Mắc 7 triệu chứng này có thể nghĩ ngay đến châm cứu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngoài việc giảm đau mãn tính, châm cứu còn có thể điều trị các tình trạng từ mất ngủ đến béo phì

Châm cứu, một phương pháp cổ xưa có nguồn gốc từ y học cổ truyền Trung Hoa, ngày nay đã được nghiên cứu và ứng dụng rộng rãi về khả năng chữa trị các cơn đau mãn tính.

Phương pháp này tác động đến hệ thống kinh mạch, vốn là nơi năng lượng lưu chuyển trong thân thể, khiến chúng trở nên cân bằng.

Theo Đông Y, dòng năng lượng bị gián đoạn sẽ sinh ra bệnh tật tương ứng. Bằng cách dùng kim châm vào các huyệt vị đang bị tắc nghẽn, dòng năng lượng sẽ được đả thông và bệnh sẽ hồi phục.

Trong nghiên cứu được đánh giá có quy mô lớn nhất cho đến nay, một báo cáo tổng hợp từ 18.000 bệnh nhân đã phát hiện ra rằng châm cứu có thể điều trị hiệu quả các cơn đau mãn tính, cho thấy hiệu quả tuyệt vời của phương pháp cổ truyền này.

Các tài liệu khoa học cũng cho thấy, việc kích thích một số huyệt vị nhất định có thể có hiệu quả với rất nhiều loại bệnh khác nhau.

1. Béo phì

Châm cứu có hiệu quả trị liệu rất lớn trong việc giảm cân.

Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Châm cứu Trung Quốc, với chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý, châm cứu đã được chứng minh là an toàn, hiệu quả và thậm chí có thể "hiệu quả hơn cả Tây Y thông thường".

Một nghiên cứu vào năm 2020 cho thấy châm cứu là một liệu pháp hiệu quả để cải thiện chỉ số khối cơ thể (BMI), trọng lượng cơ thể và vòng eo.

Sau nghiên cứu này, nhiều nhà nghiên cứu đã kêu gọi các thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên dài hạn và nghiêm ngặt hơn để khảo sát kỹ hơn tác dụng của châm cứu đối với bệnh béo phì.

Một nghiên cứu ở những bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) bị béo bụng cho thấy, châm cứu có thể làm giảm các chỉ số như insulin lúc đói và vòng eo, do đó giúp điều chỉnh chuyển hóa glucose, kháng insulin và hormone sinh dục.

2. Mất ngủ

Châm cứu cũng đã chứng minh hiệu quả tốt (với ít tác dụng phụ) với chứng mất ngủ, một trong những triệu chứng hậu Covid phổ biến gần đây.

Trong một nghiên cứu năm 2010, những người tham gia được châm cứu xuyên da đầu có tổng thời gian, chất lượng và hiệu quả giấc ngủ tốt hơn so với những người tham gia vào nhóm châm cứu thông thường.

Điều này cho thấy châm cứu xuyên da đầu có thể đặc biệt hữu ích cho những người đang phải vật lộn với chứng mất ngủ.

Kết hợp với giác hơi, châm cứu có thể điều trị chứng mất ngủ và ‘làm dịu’ tâm trí của những bệnh căng căng thẳng trí não.

3. Gan nhiễm mỡ

Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là nguyên nhân phổ biến nhất của rối loạn chức năng gan trên toàn cầu.

Tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng có liên quan đến sự bùng phát đồng thời của bệnh béo phì, chế độ ăn uống không lành mạnh và lối sống ít vận động.

Châm cứu có thể giúp ức chế NAFLD bằng cách điều chỉnh chuyển hóa lipid, cải thiện tình trạng kháng insulin và tăng mức độ chống oxy hóa của mô gan.

4. Ù tai

Cho đến nay, ù tai vẫn còn là một chứng bệnh khiến các chuyên gia và bác sĩ tìm kiếm một phương pháp chữa bệnh hiệu quả. Châm cứu đã xuất hiện trong các nghiên cứu khác nhau như một lựa chọn khả thi để điều trị triệu chứng này.

Một nghiên cứu năm 2020 trên những bệnh nhân bị ù tai mãn tính nặng cho thấy châm cứu là một phương pháp điều trị hiệu quả.

Nhưng báo cáo cũng lưu ý cần duy trì chữa trị lâu dài, do triệu chứng đã giảm ở tuần điều trị thứ hai nhưng xuất hiện lại vào tháng thứ ba sau điều trị.

Một nghiên cứu riêng biệt cũng chỉ ra kết hợp châm cứu và kích thích xung đa điểm liên tục để có kết quả điều trị tốt hơn ở những bệnh nhân bị ù tai.

5. Đột quỵ

Phương pháp cổ xưa này cũng có thể giúp bệnh nhân hồi phục sau đột quỵ.

Ví dụ, châm cứu cải thiện suy giảm nhận thức sau đột quỵ, tăng cường giao tiếp chức năng, đồng thời giúp phục hồi các chức năng vận động và thần kinh ở những người đã từng bị đột quỵ cấp tính đến mãn tính.

Theo một số nghiên cứu về thần kinh gần đây, sự kích thích nhờ châm cứu tại những huyệt liên quan đến vận động, đã có tác dụng điều chỉnh đáng kể đối với các vùng não phụ trách xử lý chức năng vận động của cơ thể.

Trong nghiên cứu năm 2014, châm cứu có thể tăng cường kết nối hiệu quả giữa tiểu não và vỏ não somatosensory, vốn là khu vực phụ trách chức năng vận động ở những bệnh nhân đột quỵ đang trong giai đoạn phục hồi.

6. Trầm cảm

So với các bệnh nhân rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) được chăm sóc theo phương pháp thông thường, những bệnh nhân PTSD được châm cứu cho thấy sự cải thiện đáng kể chứng trầm cảm và đau, cũng như tình trạng thể chất và tinh thần.

Châm cứu được chứng minh là an toàn, không có tác dụng phụ với thuốc trị trầm cảm, đồng thời có hiệu quả đối với chứng trầm cảm tiền mãn kinh và sau đột quỵ.

7. Nghiện

Trong một nghiên cứu trên động vật, châm cứu nổi lên như một liệu pháp thay thế hữu ích, ít tác dụng phụ, để điều trị chứng nghiện morphin.

Châm cứu cũng hữu ích với chứng nghiện Internet. Một đánh giá có hệ thống vào năm 2021 đưa ra bằng chứng về hiệu quả của phương pháp điều trị chứng rối loạn trong tư tưởng. Đánh giá cho rằng: "Châm cứu có ý nghĩa lớn đối với hiệu quả của việc điều trị lâm sàng".

(*) Ảnh chủ đề: Ảnh chụp bởi Katherine Hanlon từ Unsplash

Quang Minh
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Mắc 7 triệu chứng này có thể nghĩ ngay đến châm cứu