Người Nhật đã làm gì để sống thọ?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhật Bản là một trong những quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, với tuổi thọ trung bình của nữ là 87.26 tuổi, và 81.09 tuổi đối với nam. Điều thú vị là người Nhật không thích thể thao và thường không có thói quen tập thể dục.

Theo khảo sát của Tạp chí Y khoa "The Lancet" về "Quốc gia ít luyện tập thể thao nhất thế giới", Nhật Bản đứng thứ 11, và hơn 60% người dân nước này luyện tập thể thao dưới mức trung bình.

Quốc gia yêu thích thể thao nhất trên thế giới là Hoa Kỳ, hơn 40% người dân nước này rất nhiệt tình tham gia các môn thể thao.

Tại sao người Nhật không thích tập thể thao nhưng lại có tuổi thọ cao nhất thế giới?

Câu trả lời là: Thói quen độc đáo hàng ngày và điều kiện quốc gia đặc biệt.

A. Chế độ ăn kiêng

  • Hấp thụ thức ăn ít calo

Với 30 loại thành phần mỗi ngày, đây là mục tiêu về chế độ ăn uống được Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản khuyến khích trong "Hướng dẫn Ăn uống Lành mạnh" vào năm 1985.

Kể từ đó, khái niệm về 30 loại nguyên liệu đã phổ biến rộng rãi ở Nhật Bản, và nó đã được nhiều bà nội trợ sử dụng như một kim chỉ nam để sắp xếp chế độ ăn uống trong ngày.

Thông thường, cơ cấu khẩu phần ăn của một gia đình Nhật là: sashimi hoặc cá nướng, cộng với đậu phụ, rau luộc, nước tương rất được coi trọng; và cách kết hợp chung là cơm với súp miso, tương đậu và dưa muối, cộng với các món ăn kèm khác.

Ẩm thực Nhật Bản có nhiều loại rau tảo, và họ thường ăn tía tô và rong biển. Những thực phẩm này rất giàu chất dinh dưỡng, nhiều chất đạm nhưng ít chất béo.

  • Ăn ít nhưng đủ chất

Người Nhật Bản cũng khuyến khích “Ăn no 80%”. Họ không ăn nhồi nhét hay ăn quá nhiều, và sẽ ngừng ăn khi cảm thấy lưng bụng là đủ (khoảng 80%).

  • Chú trọng bữa sáng

Trong văn hóa Nhật Bản, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ba bữa ăn chính. Vì vậy phụ nữ Nhật Bản từ lâu đã có thói quen chuẩn bị cho gia đình một bữa sáng phong phú và đủ chất.

Khoa học hiện nay đã chứng minh rằng, bữa sáng không chỉ quan trọng nhất đối với sức khỏe, mà còn là bữa ăn ít có khả năng tăng cân nhất.

  • "Ẩm thực nước"

Ẩm thực Nhật Bản còn được gọi là “ẩm thực nước”. Trong chế độ ăn của người Nhật, thường ít dầu, ít muối và ít gia vị. Nguyên tắc của chế độ ăn là giữ nguyên hương vị ban đầu của các nguyên liệu thực phẩm càng nhiều càng tốt.

Ngoài ra, ẩm thực Nhật Bản hiếm khi sử dụng các phương pháp chiên, om và các phương pháp nấu ăn khác, chủ yếu sử dụng hấp, nộm hoặc luộc.

Các phương pháp nấu ăn hấp, nộm và luộc có thể cung cấp nhiều nhất cellulose, vitamin, khoáng chất và các hoạt chất khác, giảm sản sinh chất gây ung thư, có ý nghĩa lớn đối với sức khỏe và tuổi thọ.

  • Ưa thích hải sản, ăn nhiều cá hơn cơm

Nhật Bản được bao quanh bởi biển, do đó dễ hiểu vì sao mỗi bữa ăn họ đều có hải sản tươi sống. Người Nhật ăn hơn 100kg cá mỗi năm, vượt quá lượng gạo tiêu thụ.

Bạch tuộc, mực, tôm, cua, cá thu đao, hàu và các loại hải sản khác rất giàu axit amin và taurine, có thể làm giảm cholesterol trong máu và giảm chất béo trung tính. Cá và động vật có vỏ rất giàu taurine.

Ngoài ra, người Nhật cũng thường ăn tảo bẹ, rong biển và tảo quần đới… Rong biển rất giàu nguyên tố vi lượng và chất xơ, là sát thủ chống lại bệnh cao huyết áp và tiểu đường.

Thói quen đi bộ và đạp xe

So với người phương Tây, người Nhật thích đi bộ hoặc đi xe đạp hơn. Xét về số lượng xe đạp trung bình trên 100 người, Nhật Bản đứng đầu thế giới và vượt qua cả Trung Quốc.

Tại đất nước có mật độ dân số cao nhất thế giới này, các tiện ích đa dạng trong cộng đồng người Nhật tương đối tập trung.

Chỉ trong vòng 5 đến 10 phút là bạn có thể tìm thấy siêu thị, nhà trẻ, trường học các cấp, nha khoa để giải quyết nhu cầu hàng ngày của mình. Với khoảng cách như vậy, thì xe đạp là một phương tiện đi lại tiện lợi và thiết thực.

