9 hiểm họa từ thói quen sử dụng điện thoại di động quá lâu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sử dụng điện thoại trong thời gian dài không chỉ dễ gây ra các bệnh về tim mạch, nhồi máu não mà còn dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác như rối loạn nội tiết, tiểu đường.

Điện thoại di động đã trở thành một phương thức quan trọng để mọi người kết nối và liên lạc, thâm nhập vào mọi ngõ ngách của cuộc sống.

Qua mỗi năm, để thu hút người dùng và tìm kiếm lợi nhuận, các nhà sản xuất đã liên tục tối ưu hóa và nâng cấp thiết bị này với nhiều tính năng khác nhau, giúp chúng khỏe hơn, nhanh hơn, có thể "gánh" được nhiều trò chơi cấu hình nặng…

Điều này góp phần khiến phần đông giới trẻ bị cuốn vào và chạy theo xu hướng công nghệ, đồng thời cũng dành nhiều thời gian hơn để sử dụng điện thoại trong thời gian rảnh rỗi.

Tuy nhiên, nhiều người không biết rằng, việc sử dụng điện thoại trong thời gian dài không chỉ dễ gây ra các bệnh về tim mạch, nhồi máu não mà còn dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác như rối loạn nội tiết.

Vậy thói quen sử dụng điện thoại trong thời gian dài có những nguy hiểm gì?

Sự nguy hiểm của việc dùng điện thoại di động quá lâu

1. Nhồi máu não và các bệnh tim mạch

Thời gian dài bảo trì tư thế quay đầu sang một bên để nhìn điện thoại di động có thể dẫn đến tình trạng chèn ép mạch máu ở các bộ phận tương ứng, máu lưu thông kém, đông máu và dễ hình thành cục máu đông.

Trong những trường hợp nghiêm trọng, các tình huống đe dọa tính mạng như tắc nghẽn mạch máu não có thể xảy ra. Hiện nay bệnh nhồi máu não đang có xu hướng khởi phát ở lứa tuổi trẻ hơn, do đó chúng ta phải hết sức lưu ý.

2. Phá hủy hệ thần kinh

Bức xạ điện thoại di động có thể làm hỏng chức năng bình thường của hệ thần kinh, gây mất trí nhớ, đau đầu, ngủ không ngon và hàng loạt vấn đề khác.

3. Rối loạn nội tiết, tiểu đường

Thói quen sử dụng điện thoại kéo dài có thể gây rối loạn nội tiết. Trong trường hợp nghiêm trọng, các bệnh chuyển hóa như tiểu đường cũng có thể xuất hiện.

4. Thoái hóa đốt sống cổ

Dùng điện thoại lâu sẽ gây áp lực lên cổ, có thể dẫn đến các bệnh thoái hóa đốt sống cổ khác nhau, thậm chí có thể gây đột quỵ.

5. Viêm gân ngón tay cái

Khi soạn tin nhắn văn bản và chơi game trên điện thoại, chúng ta thường phải sử dụng ngón tay cái để nhấn các nút.

Ngón tay cái không quá linh hoạt, mặc dù nó rất tốt trong việc hỗ trợ để cầm nắm các đồ vật, nhưng sẽ không phải là cách tốt nếu bạn thực hiện lặp đi lặp lại cùng một chuyển động.

Ngoài ra, khi thân điện thoại ngày càng nhỏ hơn, các phím được sắp xếp dày đặc, người ta cần sử dụng nhiều cử động nhỏ hơn để soạn tin nhắn, dễ gây mỏi ngón tay cái.

Nhắn tin nhiều lần trong thời gian dài có thể gây đau ngón tay cái và sưng gân, dẫn đến chấn thương do căng và viêm gân lặp đi lặp lại, có thể chuyển từ cấp tính sang mãn tính nếu không cẩn thận.

6. Cận thị và khô mắt

Sử dụng điện thoại trong thời gian dài cũng có thể dẫn đến kích ứng da, cận thị, khô mắt và viêm bao gân cổ tay.

