu thận và dẫn đến suy thận. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, 37,3 triệu người Mỹ đang chung sống với bệnh tiểu đường.

  • Tăng huyết áp

Huyết áp cao gây tổn thương các sợi đàn hồi ở thành mạch máu. Ngược lại, bệnh thận cũng sẽ thúc đẩy quá trình tiết ra một số hormone làm tăng huyết áp, tạo thành một vòng tuần hoàn khép kín.

  • Các vấn đề về thận khác

Viêm thận mãn tính, sỏi thận và bệnh thận đa nang có thể làm suy giảm chức năng thích hợp của thận.

  • Bệnh Gout

Nếu nồng độ axit uric cao, kết tinh ở khớp sẽ gây viêm khớp, kết tinh ở thận sẽ gây tổn thương thận.

  • Dùng thuốc

Nhiều loại thuốc cần phải giải độc qua thận, và lượng thuốc dư thừa có thể gây hại cho thận, đặc biệt là thuốc chống viêm và chống nhiễm trùng.

  • Chế độ ăn thừa phốt phát

Phốt pho dư thừa, thường là do ăn thực phẩm chế biến sẵn, sẽ làm rối loạn quá trình điều hòa phốt phát, canxi và vitamin D của cơ thể, gây rối loạn khoáng chất và vôi hóa mạch máu.

Phốt pho cao, còn được gọi là chứng tăng phốt phát trong máu, có thể là dấu hiệu của tổn thương thận trong nhiều trường hợp. Phạm vi bình thường đối với nồng độ phốt pho trong máu thường là từ 2,5 đến 4,5 mg/dL đối với những người có thận khỏe mạnh. Nếu nồng độ phốt pho trong máu luôn cao hơn phạm vi này, nó có thể cho thấy tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc rối loạn chức năng thận.

  • Kim loại nặng

Crom, thủy ngân, chì là những kim loại nặng có hại cho thận. Những người hút thuốc nên đặc biệt chú ý, vì thuốc lá có chứa các kim loại nặng như crom và chì, đồng thời nicotin cũng có thể làm co mạch máu và khiến huyết áp tăng cao. Nguy cơ mắc bệnh thận mãn tính ở những người hút thuốc và nghiện rượu cao gấp 5 lần so với dân số nói chung.

  • Các sản phẩm có chứa melamine

Melamine, được tìm thấy trong dụng cụ nấu ăn và nhiều loại sản phẩm bằng nhựa và giấy, gây độc cho thận. Nó không thể được chuyển hóa khi đi vào cơ thể và có thể làm tổn thương ống thận, gây sỏi thận và suy thận. Tốt nhất là tránh sử dụng các sản phẩm có chứa melamine.

Chất dinh dưỡng, thực phẩm và tầm quan trọng của nước đối với việc chăm sóc thận

Các chất dinh dưỡng chống oxy hóa và chống viêm như vitamin C, vitamin E, quercetin, anthocyanin, curcumin, catechin và kẽm có thể giúp duy trì sức khỏe của thận. Chúng có thể làm giảm tác hại của các loại oxy phản ứng trong cơ thể đối với tế bào, giảm tác hại đối với cầu thận và ống thận, đồng thời giảm nồng độ axit uric.

Một nghiên cứu cho thấy, những người sử dụng lượng proanthocyanidin (polyphenol, hợp chất tự nhiên có trong trái cây và rau quả) cao nhất có nồng độ cystatin C (P<0,001) thấp hơn 9% so với những người có mức tiêu thụ thấp.

Cystatin C là một loại protein được các tế bào trong cơ thể sản xuất. Thận khỏe mạnh giữ mức cystatin C trong máu ở mức bình thường. Khi mức độ cystatin C trong máu tăng cao, nó có thể cho thấy thận không hoạt động bình thường.

Hơn nữa, những người có lượng proanthocyanidin cao được phát hiện có nguy cơ mắc bệnh suy thận mãn tính vừa phải thấp hơn 50% và nguy cơ mắc bệnh thận trong 5 năm thấp hơn 65% (P<0,05) so với những người có lượng thấp, cho thấy rằng tăng tiêu thụ proanthocyanidin có liên quan đến chức năng thận tốt hơn và giảm đáng kể các biến cố liên quan đến thận.

Uống đủ nước hàng ngày là rất quan trọng để giải độc thận và ngăn ngừa sỏi thận. Bạn nên đun sôi nước để đảm bảo an toàn khi uống. Đun sôi là phương pháp chắc chắn nhất để tiêu diệt vi trùng gây bệnh, bao gồm virus, vi khuẩn và ký sinh trùng. Bảy hoặc tám cốc một ngày được coi là đủ và có thể tăng lên một cách thích hợp trong mùa hè.

Một chế độ ăn uống cân bằng bao gồm rau, trái cây, ngũ cốc, đậu và một lượng vừa phải trứng, cá và thịt cũng có thể giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể.

Protein chất lượng cao như cá, trứng và thịt gia cầm được khuyến nghị cho những người bị tổn thương thận. Chế độ ăn dựa trên protein thực vật cần được quan tâm nhiều hơn vì dạng thực phẩm như các loại hạt, thường được ưu tiên trong chế độ ăn chay và thuần chay, có thể làm tăng gánh nặng cho thận.

Đối với những người có chức năng thận kém, kẽm có thể hữu ích. Trong một bài báo nghiên cứu bình duyệt được xuất bản vào năm 2021 ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính, người ta phát hiện ra rằng những người tiêu thụ ít kẽm có nhiều khả năng mắc bệnh thận giai đoạn cuối hơn so với những người tiêu thụ nhiều kẽm.

Kẽm là một chất chống oxy hóa và chống viêm giúp điều chỉnh hoạt động của enzym và bảo vệ thận khỏi bị hư hại do các kim loại như chì, đồng và thủy ngân gây ra. Tiêu thụ vừa phải hàu, thịt, cá và trứng là những nguồn cung cấp kẽm dồi dào.

Theo Tiến Sĩ Jingduan Yang từ The Epoch Times
Chấn Hưng biên dịch

TS.BS Jingduan Yang là một bác sĩ tâm thần chuyên về y học tổng hợp và y học cổ truyền Trung Hoa cho các bệnh mãn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Integrative Psychiatry", "Medicine Matters" và "Integrative Therapies for Cancer". Đồng tác giả "Facing East: Ancient Secrets for Beauty+Health for Modern Age" của HarperCollins và "Clinical Acupuncture and Ancient Chinese Medicine" của Oxford Press. Bác sĩ Yang cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Yang và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Trung tâm Y tế Phương Bắc (Middletown, New York) kể từ tháng 7 năm 2022.



BÀI CHỌN LỌC

3 giai đoạn của bệnh thận mãn tính - Chế độ ăn uống để thận có sức khỏe tối ưu