Vì sao tóc hay bị bết dầu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Sở hữu một vóc dáng thon gọn với mái tóc đẹp sẽ giúp một cá nhân trở nên tự tin hơn trong giao tiếp. Tuy vậy, có những người thường xuyên bị bết dầu trên tóc gây khó chịu và mất thẩm mỹ.

Thực ra, xử lý một mái tóc bóng dầu không khó, điều cốt yếu là làm thế nào để xác định được chính xác nguyên nhân, từ đó điều trị từ gốc rễ mới đạt hiệu quả. Tất nhiên, hầu hết các tác nhân gây ra tóc dầu đều không khó giải quyết.

Vậy nếu không điều trị tóc dầu thì có làm sao không? Câu trả lời là có! Nếu bạn không xử lý sớm, thì việc kích dầu nhiều lần sẽ gây ra bệnh viêm da tiết bã.

Tại sao tóc lại bị bết dầu?

Nói chung, khi tiết quá nhiều dầu và quá trình tiết mất cân bằng, trên bề mặt da đầu sẽ tích tụ nhiều bã nhờn.

Có nhiều lý do dẫn đến việc tiết bã nhờn quá mức, chẳng hạn như di truyền, nồng độ hormone, sự mất cân bằng hệ vi sinh vật và thói quen sinh hoạt không tốt.

Ngoài ra, thức khuya, tinh thần căng thẳng… cũng kích thích cơ thể tiết hormone nam, khiến chức năng tuyến bã nhờn hoạt động mạnh.

Làm thế nào kiểm soát bã nhờn cho tóc?

1. Xây dựng thói quen gội đầu đúng cách

Nếu bạn không gội đầu trong thời gian dài, thì dầu nhờn bài tiết ra sẽ ngày càng nhiều, khiến tóc bết lại. Tuy vậy, vẫn có rất nhiều điều cần chú ý khi gội đầu.

Khi gội đầu bạn cần chú trọng làm sạch da đầu và dầu thừa trong lỗ chân lông, nhưng không nên gội đầu quá thường xuyên, bởi vì chất nhờn có thể bảo vệ tóc ở một mức độ nhất định.

Nếu bạn gội đầu quá thường xuyên thì nó sẽ kích thích tiết dầu nhiều hơn, tóc ngày càng bết. Hơn nữa, bạn cũng cần chú ý nhiệt độ nước, không gội đầu với nhiệt độ quá lạnh hoặc quá nóng để tránh kích ứng dầu nhờn trên tóc.

2. Sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc phù hợp

Đối với người tóc dầu thì việc sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc một cách hợp lý là điều cần thiết.

Nếu bạn không sử dụng các sản phẩm chăm sóc tóc sau khi gội đầu, phần đuôi tóc của bạn sẽ ngày càng trở nên khô xơ hơn.

Khi lựa chọn các sản phẩm chăm sóc tóc cụ thể, bạn hãy cố gắng chọn một số loại dầu dưỡng có chức năng làm co lại, có thể giảm lượng dầu hiệu quả và phục hồi tóc về trạng thái khô và bóng mượt.

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không thoa dầu xả trực tiếp lên da đầu, mà nên thoa từ giữa đến đuôi tóc để tránh những tổn thương không đáng có cho da đầu.

Thực tế, tóc càng gần chân tóc thì càng được máu nuôi dưỡng tốt hơn, điều này ngược lại với phần đuôi tóc. Do đó, việc thoa dầu xả vào vùng gần chân tóc và da đầu cũng là không cần thiết.

3. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Nếu muốn cải thiện tình trạng tóc dầu, bạn cũng nên chú ý đến chế độ ăn uống của mình nhiều hơn.

Ví dụ, giảm thức ăn giàu chất béo, nhiều đường, cay và kích thích, ăn nhiều hơn các thực phẩm giàu vitamin như chất xơ thô, trứng, ngũ cốc và trái cây.

Bí đỏ, khoai tây, dầu mè, lòng đỏ trứng, cà rốt... đều rất giàu vitamin A, có thể khắc phục sự sừng hóa bất thường của nang lông và tuyến bã nhờn.

4. Không lạm dụng các sản phẩm hóa học

Việc sử dụng quá nhiều một số sản phẩm dành cho tóc và không làm sạch kỹ sẽ khiến chúng bị tích tụ trên tóc và da đầu. Tình trạng kéo dài có thể khiến tóc bị bết nhờn.

Mặc dù không nên gội đầu quá thường xuyên, nhưng nếu bạn sử dụng các sản phẩm hóa học dành cho tóc, thì tốt nhất sau một ngày, bạn nên gội đầu và loại bỏ tối đa những chất bám bẩn để giúp chân tóc được thông thoáng.

Mặt khác, trong quá trình gội, bạn có thể massage nhẹ nhàng da đầu để thúc đẩy tuần hoàn máu, từ đó giảm tiết dầu.

Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý ngủ đủ giấc, giữ một tinh thần thoải mái, tăng cường luyện tập thể dục thể thao, điều hòa toàn diện thể trạng và cải thiện tình trạng tóc dầu.

Da đầu nhờn có thể gây viêm da tiết bã

Nếu thấy da đầu không chỉ nhờn mà còn nổi mụn nang nhiều lần, kèm theo ngứa nhẹ, thậm chí có những mảng đỏ ửng, vảy nhờn… thì bạn cần đi khám chuyên khoa da liễu để xác định chính xác mình có bị bệnh viêm da tiết bã hay không.

Thông thường đối với bệnh viêm da tiết bã, phương pháp điều trị chủ yếu là chống viêm, kháng khuẩn, loại bỏ và điều hòa miễn dịch.

Tất nhiên, kế hoạch điều trị cụ thể cần được xây dựng tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân.

Hoàng Tuấn
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao tóc hay bị bết dầu?