Bệnh nhân sẽ không bị đau nữa nhờ phương pháp điều trị vết thương bằng… Đường ngọt

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mặc dù đường ngọt dễ khiến nhiều người e ngại tránh xa vì nó liên hệ tới bệnh tiểu đường. Nhưng bạn có tin không, một nghiên cứu mới đây cho thấy đường cũng có công dụng giúp điều trị vết thương và tránh nhiễm trùng cực kỳ hiệu quả.

Theo bbc, nghiên cứu được thực bởi một chuyên gia y tế người gốc Phi của Đại học Wolverhampton (Anh). Tiến sĩ Moses Murandu nhận thấy liệu pháp điều trị bằng thuốc thông thường không thể điều trị cho nhiều bệnh nhân có vết thương cấp tính và mãn tính.

Sau nhiều năm quan sát cách ông nội - một y sĩ bộ lạc ở Zimbabwe (châu Phi), đã sử dụng đường để điều trị vết thương, tiến sĩ Moses Murandu khi ấy đang làm việc tại Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) đã đặt câu hỏi vì sao y học hiện đại không nghĩ đến việc sử dụng đường theo cách này. Điều đó thúc đẩy ông tìm tòi nghiên cứu lợi ích của đường trong chữa lành vết thương, đặc biệt trong những trường hợp kháng thuốc kháng sinh.

Murandu và các đồng nghiệp của ông đã nghiên cứu các đặc tính chữa lành vết thương từ củ cải đường và đường mía. Đây là hai loại đường phổ biến ở Mỹ, có tới 60% tổng lượng đường được sản xuất tại nước này từ nguyên liệu củ cải đường.

Họ đã thử nghiệm việc điều trị cho 22 bệnh nhân có vết thương lở loét hoặc hoại tử. Hai trong số đó bị nhiễm Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA), một loại siêu vi khuẩn phát triển tính kháng với hầu hết các loại kháng sinh thường được sử dụng cho nhiễm trùng tụ cầu khuẩn. Trong khi đó, có 7 bệnh nhân khác bị bệnh tiểu đường phải phụ thuộc insulin.

Sau khi điều trị bằng đường, nhóm nghiên cứu nhận thấy tất cả các vết thương đều sạch hoặc khô sau 11-13 ngày. Trong khi đó, lượng đường trong máu bệnh nhân tiểu đường vẫn ổn định.

Phương pháp chữa thương bằng đường rất đơn giản, chỉ cần đắp đường lên vết thương rồi băng lại. Kết quả rất khả quan. Thứ nhất, những hạt đường có tác dụng hút ẩm trên bề mặt vết thương vốn là điều kiện để vi khuẩn sinh sôi, dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng. Thứ hai, đường thúc đẩy sự phát triển của mô mới, và khi vết thương được vô trùng, tốc độ chữa lành sẽ nhanh hơn, ít đau hơn so với các loại băng vết thương khác.

Tiến sĩ Murandu còn phát hiện các chủng vi khuẩn phát triển ở nồng độ đường thấp nhưng hoàn toàn bị ức chế khi lượng đường tăng thêm. Đặc biệt, có trường hợp một nữ bệnh nhân đã thoát khỏi nguy cơ cắt cụt chân do vết thương lở loét trong 5 năm. Theo đó, việc lặp đi lặp lại các bước làm sạch vết thương và đắp đường theo chỉ dẫn của tiến sĩ Murandu đã giúp bệnh nhân bảo toàn phần chân bị tổn thương nghiêm trọng trước đó.

Điều đáng nói là đường sử dụng trong thử nghiệm nghiên cứu cũng chính là đường ăn mà chúng ta dùng hằng ngày. Trừ đường nâu chưa qua tinh luyện, các loại đường còn lại, làm từ mía hay củ cải đường, đều có hiệu quả chữa lành.

Theo chia sẻ, từ nhỏ tiến sĩ Murandu đã quen dùng muối sát trùng vết thương khi bị trầy xước da do té ngã hoặc đứt tay. Nhưng sau đó ông đã áp dụng cách chữa trị truyền thống của người Zimbabwe, và tình cờ phát hiện sử dụng đường không chỉ giảm đau rát so với muối, mà còn giúp vết thương mau lành hơn.

Việc điều trị vết thương bằng đường có thể đã xuất hiện cách nay 4.000 năm trước ở Ai Cập cổ đại, và vào thời đó người ta đã sử dụng mật ong. Tuy nhiên, việc sử dụng đường không còn được ưa chuộng khi thuốc kháng sinh xuất hiện vào đầu thế kỷ 20.

Gần đây, nhiều chuyên gia y tế thế giới đang chuyển sang sử dụng đường thường xuyên hơn để điều trị vết thương cho bệnh nhân. Tiến sĩ Richard A. Knutson, một bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình ở Mississippi (Mỹ) đã bất lực khi kê đơn thuốc trong quá trình điều trị vết thương lở loét nặng cho một bệnh nhân: Vết thương đầy mủ, vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc. Ông bắt đầu thử nghiệm bằng đường theo lời khuyên của một y sĩ cao tuổi, người từng làm việc trong ngành y trước khi thuốc kháng sinh ra đời.

Lúc đầu, bác sĩ Knutson không tin và còn nghĩ “đường sẽ là môi trường hoàn hảo cho sự phát triển của vi khuẩn”. Tuy nhiên điều ngược lại đã xảy ra.

Kể từ đó bác sĩ Knutson đã tạo ra một loại thuốc sát khuẩn làm từ đường, ông trộn thêm với một chất lỏng iốt kháng khuẩn nhẹ, và đã sử dụng loại “thuốc muối” này để điều trị cho khoảng 6.000 bệnh nhân có đủ loại vết thương, từ bị bỏng cho đến vết thương do đạn bắn.

Quốc Hưng

 



BÀI CHỌN LỌC

Bệnh nhân sẽ không bị đau nữa nhờ phương pháp điều trị vết thương bằng… Đường ngọt