Tại sao phải rửa trái cây và rau củ? Chuyên gia y tế đưa ra lời khuyên

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trái cây và rau quả chứa các chất dinh dưỡng thiết yếu cần thiết cho sức khỏe của chúng ta, nhưng nếu không rửa sạch trước khi ăn, chúng có thể sót lại thuốc trừ sâu, vi khuẩn có hại và virus.

Tiến sĩ Tzung-Hai Yen, giáo sư tại Khoa Thận và Trung tâm Ngộ độc Lâm sàng, Bệnh viện Chang Gung Memorial ở Linkou (Đài Loan), đưa ra hướng dẫn về cách rửa trái cây và rau quả để giảm thiểu nguy cơ lây truyền bệnh.

Làm thế nào để làm sạch hoàn toàn thực phẩm của chúng ta?

Dư lượng thuốc trừ sâu được tìm thấy trên trái cây và rau quả có thể gây rối loạn hệ thống nội tiết, gây hại cho hệ thần kinh, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư.

Mặc dù có nhiều phương pháp làm sạch được gợi ý như dùng nước muối, baking soda, giấm, ngâm nước vo gạo hay dùng nước rửa rau củ quả nhưng bà Yen cho rằng rửa dưới vòi nước chảy là cách hiệu quả nhất để làm sạch rau củ quả.

1. Rửa sạch bằng nước chảy để làm sạch tối ưu

Ngâm trái cây và rau trong xô.

Rửa sạch chúng dưới vòi nước chảy nhẹ và liên tục trong khoảng 10 đến 15 phút. Nếu bề mặt của sản phẩm không bằng phẳng, hãy sử dụng bàn chải lông mềm để cọ rửa. Nếu bạn lo lắng về độ sạch của các phần cuống, hãy cắt và loại bỏ chúng. (Sau khi rửa trái cây và rau củ, bạn có thể dùng nước này để tưới cây hoặc xả bồn cầu, giúp giảm thiểu lãng phí nước).

Đối với các loại trái cây có vỏ như chuối, cam, vải, xoài và các loại rau ăn lá đóng gói sẵn trong túi ni lông, bà Yen khuyên rằng trừ khi là loại hữu cơ, còn lại nên rửa sạch trước khi ăn.

Để có được trái cây và rau quả với mức độ thuốc trừ sâu thấp hơn, bà đề nghị mua sản phẩm theo mùa. Vì trái cây và rau quả được thu hoạch trái mùa thường có dư lượng thuốc trừ sâu cao hơn.

2. Nấu ăn

Năm 2023, tổ chức môi trường phi lợi nhuận Environmental Working Group đã đưa ra danh sách 12 loại trái cây và rau quả có dư lượng thuốc trừ sâu cao nhất. Dâu tây, rau chân vịt, mù tạt xanh, ớt chuông, quả việt quất và đậu xanh nằm trong danh sách.

Để giải quyết vấn đề nồng độ thuốc trừ sâu cao, ngoài việc rửa kỹ bằng nước, bà Yen đề nghị nấu chúng trong nồi không đậy nắp, để thuốc trừ sâu, phần lớn không chịu nhiệt, phân tán cùng với khí thải ra.

Nữ tiến sĩ đặc biệt đề cập đến rau xà lách, một loại rau chủ yếu trong ẩm thực phương Tây. Ngày nay, nhiều người có xu hướng lựa chọn xà lách sống như một sự thay thế cho các món ăn nấu chín truyền thống. Tuy nhiên, bà Yen nhấn mạnh rằng từ góc độ y tế, ăn xà lách sống không an toàn cho sức khỏe.

Điều này đặc biệt liên quan đến các sự cố gần đây ở Đài Loan, khi vi khuẩn Listeria được phát hiện trong rau xà lách được bán tại các cửa hàng tiện lợi, gây ra mối lo ngại đáng kể về sức khỏe cộng đồng ở các quốc gia khác nhau.