Đối với nhân viên văn phòng Nhật Bản, họ dành nhiều thời gian đi lại hàng ngày, cùng với sự phát triển của giao thông công cộng, họ dành trung bình một hoặc hai giờ mỗi ngày để đi bộ, đi xe điện hoặc đi xe đạp.

Trước đây, các cuộc khảo sát ở Nhật Bản cho thấy thời gian đi làm trung bình càng dài thì khả năng mắc bệnh thoát vị đĩa đệm của người dân trong quận càng thấp.

Nguyên nhân là do để giữ thăng bằng trên tàu điện ngầm, cơ thể vô hình chung cũng đang được tập thể dục.

Phát minh ra nhiều kiểu tắm mới lạ

Tuổi thọ của người Nhật cũng liên quan mật thiết đến chế độ sinh hoạt của họ.

Người Nhật là dân tộc thích tắm nhất trên thế giới, họ liên tục phát minh ra những phương pháp tắm mới như tắm rượu gạo, tắm hoa, tắm canh rau, tắm táo, tắm rừng.

Những phương pháp tắm này không chỉ có thể làm sạch cơ thể mà còn có tác dụng ngăn ngừa một số bệnh và giảm bớt căng thẳng.

Ngoài ra, nhiều người Nhật còn hào hứng với phương pháp thể dục “đi bộ 10.000 bước mỗi ngày”. Một số nghiên cứu cho rằng đây cũng là một trong những yếu tố chính góp phần làm cho tuổi thọ của người Nhật đứng đầu thế giới.

Nội tâm tương đối bình lặng

Người Nhật khiêm tốn và lịch sự, rất hiếm thấy các trường hợp mâu thuẫn, xô xát diễn ra trên đường phố ở quốc gia này.

Sống chan hòa, không cáu gắt trước sự việc, tính nhẫn nại và kiên cường, đây không chỉ là cách tu dưỡng tốt được người Nhật nuôi dưỡng từ nhỏ mà còn rất có lợi cho tuổi thọ.

Sự xuất hiện và tiến triển của nhiều bệnh liên quan mật thiết với cảm xúc. Khi con người có tâm trạng vui vẻ, thì mạch, nhịp thở, huyết áp, sự tiết dịch tiêu hóa cùng quá trình trao đổi chất sẽ ở trạng thái ổn định và phối hợp nhịp nhàng.

Chính phủ chăm lo sức khỏe của người dân

Ngay từ tháng 4 năm 2008, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản đã chính thức lên "Kế hoạch làm thon gọn vòng eo cho tất cả người dân", đồng thời ban hành luật lệ và quy định rằng:

"Khi tiến hành khám sức khỏe hàng năm, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp phải thường xuyên kiểm tra nghiêm ngặt đối với các nhân viên văn phòng có độ tuổi từ 40 đến 75".

Theo đó, vòng eo quy định dành cho nhân viên nam không được quá 85cm, vòng eo của nữ không được quá 90cm.

Con số này cũng giống như giới hạn trên của vòng eo do Liên đoàn Tiểu đường Quốc tế ban hành năm 2005, để xác định liệu có những rủi ro về sức khỏe hay không.

Chính phủ Nhật Bản không chỉ ra luật điều chỉnh vòng eo của nhân viên văn phòng, mà còn đặt ra mục tiêu của chiến dịch "thu nhỏ vòng eo" trên toàn quốc, đó là: "Giảm 10% dân số thừa cân trong 4 năm, và 1/4 trong 7 năm". Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản chịu trách nhiệm về việc này.

Để thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã bắt đầu bằng cách giáo dục công dân, quảng bá thuật ngữ "hội chứng chuyển hóa" và để nhiều người biết tác hại của "metabo" (cách phát âm của "hội chứng chuyển hóa" "bằng tiếng Nhật).

“Giảm cân không còn là chuyện riêng mà là sự kiện trọng đại liên quan đến sự tồn vong của công ty” - đây là khẩu hiệu quảng cáo của Bộ Kinh tế và Công nghiệp Nhật Bản nhằm nâng cao sức khỏe của nhân viên.

Là một đất nước có tuổi thọ cao, Nhật Bản luôn tự hào về những công dân của mình.

Tuy nhiên, nếu chất lượng của những người sống lâu tại quốc gia này không đạt yêu cầu; ví dụ như dù họ sống lâu nhưng hay ốm đau, bệnh tật, hoặc họ chỉ có thể nằm cả ngày, phụ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc y tế…

Nếu để tình trạng sống thọ như vậy không chỉ là cực hình đối với bản thân người già, mà còn mang đến sự quá tải đối với chi phí y tế trong tương lai.

Một trong những cách cơ bản nhất và quan trọng nhất mà chính phủ Nhật Bản đã nghĩ ra để giải quyết gánh nặng chi phí y tế, là giữ sức khỏe cho người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống khi về già.

Vì mục đích này, chính phủ Nhật Bản đã đưa ra nhiều chính sách khuyến khích mọi người giảm cân và giữ cân nặng ở mức hợp lý để ngăn ngừa bệnh tim, huyết áp cao và các bệnh liên quan khác, đồng thời giảm chi phí y tế.

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Người Nhật đã làm gì để sống thọ?