Để ánh sáng khi ngủ có thể gây hại cho sức khỏe, nghiên cứu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Để ánh sáng vừa phải trong khi ngủ cũng có hại cho sức khỏe tim mạch, đồng thời tăng đề kháng insulin dẫn đến béo phì và tiểu đường, theo nghiên cứu.

Hầu hết mọi người đều biết ánh sáng, đặc biệt là ánh sáng xanh từ thiết bị điện từ có thể ảnh hưởng đến chu kỳ giấc ngủ, thực tế nó ảnh hưởng đến giấc ngủ nhiều hơn bạn nghĩ.

Tắt tất cả đèn và kéo rèm trước khi đi ngủ có thể giúp bảo vệ sức khỏe của bạn, theo một nghiên cứu gần đây của Đại học Northwestern, được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Hoa Kỳ.

Tiến sĩ Phyllis Zee, tác giả chính của nghiên cứu cho biết: ‘Những phát hiện này đặc biệt quan trọng đối với những người sống trong xã hội hiện đại, khi việc tiếp xúc với ánh sáng ban đêm cả trong nhà lẫn bên ngoài ngày càng phổ biến’.

Nghiên cứu được thực hiện với 20 tình nguyện viên tham gia, có độ tuổi trung bình là 20, ngủ 2 đêm trong môi trường thí nghiệm của nhóm, gồm các thiết bị y tế và thiết bị ánh sáng. Ngày đầu tiên, họ được ngủ trong phòng gần như tối đen. Ngày thứ 2, số người được chia thành 2 nhóm, và 1 nhóm được ngủ trong ánh sáng dịu nhẹ.

Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ cần tiếp xúc với ánh sáng nhẹ vừa phải trong khi ngủ có thể ảnh hưởng đến điều hòa glucose và điều hòa tim mạch, vốn là những yếu tố gây bệnh tim, tiểu đường và hội chứng chuyển hóa.

Ánh sáng trong lúc ngủ làm tăng nhịp tim

Theo kết quả nghiên cứu, trong khi hệ thống thần kinh giao cảm tiếp quản vào ban ngày, hệ thống thần kinh phó giao cảm hoạt động vào ban đêm, khiến cơ thể được nghỉ ngơi và phục hồi.

Nhiều bằng chứng cho thấy việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban ngày làm tăng nhịp tim bằng cách kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, khiến tim hoạt động mạnh và cơ thể trở nên tỉnh táo hơn để phản ứng đối với công việc hay thử thách, khó khăn.

Tiến sĩ Zee cho biết: ‘Kết quả của chúng tôi chỉ ra rằng tác động tương tự cũng xuất hiện khi tiếp xúc với ánh sáng trong khi ngủ vào ban đêm’.

Đồng tác giả, Tiến sĩ Daniela Grimaldi cho biết trong nghiên cứu: ‘Ngay cả khi bạn đang ngủ, hệ thần kinh tự chủ của bạn vẫn hoạt động’.

Tiếp xúc với ánh sáng vào ban ngày làm tăng nhịp tim bằng cách kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, khiến tim hoạt động mạnh và cơ thể trở nên tỉnh táo hơn, và khi ngủ cũng vậy.
Tiếp xúc với ánh sáng vào ban ngày làm tăng nhịp tim bằng cách kích hoạt hệ thống thần kinh giao cảm, khiến tim hoạt động mạnh và cơ thể trở nên tỉnh táo hơn, và khi ngủ cũng vậy. (Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels)

Thông thường, nhịp tim hay các chỉ số tim mạch thường giảm vào ban đêm, khi hệ thống thần kinh phó giao cảm trong não đang ‘bận rộn’ tái tạo, loại bỏ độc tố và hồi phục cơ thể. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết điều này không xảy ra với nhóm người ngủ trong điều kiện có ánh sáng dịu nhẹ.

Nhịp tim tăng cao vào ban đêm đã được nhiều nghiên cứu chỉ ra là một yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tim trong tương lai và tử vong sớm.

Lượng đường trong máu tăng khi ngủ trong ánh sáng

Nghiên cứu cũng cho thấy tình trạng kháng insulin xảy ra ở những người ngủ trong phòng có ánh sáng. Insulin là một hormone sinh ra ở tuyến tụy, có tác dụng chuyển hóa đường trong cơ thể, và là tác nhân duy nhất có thể làm giảm nồng độ Glucose trong máu.

Kháng insulin xảy ra khi các tế bào trong cơ, mỡ và gan không phản ứng tốt với insulin để chuyển hóa glucose. Dần theo thời gian lượng đường trong máu sẽ tăng lên và dẫn đến tiểu đường.

Bà Zee cho biết: ‘Ngoài giấc ngủ, chế độ dinh dưỡng và tập thể dục, việc tiếp xúc với ánh sáng vào ban ngày là một yếu tố quan trọng đối với sức khỏe, nhưng vào ban đêm, chúng tôi thấy rằng ngay cả cường độ ánh sáng khiêm tốn cũng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim và nội tiết’.

Bảo vệ sức khỏe khi ngủ và cách cải thiện giấc ngủ

Ngủ là lúc chúng ta nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe. Ai cũng muốn có một giấc ngủ ngon, vì giấc ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần và cơ thể. Hẳn là không một ai muốn thân thể mình tổn hại ngay cả trong lúc ngủ.

Các tác giả của nghiên cứu trên đã đưa ra những ‘mẹo’ sau để giảm ánh sáng khi ngủ:

  1. Tắt đèn. Nếu bạn phải bật đèn, hãy sử dụng đèn mờ đặt sát sàn nhà.
  2. Sử dụng ánh sáng màu hổ phách hoặc đỏ/cam sẽ ít kích thích não hơn. Tránh sử dụng ánh sáng trắng hoặc xanh hết mức có thể.
  3. Sử dụng rèm che nắng hoặc mặt nạ che mắt nếu bạn không thể kiểm soát ánh sáng ngoài trời. Di chuyển giường để hạn chế ánh sáng ngoài trời chiếu vào bạn.

Ngoài ra, dưới đây là một số ‘bí quyết’ để bạn có một giấc ngủ ngon:

  1. Tăng cường tiếp xúc với ánh sáng vào ban ngày và hạn chế ánh sáng xanh trước khi ngủ, nhằm ổn định nhịp sinh học
  2. Không uống cafe vào cuối ngày
  3. Tập thể dục nhẹ nhàng (nhưng không phải trước lúc ngủ)
  4. Ngủ và thức đúng giờ
  5. Giảm thời lượng ngủ trưa
  6. Không ăn tối muộn
  7. Tối ưu hóa môi trường phòng ngủ: hạn chế ánh sáng, tiếng ồn; giữ nhiệt độ, độ ẩm vừa phải; cải thiện chất lượng giường ngủ
  8. Thư giãn trước khi ngủ: ngâm chân nước nóng, massage, đọc sách, nghe nhạc, và đặc biệt là Thiền định, một biện pháp rất hiệu quả
  9. Sử dụng melatonin bổ sung (nếu bạn mất ngủ)

Quang Minh (t/h)



BÀI CHỌN LỌC

Để ánh sáng khi ngủ có thể gây hại cho sức khỏe, nghiên cứu