Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm không? Lây lan qua đường nào?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bệnh đậu mùa khỉ kéo dài bao lâu, triệu chứng gồm những gì, sẽ ra sao nếu trẻ em và phụ nữ mang thai nhiễm virus?

Bệnh đậu mùa khỉ vốn là một căn bệnh hiếm gặp. Tuy nhiên, việc liên tiếp phát hiện các trường hợp mắc đậu mùa khỉ ở Bắc Mỹ và Châu Âu kể từ đầu tháng 5, đã khiến giới chức y tế lo ngại về nguy cơ virus có sự biến đổi.

Đậu mùa khỉ là gì?

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đậu mùa khỉ (tên tiếng anh: Monkeypox) là một bệnh hiếm gặp do nhiễm virus đậu mùa khỉ. Loại virus này thuộc giống Orthopoxvirus trong họ Poxviridae.

Chi Orthopoxvirus cũng bao gồm các loại virus như:

  • Variola (gây bệnh đậu mùa)
  • Vaccin (được sử dụng trong vaccine đậu mùa)
  • Virus đậu mùa bò.
Đậu mùa khỉ là gì, virus đậu mùa khỉ
Ảnh hiển vi điện tử của virus đậu mùa khỉ. (Public Domain)

Virus đậu mùa khỉ được phát hiện từ khi nào?

Bệnh đậu mùa khỉ được xác định lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ. Trường hợp nhiễm virus đầu tiên ở người được tìm thấy vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, là một bé trai 9 tuổi, theo CDC.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, kể từ năm 1970, tổng cộng đã có 11 quốc gia Châu Phi báo cáo về trường hợp bị nhiễm virus đậu mùa khỉ; bao gồm: Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Côte d'Ivoire, Liberia, Nigeria, Cộng hòa Congo, Lion Rock và Cộng hòa Nam Sudan.

Trong số này, Cộng hòa Dân chủ Congo là nơi virus bùng phát mạnh mẽ nhất khi chứng kiến hàng nghìn ca bệnh mỗi năm. Nigeria cũng đã báo cáo 500 trường hợp kể từ năm 2017.

Vào mùa xuân năm 2003, Hoa Kỳ ghi nhận một vài trường hợp mắc đậu mùa khỉ. Đây được xem là những trường hợp lây nhiễm đầu tiên bên ngoài châu Phi.

Bệnh đậu mùa khỉ được xác định lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ, Virus đậu mùa khỉ được phát hiện từ khi nào
Bệnh đậu mùa khỉ được xác định lần đầu tiên vào năm 1958 trên các đàn khỉ. (Pixabay)

Đậu mùa khỉ lây lan qua đường nào?

Theo CDC, người mắc bệnh đậu mùa khỉ có thể bị lây từ động vật hoang dã nhiễm virus ở các vùng phía Tây và Trung Phi. Các loài gặm nhấm như chuột, sóc thường là vật trung gian làm lây lan virus.

Virus sẽ xâm nhập vào cơ thể khi bạn tiếp xúc với máu, dịch, đốm, mụn nước hoặc vảy của động vật bị bệnh. Thông thường, chúng sẽ đi qua các vết xước trên da (kể cả khi bạn không nhìn thấy) hoặc niêm mạc (mắt, mũi, miệng).

Ngoài ra, bạn cũng có thể mắc đậu mùa khỉ nếu vô tình bị động vật cắn, hoặc ăn thịt của động vật bị nhiễm bệnh chưa được nấu chín kỹ, hoặc chạm vào những thứ có mang theo virus (chẳng hạn như da hoặc lông).

Tuy nhiên, con đường lây nhiễm chủ yếu của virus vẫn là qua các giọt bắn hô hấp. Nhưng vì các giọt bắn này thường không thể bay xa quá vài feet, nên chỉ khi bạn tiếp xúc lâu với người có bệnh thì mới có khả năng nhiễm virus, theo People.

Ngoài những con đường trên, bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây qua:

  • Chạm vào quần áo, ga trải giường hoặc khăn tắm của người bị đậu mùa khỉ.
  • Chạm vào vết phồng rộp hoặc vảy trên da của bệnh nhân mang theo virus.
  • Ho hoặc hắt hơi từ một người mắc bệnh.

