Cảnh giác khi môi thường xuyên bị phồng rộp và nổi mụn nước

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thi thoảng bạn nhận thấy trên môi xuất hiện các đám mụn nước nhỏ kèm theo cảm giác ngứa rát. Thực chất đa số là do nhiễm virus herpes. Loại virus này một khi đã nhiễm thì sẽ vĩnh viễn mang theo suốt đời.

Vậy, virus herpes là gì? Tại sao bạn vĩnh viễn mang theo nó một khi bị nhiễm bệnh? Tình trạng này có dễ tái phát không?

Virus herpes là gì?

Có thể nói virus là loại vi sinh vật đáng sợ hơn nhiều so với vi khuẩn. Thực ra, thế giới của chúng ta có đầy rẫy các loại virus tồn tại, chẳng hạn như virus viêm gan B, virus viêm gan C, virus cúm, virus viêm phổi, virus dại, virus HIV, virus herpes…

Khi cơ thể con người bị nhiễm các loại virus này, một số có thể khỏi bằng cách điều trị, nhưng cũng có loại virus mà một khi đã nhiễm thì vĩnh viễn mang theo suốt đời, và virus herpes là một trong số đó.

Virus Herpes thuộc loại virus DNA, có thể lây truyền qua đường tiếp xúc, quan hệ tình dục; chẳng hạn có thể xâm nhập vào cơ thể từ khoang miệng, đường hô hấp, các tổn thương trên da, niêm mạc đường sinh dục.

Khi cơ thể bị nhiễm virus herpes, nó sẽ xâm nhập vào da, mô niêm mạc và mô thần kinh, tạo thành mụn rộp trên da hoặc niêm mạc của con người, thậm chí có thể gây ra các bệnh toàn thân, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe.

Hiện tại, có hơn 100 loại virus herpes đã được phát hiện, nhưng có 8 loại virus herpes thường gây nhiễm trùng cho cơ thể và gây bệnh, đó là:

  • Virus herpesvirus ở người loại 1: virus herpes simplex loại 1;
  • Virus herpesvirus ở người loại 2: virus herpes simplex loại 2;
  • Virus herpesvirus ở người loại 3: virus varicella-zoster;
  • Virus herpesvirus ở người loại 4: virus Epstein-Barr;
  • Herpesvirus ở người loại 5: cytomegalovirus;
  • Herpesvirus ở người loại 6;
  • Herpesvirus ở người loại 7;
  • Virus herpesvirus ở người loại 8.

Đối với virus herpes, việc lây nhiễm sang người thực sự rất phổ biến. Số liệu cho thấy, tỷ lệ lây nhiễm của virus herpes có thể lên tới 80-90%, tức là hầu hết những người xung quanh chúng ta đều đã từng bị nhiễm virus herpes.

Tại sao một khi bị nhiễm virus herpes, thì bạn sẽ mang nó suốt đời?

Thông thường, khi cơ thể bị nhiễm virus, hệ thống miễn dịch sẽ tự động tiêu diệt nó. Trong quá trình này, một số kháng thể trung hòa sẽ được sản xuất để tiếp tục loại bỏ virus.

Nhưng đối với virus herpes, các kháng thể trung hòa không thể tiêu diệt hoàn toàn chúng. Vậy nên, những kháng thể trung hòa này chỉ có thể tồn tại trong nhiều năm, không thể giúp cơ thể có được miễn dịch vĩnh viễn.

Đặc biệt, virus herpes còn có một đặc điểm khác, đó là sau khi xâm nhập vào cơ thể, nó có thể ẩn nấp trong màng nhầy, máu và các hạch cảm giác cục bộ, nên các kháng thể trung hòa không thể "tìm thấy" và tác động đến chúng.

Cũng vì lý do trên, khi khả năng miễn dịch của cơ thể suy giảm, thì những virus herpes tiềm ẩn sẽ nhân lên với số lượng lớn, tấn công từng đợt và tái phát trở lại.

Do đó, chỉ cần nhiễm virus herpes thì nó sẽ tiềm ẩn trong cơ thể, khiến bạn luôn mang theo virus.

Nếu khả năng miễn dịch của cơ thể mạnh thì chúng sẽ trốn ở đó, nhưng chỉ cần sức khỏe có dấu hiệu suy giảm thì chúng sẽ lại tấn công. Vòng lặp cứ tiếp diễn như vậy, virus sẽ chờ cơ hội cho đến khi sức đề kháng giảm sút để tái diễn.

Khi virus herpes tái phát, cần chú ý ba bệnh ngoài da phổ biến nhất

1. Các vết loét miệng

Nguyên nhân là do nhiễm virus herpes simplex loại 1. Một số mụn nước có thể xuất hiện trên da và niêm mạc như khóe miệng hoặc môi của bệnh nhân. Có thể xuất hiện nhiều mụn nước thành chùm kèm theo cảm giác đau rát tương đối nặng.

Các mụn nước này có thể bị vỡ. Bề mặt của chúng sẽ bị loét rồi xuất hiện vảy sau vài ngày, và thường lành trong vòng một đến hai tuần.

Sau khi hồi phục, nếu cơ thể lại có khả năng miễn dịch thấp như bị cảm, làm việc quá sức, căng thẳng quá mức thì mụn rộp có thể tái phát trở lại.

