Cách phân biệt giữa bệnh cúm, cảm lạnh thông thường và COVID-19

Giúp NTDVN sửa lỗi

Các triệu chứng của bệnh cúm, cảm lạnh và Covid-19 thường dễ bị nhầm lẫn. Do đó biết cách nhận biết và phân biệt là rất quan trọng, vì nó sẽ quyết định mức độ nghiêm trọng của bệnh và phương hướng điều trị.

Những ngày lễ Tết thường là thời điểm mà trẻ em yêu thích nhất... Đây cũng là khoảng thời gian mà trẻ có cơ hội được tung tăng dạo chơi, thăm hỏi họ hàng, bạn bè và tổ chức các buổi tiệc lớn nhỏ thỏa thích.

Là cha mẹ, nhìn thấy sự trưởng thành của con cái mỗi ngày là một niềm hạnh phúc, nhưng chúng ta cũng cần nâng đỡ và bảo vệ con cái bằng các kiến thức liên quan đến sức khỏe.

Nội dung dưới đây khá quan trọng, đặc biệt trong thời buổi dịch bệnh hiện nay, cha mẹ có thể thu thập hoặc lưu lại để đề phòng trường hợp khẩn cấp.

Cách phân biệt triệu chứng của bệnh cúm, cảm lạnh và Covid-19

Mùa đông là mùa có tỷ lệ mắc bệnh cúm cao ở trẻ em. Làm thế nào để phân biệt đó là cúm, cảm lạnh thông thường hay viêm phổi Vũ Hán (Covid-19) khi trẻ bị ho và sốt?

  • Cảm lạnh thông thường có đặc trưng là nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi và có thể sốt.

Tuy nhiên, đây thường là sốt nhẹ đến trung bình, kéo dài trong 1 - 2 ngày và có thể tự khỏi sau 3 - 5 ngày. Cảm lạnh hiếm khi có các triệu chứng toàn thân như đau hoặc yếu cơ toàn thân.

  • Bệnh cúm thường có biểu hiện sốt cao, quá trình sốt tương đối dài, thường là 3 - 5 ngày, sau đó sẽ cải thiện trong khoảng một tuần.

Bệnh cúm thường kèm theo các triệu chứng toàn thân, bao gồm đau cơ toàn thân, mệt mỏi và nhức đầu. Bệnh cúm nặng có thể có các biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

  • Các triệu chứng chính của người mắc Covid-19 bao gồm sốt, ho, mệt mỏi, nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy cùng các triệu chứng khác. Ngoài ra, một số bệnh nhân cũng có thể bị mất khứu giác và vị giác.

Nhìn chung, khi tới bệnh viện, cha mẹ nên cung cấp trung thực tiền sử bệnh cùng các triệu chứng xuất hiện ở trẻ, để giúp bác sĩ chẩn đoán nhanh và chính xác hơn.

Một số lưu ý khác đối với trẻ mà cha mẹ nên nhớ trong thời dịch bệnh

Trẻ nhỏ có sức đề kháng chưa hoàn thiện, do đó rất dễ chịu ảnh hưởng từ các nhân tố gây bệnh bên ngoài. Vì vậy, bên cạnh phân biệt các triệu chứng giữa cảm lạnh, cảm cúm và Covid-19; cha mẹ cũng nên lưu ý một số điểm sau:

1. Không dùng chung đồ dùng với trẻ em. Cho trẻ ăn, không thổi thức ăn bằng miệng và không thử thức ăn bằng miệng trước khi cho trẻ ăn.

2. Đồ chơi và vật dụng của trẻ em nên được khử trùng thường xuyên. Đồ chơi và vật dụng của trẻ thường nằm rải rác trong nhà và trẻ sẽ hay ngậm hoặc nhai chúng; vì vậy hãy nhớ khử trùng thường xuyên và chú ý vệ sinh tay cho trẻ.

3. Nên vệ sinh tay trước khi chơi và bế trẻ. Khi đi làm về, cha mẹ nên thay quần áo mặc ngoài và rửa tay sạch sẽ trước khi bế con.

4. Nhà phải được thông gió thường xuyên. Nói chung, thông gió 2 ~ 3 lần một ngày, mỗi lần 20 ~ 30 phút. Khi thông gió vào mùa đông, chú ý đưa trẻ ra khỏi phòng thoáng gió, không để gió thổi trực tiếp vào người trẻ kẻo bị cảm lạnh.

5. Hạn chế tối đa việc đưa trẻ đến những nơi công cộng và không gian chật hẹp.

Vào mùa đông tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp cao, do đó càng không nên đưa trẻ đến những nơi công cộng đông người, không gian bí bách. Trong trường hợp có mặt tại chỗ đông người, thì cha mẹ và trẻ nên đeo khẩu trang.

Nếu cha mẹ phát hiện con bị nhiễm trùng đường hô hấp, kể cả cảm lạnh hoặc một số triệu chứng khác, thì phải đeo khẩu trang cho con và thực hiện cách ly tại nhà thích hợp.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Cách phân biệt giữa bệnh cúm, cảm lạnh thông thường và COVID-19