7. Ảnh hưởng đến trí nhớ

Thói quen dùng điện thoại quá lâu còn ảnh hưởng đến trí nhớ của con người, nó cũng tác động đến khả năng tập trung và chú ý, từ đó dễ xảy ra tai nạn. Thực tế đã có không ít ví dụ điển hình.

8. Ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của trẻ em

Trẻ em trong giai đoạn tăng trưởng và phát triển, hàm lượng nước trong các mô cơ thể phong phú hơn so với người lớn, sóng điện thoại có thể gây hại cho các cơ quan có nhiều nước, và mắt là bộ phận dễ bị tổn thương nhất.

Ngoài ra, việc nhắn tin trong thời gian dài còn dẫn đến dị dạng phát triển ngón tay của trẻ; trong khi cúi đầu chơi game… sẽ gây hại lớn đến cột sống cổ.

Mặt khác, thói quen nói chuyện qua điện thoại hoặc tin nhắn cũng làm mất đi cơ hội trẻ được giao tiếp với người khác một cách trực diện, lâu dần khiến chúng trở nên rụt rè, cô đơn và hoang tưởng.

9. Ảnh hưởng đến giao tiếp tình cảm với người khác

Quan trọng hơn, thói quen dùng điện thoại có thể tạo ra trở ngại trong giao tiếp với người khác.

Tình cảm của con người được xây dựng tại các bữa tụ họp, tiệc nhỏ. Bạn có nhớ rằng, trước đây vào thời điện thoại di động chưa phổ biến, mỗi khi ngồi vào bàn ăn, chúng ta thường có rất nhiều chuyện để nói.

Nhưng sự xuất hiện của điện thoại di động đang khiến chúng ta ít giao tiếp hơn, mối quan hệ cũng trở nên thiếu gắn kết khi mỗi người đều lướt Facebook trên chính điện thoại của mình mà không còn quan tâm đến cảm giác của người khác.

Điều này đã xảy ra trong một thời gian dài, các mối quan hệ với gia đình, bạn bè và người yêu cũng sẽ nhạt dần.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng điện thoại di động

1. Không nên duy trì một tư thế quá lâu

Bác sĩ cho rằng tốt nhất bạn nên dùng điện thoại đúng tư thế, không nên giữ nguyên tư thế quá lâu và nên nghỉ ngơi hợp lý.

Nếu bạn đột nhiên ngất xỉu, thì hãy cảnh giác với tình trạng tắc nghẽn mạch máu não. Lúc này, bệnh nhân nên đến bệnh viện cấp cứu trong vòng 4 - 5 giờ.

Tại sao phải trong khoảng thời gian này? Vì đó là cơ hội vàng để bệnh nhân có tỷ lệ sống sót và cứu chữa cao nhất.

2. Nghỉ giải lao trong nửa giờ

Các chuyên gia khuyên bạn nên tạm dừng nghỉ ngơi trong quá trình sử dụng điện thoại. Mỗi lần, bạn không nên dành hơn nửa giờ để nhắn tin hoặc chơi game.

Nếu phải nhắn tin thường xuyên, tốt nhất bạn nên nhờ các ngón tay khác trợ giúp để giảm áp lực cho ngón tay cái.

3. Chườm nóng bằng khăn để kích hoạt lưu thông máu

Để giải quyết vấn đề đau nhức cánh tay do soạn tin nhắn văn bản và chơi game trên thiết bị di động, giảm số lượng cũng như thời lượng nhắn tin và chơi game là cách trực tiếp nhất.

Vì các ngón tay không cần phải thực hiện các động tác gập và duỗi liên tục nên bạn có thể đỡ mỏi và giảm các triệu chứng bằng cách nghỉ ngơi.

Đồng thời, bạn cũng có thể xoa bóp ngón cái, hoặc dùng khăn nóng để chườm, từ đó kích hoạt tuần hoàn máu.

Hoàng Tuấn
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

9 hiểm họa từ thói quen sử dụng điện thoại di động quá lâu