>> Virus đậu mùa khỉ đang lây lan như một dạng bệnh 'lây qua đường tình dục'

Đậu mùa khỉ lây lan qua đường nào
Ăn thịt của động vật bị nhiễm bệnh chưa được nấu chín kỹ cũng tiềm ẩn nguy cơ nhiễm virus. (Max Pixel)

Triệu chứng điển hình và thời kỳ ủ bệnh của đậu mùa khỉ

Nếu so với bệnh đậu mùa, các triệu chứng mà virus đậu mùa khỉ gây ra là tương đối nhẹ. Tuy nhiên, vì có những biểu hiện tương đối giống nhau, nên chúng rất dễ nhầm lẫn. Vậy làm thế nào để phân biệt?

Đậu mùa khỉ có thể làm các hạch bạch huyết sưng lên, trong khi đậu mùa thông thường thì không. Đây cũng là sự khác biệt rõ rệt nhất giữa hai bệnh này.

Thời gian ủ bệnh của đậu mùa khỉ có thể kéo dài từ 7-14 ngày hoặc hơn (5-21 ngày).

Thông thường, bệnh sẽ bắt đầu với các triệu chứng điển hình như:

  • Sốt
  • Đau đầu
  • Sưng hạch bạch huyết
  • Đau cơ
  • Ớn lạnh
  • Đau lưng
  • Kiệt sức

Phát ban sẽ xuất hiện sau khoảng 1-3 ngày (có thể lâu hơn). Mặt sẽ là nơi mà các nốt sần xuất hiện đầu tiên, sau đó lan ra tứ chi.

Triệu chứng phát ban đôi khi bị nhầm lẫn với bệnh thủy đậu. Quá trình phát triển của phát ban sẽ bắt đầu từ cảm giác rát trên da (tổn thương phẳng), sau đó xuất hiện các nốt sần, biến thành mụn nước / mủ nhỏ. Cuối cùng, chúng tạo thành vảy và sẽ rụng.

Bệnh thường kéo dài trong 2-4 tuần và tự khỏi. Ở Châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ đã được chứng minh là có thể gây tử vong cho 1/10 số người mắc bệnh, theo CDC.

Triệu chứng điển hình và thời kỳ ủ bệnh của đậu mùa khỉ
Triệu chứng phát ban đôi khi bị nhầm lẫn với bệnh thủy đậu. (Getty)

Người mang thai và trẻ em bị đậu mùa khỉ có sao không?

Không chỉ người lớn, trẻ em cũng có nguy cơ mắc bệnh khá cao. Mặt khác, tỷ lệ các trường hợp bệnh nặng lại thường gặp hơn ở trẻ nhỏ.

Người mang thai nếu không may nhiễm virus đậu mùa khỉ có thể dẫn đến các biến chứng, chẳng hạn như trẻ sơ sinh mắc đậu mùa khỉ bẩm sinh hoặc thai chết lưu.

Cách điều trị

Mặc dù bệnh đậu mùa khỉ có thể tự khỏi trong vòng vài tuần, nhưng để điều trị hết trong thời gian ngắn, cộng đồng y tế hiện vẫn chưa có phương pháp đặc hiệu.

Các nhà nghiên cứu phát hiện vaccine đậu mùa có khả năng bảo vệ 85% đối với đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, do bệnh đậu mùa đã bị xóa sổ, nên loại vaccine này hiện đã bị hạn chế.

Mặt khác, do bệnh dễ lây lan nếu tiếp xúc gần, nên người mắc bệnh sẽ cần phải cách ly, theo NHS.

Ngoài vaccine đậu mùa, thuốc kháng virus và huyết thanh miễn dịch (VIG) cũng được cân nhắc sử dụng trong trường hợp cần kiểm soát nguy cơ bùng phát đậu mùa khỉ, theo CDC.

Cách điều trị
Vaccine đậu mùa có khả năng bảo vệ lên tới 85% đối với bệnh đậu mùa khỉ. (Getty)

Kiêng ăn gì để tránh bị nhiễm virus?

Để đảm bảo an toàn, khi chế biến và đun nấu thịt rừng, bạn phải tránh để bị sống hoặc dính máu. Bởi rất có thể chúng mang theo mầm bệnh đậu mùa khỉ.

Hoàng Tuấn



BÀI CHỌN LỌC

Bệnh đậu mùa khỉ nguy hiểm không? Lây lan qua đường nào?