Tại sao sau 40 tuổi dễ mắc chứng hay quên? Cẩn thận 8 điều đẩy nhanh quá trình lão hóa của não

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuộc sống hàng ngày, nhiều người trong chúng ta bị mắc chứng hay quên, nhưng khi lớn tuổi, một số người không khỏi băn khoăn liệu mình có mắc bệnh Alzheimer (chứng mất trí nhớ) hay không, rốt cuộc tình trạng nào là đãng trí bình thường, tình trạng nào là dấu hiệu của bệnh Alzheimer?

Hay quên không nhất thiết là mất trí nhớ, nhưng nó cho chúng ta biết bộ não đang lão hóa.

Chứng hay quên có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng nếu tình trạng này xảy ra thường xuyên, thậm chí ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc hàng ngày thì chúng ta cần đặc biệt lưu ý. Các triệu chứng của chứng hay quên bao gồm:

  • Không nhớ được những ngày hoặc tên quan trọng;
  • Xử lý chậm các thông tin mới;
  • Hiểu sai lệch về một số điều, khó suy nghĩ và đưa ra quyết định;
  • Nghĩ mãi không ra một số từ thường dùng;
  • Giảm khả năng xử lý nhiều việc cùng một lúc.

May mắn thay, trong hầu hết các trường hợp, đều không phải là biểu hiện của bệnh Alzheimer, ngược lại, nó cung cấp cho chúng ta những dấu hiệu cảnh báo về các phương diện khác của sức khỏe. Trước hết, nó cho chúng ta biết não có thể đang bị lão hóa. Việc hay quên không chỉ là sự phản ánh của các vấn đề về trí nhớ mà còn có nghĩa là toàn bộ nhận thức của não chúng ta, bao gồm cả trí nhớ, sự chú ý, nhận thức và tư duy đều có vấn đề.

Sau đây là 8 nguyên nhân tại sao những người trên 40 tuổi thường hay quên

Có nhiều nguyên nhân gây ra chứng hay quên, bao gồm những nguyên nhân sau:

1. Tuổi tác

Nguyên nhân hàng đầu của chứng hay quên là do tuổi tác. Những người trên 40 tuổi dễ mắc chứng mất trí nhớ này hơn. Nói chung, trí nhớ của con người chúng ta tốt nhất vào khoảng 20 tuổi và bắt đầu suy giảm vào khoảng 25 tuổi. Càng lớn tuổi, trí nhớ của chúng ta càng kém. Tuy nhiên, những người ở độ tuổi 20 đến 30 gặp vấn đề này cũng khá phổ biến.

2. Lối sống

Việc hay quên cũng có thể liên quan đến lối sống của chúng ta. Trong đó, thiếu ngủ có thể dẫn đến chứng hay quên, nếu một người trung bình một ngày không ngủ đủ 7 tiếng thì trí nhớ sẽ gặp vấn đề. Uống rượu cũng có thể làm ảnh hưởng đến trí nhớ, vì rượu làm hỏng vùng hải mã (hippocampus), phần não chịu trách nhiệm về trí nhớ. Mất trí nhớ là biểu hiện phổ biến ở bệnh nhân nghiện rượu mãn tính.

Ngoài ra, chế độ ăn uống kém cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ. Lượng cholesterol cao, đồ ăn vặt nhiều chất béo và thực phẩm chế biến sẵn đều có thể gây tổn hại cho trí nhớ của não. Nếu thiếu vitamin B12 trong thực phẩm cũng dễ gây ra chứng sương mù não.

Rượu làm hỏng vùng hải mã, phần não chịu trách nhiệm về trí nhớ. (Shutterstock)
Rượu làm hỏng vùng hải mã, phần não chịu trách nhiệm về trí nhớ. (Shutterstock)

3. Tinh thần căng thẳng

Áp lực tinh thần và căng thẳng kinh niên sẽ dần dần làm các tế bào não mệt mỏi, dễ dàng cản trở quá trình tạo trí nhớ mới và cũng ảnh hưởng đến việc tìm lại những ký ức trong quá khứ của chúng ta. Ngoài ra, các sự kiện chấn thương ảnh hưởng đến cảm xúc cũng có thể làm giảm khả năng của bộ não để ghi nhớ, lực chú ý và năng lực xử lý thông tin để ra quyết định.

4. Phụ thuộc vào các sản phẩm điện tử và mạng Internet

Máy tính và điện thoại di động đã mang lại cho chúng ta rất nhiều tiện ích, nhưng sự phụ thuộc quá mức vào chúng cũng gây ra nhiều vấn đề về trí nhớ. Con người không cần phải sử dụng bộ não thường xuyên, tất cả đều dựa vào máy tính và điện thoại di động để ghi lại và lưu trữ thông tin. “Hoặc là dùng, hoặc là mất”, một số chức năng của não bộ của chúng ta sẽ dần suy yếu, kể cả trí nhớ cũng sẽ suy giảm.

5. Hút thuốc lá điện tử

Hút thuốc lá điện tử cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ. Nghiên cứu hiện nay phát hiện ra rằng những người hút thuốc lá điện tử thường xuyên, kể cả người lớn và thanh thiếu niên, có khả năng chú ý và trí nhớ kém hơn so với những người không hút thuốc lá điện tử ở cùng độ tuổi. Những người thường xuyên hút thuốc lá điện tử dễ mắc chứng sương mù não, triệu chứng thường là đầu óc dường như bị lẫn lộn, suy nghĩ không rõ ràng.

