Nỗi đau của người mẹ có con gái bị dụ dỗ chuyển giới thành nam (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liệu chúng ta có thể xác định rằng hiện tượng chuyển giới là kết quả của sự lây lan xã hội và giống như một đại dịch "tâm thần"?

Một tuần trước khi Emma (tên nhân vật đã được thay đổi) tròn 18 tuổi, cô bất ngờ nói với gia đình rằng mình là… con trai.

Mẹ của cô, bà Judith Hunter cho biết: “Chúng tôi tỏ vẻ nghi hoặc. Con tôi không có tiền sử mắc chứng phiền muộn giới tính, nhưng 3 năm qua nó đã trải qua sức khỏe tâm thần rất kém”.

Bất chấp sự phản đối của gia đình, Emma đã tự mình đến một phòng khám giới tính ở bang New South Wales (Australia), bày tỏ mong muốn được chuyển thành nam giới.

Dễ dàng tới mức kỳ lạ, các bác sĩ nhanh chóng chấp nhận yêu cầu của cô. Với việc ký vào một phiếu cung cấp thông tin và chấp thuận tham gia nghiên cứu y sinh liên quan đến con người, cùng một cuộc hẹn kéo dài một giờ, testosterone đã được đưa vào cơ thể Emma.

Khi bà Hunter vội vã đến bệnh viện để xin gặp con gái, các bác sĩ cho biết bà đã có một cậu con trai.

Bà Hunter nói: “Tôi đã nói với bác sĩ điều này thật nực cười. [Sau đó] tôi bị họ gọi là một phụ huynh đáng ghét, một người cố chấp và là một kẻ hiếu chiến. Tôi được thông báo rằng mình có một đứa con trai đang sống và một đứa con gái đã chết”.

"Tại sao ngành y tế lại muốn phá hủy các gia đình và những bậc cha mẹ tội nghiệp, vốn chỉ đang cố gắng giúp đỡ con cái của họ?"

"Nó thật xấu xa! Tất cả đều chỉ dựa trên sở thích và cảm nhận cá nhân. Sở thích và cảm nhận của chúng ta không thay đổi trong suốt cuộc đời hay sao?” bà Hunter bày tỏ.

Nhận dạng giới tính mới

Vài tháng sau khi thực hiện quá trình chuyển đổi giới tính, bà Hunter gần như không thể nhận ra con gái mình. Emma cạo tóc, mặc quần áo nam và sử dụng các đại từ nhân xưng của nam giới. Cô bị gia đình ghẻ lạnh.

“Mỗi ngày, cô ấy bạo hành chúng tôi bằng lời nói, rằng chúng tôi là những người kinh tởm như thế nào, chúng tôi là kẻ kỳ thị người chuyển giới, cố chấp và đáng ghét ra sao,” bà Hunter nói trong thất vọng khi nhớ lại cậu con trai (14 tuổi) đã sợ hãi và cầu xin chị gái dừng hành vi mất kiểm soát của mình.

"Về cơ bản chúng tôi đã ở hai phía đối lập".

Cuối cùng, gia đình bà Hunter đã tan vỡ. Họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển Emma ra ngoài. Cô đã bỏ học từ năm 11 tuổi, ba năm sống xa nhà, thất nghiệp và chỉ dựa vào trợ cấp của chính phủ.

Vào năm 2021, Emma nói với gia đình rằng cô không bao giờ muốn nói chuyện với họ nữa trước khi cắt đứt liên lạc.

Bà Hunter nói với The Epoch Times: “Gia đình chúng tôi đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Chúng tôi chỉ là một gia đình tan vỡ. Chúng tôi đã trải qua những tình cảnh giống địa ngục chỉ vì các chuyên gia y tế đã ủng hộ con gái chống lại chúng tôi".

Tuy nhiên, cho đến khi bà Hunter mở lịch sử trình duyệt web của Emma, bà mới thực sự nhận ra điều gì đã đẩy con gái mình vào con đường không thể cứu vãn và khiến gia đình tan vỡ.

“Có đầy rẫy các trang web chuyển giới, video về các cô gái dùng testosterone, cắt bỏ các bộ phận cơ thể, cổ vũ nhau kiểu: 'Bạn có thể làm được điều này, bạn sẽ cảm thấy tốt hơn, đây là giải pháp cho các vấn đề tuổi teen của bạn'," bà Hunter bực tức.

“Nó giống như một cẩm nang trực tuyến, phải làm gì, nói gì, đối xử với cha mẹ như thế nào.

Kiểu như, bạn hãy nói với các bác sĩ rằng nếu cha mẹ bạn không đồng ý với điều này, bạn nói với họ rằng bạn sẽ tự tử, tiếp đó bạn đến bệnh viện và gặp các bác sĩ, tại đây, họ sẽ chỉ trích cha mẹ bạn và đứng về phía bạn.

