Ngăn ngừa phơi nhiễm chì

Giúp NTDVN sửa lỗi

Không có khái niệm “nồng độ chì trong máu an toàn”. Nhưng điều chúng ta biết là khi phơi nhiễm chì tăng lên, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh và các ảnh hưởng cũng tăng.

Chì là một kim loại có trong tự nhiên. Nó có thể xâm nhập vào cơ thể bạn theo nhiều cách. Bạn có thể hít thở, uống hoặc ăn những thực phẩm có chứa chì.

Chì có mặt ở đâu?

Ở Mỹ, chì từng được thêm vào xăng và sơn. Những ngôi nhà được xây dựng trước năm 1978 vẫn có thể có sơn chì. Khi sơn bong tróc và nứt, nó tạo ra bụi chì mà bạn có thể hít vào hoặc trẻ nhỏ có thể ăn phải. Những ngôi nhà cũ cũng có thể có chì trong các đường ống và ngấm vào nước uống của bạn.

Hãy cẩn thận khi sử dụng đồ gốm và sứ tráng men chì để đựng thức ăn hoặc đồ uống. Đôi khi chì bị rò rỉ ra ngoài từ những vật dụng này.

Chì cũng có thể được tìm thấy trong một số đồ chơi được sơn. Trẻ cho đồ chơi và tay vào miệng. Và trẻ nhỏ có nguy cơ nhiễm độc chì cao nhất.

Tác động của chì đến cơ thể con người như thế nào?

Ở người lớn, hàm lượng chì cao có liên quan đến huyết áp cao và chứng run tay. Nó cũng có thể gây ra các vấn đề về thận, tim và thần kinh.

Khi đi vào cơ thể, chì đến các cơ quan như não, thận, gan và xương. Cơ thể tích tụ chì trong răng và xương. Chì được tích lũy trong xương có thể đi vào máu trong quá trình mang thai, do đó thai nhi bị phơi nhiễm. Phụ nữ có thai bị phơi nhiễm chì ở mức độ cao có thể gây sẩy thai, thai chết lưu, sinh non và sinh thiếu cân, cũng như dị tật nhỏ.

Chì ảnh hưởng đến sự phát triển não của trẻ em dẫn đến giảm chỉ số thông minh (IQ). (Ảnh: pexels.com)

Nhiễm độc chì gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ em. Ở mức độ phơi nhiễm cao, chì tấn công vào não và hệ thần kinh trung ương gây hôn mê, co giật và thậm chí tử vong.

Trẻ em sống sót sau ngộ độc chì nặng có thể để lại hậu quả chậm phát triển trí tuệ và rối loạn hành vi. Ở mức độ phơi nhiễm thấp hơn, có thể không gây triệu chứng rõ ràng, tưởng như an toàn, nhưng nó là nguyên nhân của hàng loạt các tổn thương trên nhiều hệ thống cơ thể.

Đặc biệt chì ảnh hưởng đến sự phát triển não của trẻ em dẫn đến giảm chỉ số thông minh (IQ), thay đổi hành vi như giảm sự tập trung và tăng hành vi chống đối xã hội, giảm trình độ học vấn. Phơi nhiễm chì cũng gây ra thiếu máu, tăng huyết áp, suy thận, suy giảm miễn dịch và ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản.

Những ảnh hưởng về thần kinh và hành vi do chì gây nên được cho là không thể đảo ngược.

Trẻ em bị suy dinh dưỡng dễ bị ảnh hưởng hơn đối với chì vì cơ thể trẻ em hấp thụ chì nhiều hơn nếu chất dinh dưỡng khác như canxi bị thiếu hụt. Trẻ em có nguy cơ cao nhất là những trẻ sơ sinh (bao gồm cả quá trình thai nhi đang phát triển) và trẻ em nghèo.

Chính vì những hậu quả nặng nề của việc phơi nhiễm chì, hầu hết chính phủ các nước đã khuyến khích việc sử dụng xăng không chì đã đem lại kết quả tốt làm giảm đáng kể nồng độ chì trong máu trong cộng đồng dân cư. Hiện nay, chỉ còn sáu quốc gia tiếp tục sử dụng nhiên liệu pha chì.

Nếu bạn lo lắng về chì, hãy liên hệ với cơ quan y tế của địa phương để biết cách kiểm tra thành phần chì ở trong nhà của bạn.

Hải Quỳnh

(Tổng hợp theo The Epoch Times tiếng Anh)



BÀI CHỌN LỌC

Ngăn ngừa phơi nhiễm chì