6. Ảnh hưởng hệ thần kinh và các bệnh khác

Nếu bạn gặp vấn đề nghiêm trọng về mất trí nhớ, bạn cũng nên xem xét liệu mình có mắc các bệnh tật và vấn đề sức khỏe nào khác hay không. Điều đầu tiên chúng ta nên nghĩ đến là liệu có các bệnh thần kinh thoái hóa, chẳng hạn như bệnh Alzheimer và hội chứng Parkinson hay không. Ngoài ra, chúng ta cũng cần xem xét có bị khối u não, thiếu máu não cục bộ, nhiễm trùng não… cũng như các bệnh tự miễn dịch tương tự như lupus ban đỏ hay không.

7. Phụ nữ mang thai

Những người đang mang thai cũng cảm thấy rằng trí nhớ của họ bị kém đi.

8. Ảnh hưởng của thuốc

Còn một yếu tố nữa mà chúng ta cần lưu ý: thuốc men. Khi bạn xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào mà trước đây bạn chưa từng có, trước tiên hãy nghĩ xem có phải do thuốc gây ra hay không. Thuốc thường là thủ phạm của một số vấn đề mới. Nhiều loại thuốc chống trầm cảm, thuốc chống axit dạ dày, thuốc kháng cholinergic, thuốc giảm co thắt, thuốc cảm lạnh và thuốc chống dị ứng đều có thể gây ra các vấn đề về trí nhớ.

Có một số người phải hóa trị vì ung thư dẫn đến Suy giảm nhận thức sau hóa trị liệu (Post-chemotherapy cognitive impairment - PCCI). Suy giảm nhận thức sau hóa trị liệu có nghĩa là trí nhớ não bộ của con người bị thoái hoá sau quá trình hóa trị.

Thuốc chống trầm cảm có nhiều tác dụng phụ, bao gồm các vấn đề về trí nhớ. (Shutterstock)
Thuốc chống trầm cảm có nhiều tác dụng phụ, bao gồm các vấn đề về trí nhớ. (Shutterstock)

Những triệu chứng biểu hiện của bệnh mất trí nhớ sớm, Alzheimer

Vậy hiện tượng suy giảm trí nhớ nào là biểu hiện của bệnh Alzheimer thực sự? Có một số phương diện chính sau đây.

Thứ nhất, đó là vấn đề mất trí nhớ gần đây là rõ ràng và dần dần trở nên trầm trọng hơn. Bệnh nhân sẽ có những lúc không nhận ra người khác. Đối với người thân quen, có lúc nhận ra, có lúc không nhận ra.

Thứ hai, bệnh nhân có cảm giác nhầm lẫn hơn vào buổi tối hoặc lúc chạng vạng tối.

Thứ ba, đôi khi bệnh nhân bị ảo tưởng, hoang tưởng. Ví dụ, lo lắng rằng ai đó ăn cắp tiền của mình, ai đó đang gây bất lợi đối với mình, v.v.

Thứ tư, hành vi của bệnh nhân trở nên rất vô lý và trẻ con.

Nếu một người trên 65 tuổi dần dần xuất hiện các triệu chứng trên và ngày càng nặng hơn thì rất có thể đã mắc chứng bệnh Alzheimer.

5 cách cải thiện chứng hay quên

Thứ nhất: Đầu tiên là ngủ đủ giấc. Giấc ngủ là liều thuốc tốt nhất, bạn cần có thói quen ngủ đều đặn, điều quan trọng là cần đảm bảo rằng bạn có được giấc ngủ chất lượng và ngủ vào đúng thời điểm.

Thứ hai: Giữ cho bộ não của bạn hoạt động. Bộ não càng được sử dụng nhiều càng tốt, vì vậy hãy để bộ não hoạt động, chẳng hạn như chơi bài, chơi cờ, chơi các trò chơi có tính giải trí, luyện trí nhớ…

Thứ ba: Tập thể dục thường xuyên và chú ý đến chế độ ăn uống lành mạnh. Ngoài ra, nhiều huyệt đạo trên đầu có liên quan đến não bộ, vì vậy day, ấn các ngón tay và chải da đầu đều rất tốt cho sức khỏe của não bộ.

Thứ tư: Đảm bảo duy trì tâm trạng vui vẻ và thoải mái. Đông y cho rằng con người cần duy trì sự lưu thông và cân bằng của khí huyết. Khi con người ở trạng thái bình tĩnh, vui vẻ và thư giãn thì khí huyết mới lưu thông để não bộ được nuôi dưỡng đầy đủ.

Thứ năm: Điều quan trọng nhất là sức mạnh của tín ngưỡng. Với đức tin tốt, chúng ta có thể duy trì trạng thái tâm trí hạnh phúc và bình yên ngay cả khi đang ở trong giai đoạn thấp kém nhất của cuộc đời.

Theo Dương Cảnh Đoan - The Epoch Times

Đức Nhã biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao sau 40 tuổi dễ mắc chứng hay quên? Cẩn thận 8 điều đẩy nhanh quá trình lão hóa của não