Hút thuốc lá điện tử làm tăng 40% nguy cơ bệnh phổi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một nghiên cứu mới chỉ ra vape (thuốc lá điện tử) có thể làm tăng gần gấp rưỡi nguy cơ mắc bệnh phổi. Tại Việt Nam hút thuốc lá điện tử đang ngày một phổ biến trong giới trẻ. Gần đây nhất đã có các trường hợp rối loạn tâm thần, tăng huyết áp do hút thuốc lá điện tử có trộn lẫn cần sa và ma túy

Nghiên cứu từ trường đại học Boston nằm trong số các nghiên cứu tiên phong thiết lập mối quan hệ giữa hút vape đơn thuần và nguy cơ mắc bệnh phổi.

Trên thực tế, thuốc lá điện tử mới nổi trong những năm gần đây, được các công ty đẩy mạnh quảng cáo là sản phẩm thay thế an toàn cho thuốc lá truyền thống. Tuy nhận được nhiều sự quan tâm từ người dân, đặc biệt là giới trẻ, nhưng thật khó để khẳng định mối liên hệ giữa sản phẩm mới này và các vấn đề sức khỏe dài hạn.

Nghiên cứu mới đây gợi ý câu trả lời cho các nhà chức trách và bậc cha mẹ: Hút thuốc lá điện tử không phải không có nguy cơ. Trong đó các nhà khoa học thấy rằng ở những người hút thuốc lá điện tử khi còn trẻ, tỷ lệ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn tính cao hơn khi về tuổi trung niên.

Điều này cũng đúng đối với những người hút vape và hoàn toàn khỏe mạnh. Ngoài ra các tác giả cũng đã tách riêng những người có hút cả thuốc lá và vape.

Nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí JAMA, tiến hành trên hơn 20.000 người lớn, bắt đầu từ năm 2013 cho đến năm 2018. Trong đó có hơn 5.000 người từng hút thuốc lá điện tử, hơn 2.000 người đang hút vào thời điểm tham gia nghiên cứu.

Thuốc lá điện tử được cho là có ít chất độc hại, với nồng độ các hóa chất độc hại cho phổi thấp hơn thuốc lá thông thường. Tuy nhiên nồng độ chất gây nghiện chính trong thuốc lá là nicotin lại thường không thấp.

Hầu hết các nhà sản xuất đều không công bố thành phần chi tiết có trong tinh dầu của thuốc lá điện tử và lấy lý do là “bí mật thương mại”. Theo một cuộc nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Harvard tiết lộ rằng có khoảng 75% trong số 51 loại tinh dầu thuốc lá điện tử đều chứa diacetyl.

Đây là một chất gây ra bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, thêm vào đó, các hạt nhỏ và kim loại nặng độc hại như thiếc, nickel, thủy ngân và chì có trong thuốc lá điện tử cũng là nguyên nhân chính gây các tổn thương ở phổi.

Trên thực tế, người trẻ hút thuốc lá điện tử thường có xu hướng hút cả thuốc lá. Do vậy rất khó để đánh giá đâu là thủ phạm chịu trách nhiệm cho các hệ quả về mặt sức khỏe.

Nghiên cứu của đại học Boston thực hiện trên nhóm đủ lớn và thời gian đủ dài để tách riêng hai nhóm hút vape và hút thuốc lá đơn thuần.

Trong nhóm không hút thuốc, người từng hút thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc bệnh hô hấp cao hơn 21 %, trong khi người đang hút thuốc lá điện tử có nguy cơ cao hơn 43%.

Thuốc lá điện tử được cho là có ít chất độc hại, với nồng độ các hóa chất độc hại cho phổi thấp hơn thuốc lá thông thường. Tuy nhiên nồng độ chất gây nghiện chính trong thuốc lá là nicotin lại thường không thấp. (Ảnh: Pixabay)
Thuốc lá điện tử được cho là có ít chất độc hại, với nồng độ các hóa chất độc hại cho phổi thấp hơn thuốc lá thông thường. Tuy nhiên nồng độ chất gây nghiện chính trong thuốc lá là nicotin lại thường không thấp. (Ảnh: Pixabay)

Tại Mỹ, trước khi dịch COVID-19 bùng phát thì phong trào hút thuốc lá điện tử trong giới trẻ và bệnh phổi nguy hiểm do nó gây ra đã trở thành ưu tiên sức khỏe hàng đầu.

Sau cùng, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã phát hiện nguyên nhân là do viamin E acetat có trong dung dịch thuốc lá điện tử. Đây một trong những dấu hiệu đầu tiên cảnh báo thuốc lá điện tử không an toàn.

Tại Việt Nam hút thuốc lá điện tử đang ngày một phổ biến trong giới trẻ. Gần đây nhất đã có các trường hợp rối loạn tâm thần, tăng huyết áp do hút thuốc lá điện tử có trộn lẫn cần sa và ma túy.

Về dài hạn, nghiên cứu mới nhất đã xác nhận ảnh hưởng tiêu cực của vape. “Trong những năm gần đây chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng lượng người trẻ hút thuốc lá điện tử…”, đồng tác giả nghiên cứu TS Andrew Stokes cho hay, “bằng chứng mới này cho thấy chúng ta sẽ chứng kiến sự gia tăng bệnh phổi ở thanh thiếu niên và người trẻ khi họ bước sang tuổi trung niên, bao gồm hen, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và các bệnh phổi khác”.

Đại Hải
Theo Dailymail



BÀI CHỌN LỌC

Hút thuốc lá điện tử làm tăng 40% nguy cơ bệnh phổi