Và đó chính xác là những gì đã xảy đến với gia đình chúng tôi".

Lây nhiễm xã hội

Emma thuộc nhóm thanh niên mới nổi mắc chứng rối loạn giới tính khởi phát nhanh (ROGD), là chứng rối loạn tâm thần mà một người có xu hướng không công nhận giới tính của mình và biểu hiện hành vi, thái độ ở giới tính hoàn toàn ngược lại.

“Đó là cái mà chúng tôi gọi là dịch bệnh 'tâm thần'. Nó tương đồng với với đại dịch COVID, chỉ có điều là nó diễn ra trong tư tưởng,” Dianna Kenny, cựu Giáo sư Tâm lý học tại Đại học Sydney, hiện là nhà tư vấn và trị liệu tâm lý cho biết.

Bà nói với The Epoch Times: “Con người là một quần thể xã hội; họ có xu hướng sao chép lẫn nhau và tập hợp lại với nhau. Mọi người chỉ hướng vào những người có ảnh hưởng và tin vào thông điệp mà họ đang tuyên truyền, ngay cả khi nó sai.”

Vào năm 2018, giáo sư Lisa Littman của Đại học Brown đã đặt ra thuật ngữ “lây lan xã hội”.

Theo nghiên cứu đột phá của cô ấy về ROGD, trong số 256 phụ huynh được khảo sát có con chuyển đổi giới tính, hơn 86% nói rằng con họ:

  • Hoặc sử dụng mạng xã hội / internet với thời gian ngày càng tăng;
  • Hoặc có một hay nhiều bạn bè nhận dạng là chuyển giới trong cùng khoảng thời gian;
  • Hoặc cả hai.

Trong nhóm này, nữ vị thành niên và những người bị rối loạn sức khỏe tâm thần chiếm phần lớn.

Điều đáng chú ý là hầu hết những đứa trẻ này (60.7%) có tỷ lệ yêu thích ngày càng tăng sau khi họ tuyên bố mình là người chuyển giới, và 60% bạn bè của chúng có xu hướng chế nhạo những người không phải LGBTIA.

Tác giả lập luận, hiện tượng này cũng có thể quan sát thấy ở những người phát triển các triệu chứng chán ăn khi cố gắng tuân theo các tiêu chuẩn nhất định về hình ảnh cơ thể của một người, do nhóm bạn bè của họ đặt ra.

Trong nhóm bạn bè này, những người biếng ăn "tốt nhất" - gầy nhất và có nhiều biến chứng y khoa nhất - được ngưỡng mộ, trong khi những người muốn phục hồi sau chứng biếng ăn bị "nói lời ác ý" và "chế giễu".

Bà Kenny nói: “Rất nhiều người trẻ nghĩ rằng [việc tuyên bố mình là người chuyển giới] là một giải pháp vì đột nhiên họ cảm thấy được chấp nhận và cảm thấy đặc biệt”.

“[Nhưng] không quan trọng bạn phỉ báng những người nói ngược lại bao nhiêu, nó không thay đổi một sự thật hiển nhiên rằng giới tính là lưỡng hình.

Mỗi đoạn nhiễm sắc thể và DNA trong cơ thể ai đó cũng đều có nhiễm sắc thể nam hoặc nhiễm sắc thể nữ. Đó là cách cơ thể con người được cấu tạo, và mọi lý thuyết khác đều là hư cấu”.

“Các nhà vận động về chuyển đổi giới tính đang cố gắng lật ngược 1000 năm khoa học”.

Bác sĩ tâm thần Tanveer Ahmed, người có kinh nghiệm giúp đỡ những bệnh nhân mắc chứng phiền muộn giới tính, cũng tán đồng ý kiến này.

Ông nói với The Epoch Times rằng: “Rất nhiều vấn đề tâm lý xảy ra khi chúng ta ưu tiên sự chủ quan như một sự thật nào đó”.

“Phong trào chuyển giới là một ví dụ điển hình về điều này,” ông lưu ý và giải thích rằng nó đã bình thường hóa ý tưởng về bản dạng giới, một khái niệm chỉ nhận thức của một người về giới tính của họ, bất chấp ban đầu họ là nam, họ có thể tự cho rằng mình là nữ và ngược lại.

Ông nói thêm rằng những ý tưởng này dựa trên “hệ tư tưởng của chủ nghĩa Mác”, coi “một thế giới dị tính luyến ái nam” là “trung tâm quyền lực đàn áp tất cả các nhóm khác”, trong đó những người chuyển giới là những người dễ bị tổn thương hơn.

Nói chung, "đó là một cuộc vận động rất có vấn đề".

-> Xem tiếp: Nỗi đau của người mẹ có con gái bị dụ dỗ chuyển giới thành nam (Phần 2)

Bảo Vy
Theo The Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nỗi đau của người mẹ có con gái bị dụ dỗ chuyển giới thành nam (Phần 1)