● Làm thế nào để xử lý mụn rộp miệng?

Đối với mụn rộp, nó sẽ tự giới hạn và ngay cả khi bạn không điều trị, nó thường tự lành. Nói chung, nếu xuất hiện tình trạng này, bạn có thể sử dụng thuốc kháng virus acyclovir để điều trị, có tác dụng đẩy nhanh quá trình hồi phục của mụn rộp.

Ngoài ra, không được dùng tay hoặc kim chọc vỡ những mụn nước này. Vì chúng chứa rất nhiều virus herpes, dễ làm tình trạng nhiễm trùng nặng thêm.

Cuối cùng, bạn cũng nên đảm bảo ngủ đủ giấc, nghỉ ngơi, tăng cường luyện tập thể dục thể thao có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch. Khi khả năng miễn dịch được nâng cao thì cơ thể sẽ tự nhiên chống lại virus herpes hiệu quả.

2. Mụn rộp trên bộ phận sinh dục

Nguyên nhân chủ yếu là do nhiễm virus herpes simplex loại 2.

Các đám hoặc mụn nước nhỏ rải rác có thể xuất hiện trên da và niêm mạc niệu sinh dục và quanh hậu môn của bệnh nhân; chẳng hạn như bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc vùng da xung quanh.

Khi các mụn nước vỡ ra, các vết loét có thể xuất hiện kèm theo cảm giác đau rõ rệt. Thông thường, bệnh có thể khỏi trong vòng bảy đến mười ngày.

Nếu phụ nữ bị mụn rộp sinh dục thì nó có thể gây viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, tăng tiết dịch âm đạo, thậm chí gây viêm loét, hoại tử cổ tử cung. Mặt khác, nó cũng có thể gây nhiễm trùng cho thai nhi.

Trong khi đó, nếu đàn ông mắc mụn rộp sinh dục thì nó có thể gây viêm niệu đạo, viêm tuyến tiền liệt…

● Nên xử lý mụn rộp trên bộ phận sinh dục như thế nào?

Mụn rộp sinh dục thường lây qua đường tình dục và từ mẹ sang con. Vì vậy, trong sinh hoạt, vợ hoặc chồng gặp tình trạng này cần điều trị sớm, đặc biệt không quan hệ tình dục trong thời gian mắc bệnh và điều trị.

Ngoài ra, đối với người bị mụn rộp đường sinh dục, cần giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khô thoáng. Đồng thời, họ cũng cần điều trị bằng thuốc kháng virus và điều trị bằng acyclovir đường uống.

3. Bệnh giời leo (hay zona thần kinh)

Bệnh giời leo còn được gọi là "rắn quấn thắt lưng", do virus varicella-zoster gây ra.

Các mụn nước và sẩn có thể xuất hiện trên da ở ngực, lưng và thắt lưng của bệnh nhân. Nó thường phân bố thành một dải không đều dọc theo thần kinh ngoại vi. Ngoài ra, bệnh thường kèm theo cơn đau rất rõ ràng và dữ dội.

Nói chung, hầu hết bệnh nhân bị herpes zoster hồi phục trong vòng hai đến bốn tuần.

● Nên xử lý bệnh zona như thế nào?

Bệnh giời leo thường do khả năng miễn dịch suy giảm như mệt mỏi quá độ, thức khuya lâu, người cao tuổi, mắc một số bệnh suy giảm miễn dịch như ung thư máu, nhiễm HIV, u ác tính…

Nói chung, sức khỏe và sức đề kháng kém có thể dẫn đến sự bùng phát của bệnh herpes zoster.

Vì vậy, để ngăn ngừa bệnh zona tái phát, điều quan trọng nhất là nâng cao khả năng miễn dịch, không chỉ đảm bảo ngủ đủ giấc mà còn cần luyện tập thể dục, bồi bổ cơ thể, ăn nhiều chất đạm và rau xanh, trái cây, và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng.

Cuối cùng, khi mắc bệnh zona cần được điều trị bằng thuốc kháng virus, có tác dụng làm dịu cơn đau dây thần kinh và rút ngắn diễn biến của bệnh.

Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng kem bôi calamine, kem acyclovir… để bôi, nếu cần thiết bạn cũng có thể sử dụng thuốc giảm đau, hoặc chiếu tia hồng ngoại tại chỗ sẽ hỗ trợ tốt cho quá trình phục hồi của bệnh.

Nhìn chung, virus herpes có thể tồn tại trong niêm mạc của cơ thể người, máu, nước bọt, tế bào hạch cảm giác và các mô khác. Virus herpes ẩn nấp trong cơ thể dễ dàng được kích hoạt và nhân lên, từ đó phát sinh bệnh.

Do đó, việc ngăn ngừa sự tái phát của virus herpes vẫn cần dựa vào khả năng miễn dịch của cơ thể.

Lưu ý: Thông tin trên đây chỉ mang tính chất tham khảo, người có bệnh nên lắng nghe tư vấn trực tiếp từ bác sĩ chuyên môn để có liệu pháp điều trị phù hợp với từng trường hợp.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Cảnh giác khi môi thường xuyên bị phồng rộp và nổi mụn nước