Tại sao không nên tiêu thụ xà lách sống?

Bà Yen giải thích rằng nhìn chung, rau sống rất dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại. Các vi khuẩn được phát hiện phổ biến nhất bao gồm Escherichia coli và Staphylococcus aureus. Mối lo ngại gia tăng xung quanh vi khuẩn Listeria bắt nguồn từ khả năng gây viêm dạ dày ruột cấp tính ở những người khỏe mạnh.

Đối với những người dễ bị tổn thương như người già và trẻ nhỏ, các nhiễm trùng như vậy có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết hoặc viêm màng não. Ngoài ra, phụ nữ mang thai ăn thực phẩm nhiễm Listeria sẽ tăng nguy cơ sảy thai. Tuy nhiên, những loại vi khuẩn này không chịu nhiệt, vì vậy nấu xà lách trước khi ăn sẽ giúp loại bỏ khả năng gây bệnh một cách hiệu quả.

Bà Yen nhấn mạnh, bốn nhóm chính dễ bị nhiễm vi khuẩn từ thực phẩm nhất bao gồm người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai và bệnh nhân hóa trị. Do hệ thống miễn dịch của họ tương đối yếu, điều quan trọng là phải đảm bảo nấu chín kỹ thức ăn và tránh ăn rau xà lách sống.

Tác động nguy hiểm của thực phẩm hư hỏng đối với gan và thận

Nếu trái cây và rau quả bị thối một phần, có an toàn để ăn không?

Bà Yen đặc biệt khuyên bạn không nên làm vậy vì bào tử nấm mốc không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Ngay cả khi phần còn lại của sản phẩm có vẻ ở tình trạng tốt, nó vẫn có thể chứa nấm mốc.

Tiêu thụ sản phẩm như vậy có thể gây tác động bất lợi cho sức khỏe. Ví dụ, tiêu thụ aflatoxin có trong các loại hạt có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan.

Độc tố nấm mốc, ochratoxin, được tìm thấy trong hạt cà phê không chỉ vô hình mà còn mang mùi cà phê nồng. Tiêu thụ nó có thể gây gánh nặng lớn hơn cho thận và làm tăng nguy cơ ung thư đường tiết niệu. Để giảm bớt sự xuất hiện của nấm mốc trong cà phê, tốt nhất bạn nên bảo quản hạt cà phê trong hộp và giữ chúng trong tủ lạnh.

Ngoài ra, nên bọc kỹ thực phẩm ôi thiu trước khi vứt bỏ, vì nấm mốc lây lan qua bào tử, và thực phẩm mốc không được đậy nắp sẽ tiếp tục giải phóng độc tố.

Đảm bảo ăn uống lành mạnh từ ba khía cạnh chủ yếu

Để giảm thiểu nguy cơ bệnh tật liên quan đến việc tiêu thụ thực phẩm, bà Yen nhấn mạnh tầm quan trọng của nỗ lực chung giữa ba bên chính: doanh nghiệp, chính phủ và người tiêu dùng.

Nó bắt đầu với việc nông dân sử dụng thuốc trừ sâu đúng cách, sau đó là các cuộc kiểm tra an toàn thực phẩm thường xuyên do các cơ quan quản lý tiến hành. Đối với người tiêu dùng, điều quan trọng là chúng ta phải chọn những sản phẩm có uy tín, có chứng nhận phù hợp, thực hành các kỹ thuật nấu nướng và vệ sinh đúng cách cũng như cố gắng duy trì chế độ ăn uống lành mạnh.

Tiến sĩ Yen giải thích rằng một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm giảm lượng dầu, muối, đường và purine (thực phẩm làm tăng axit uric) đồng thời tăng cường ăn rau và trái cây tươi giàu vitamin C và khoáng chất. Điều quan trọng nữa là hạn chế hút thuốc và uống rượu để giảm nguy cơ phát triển các bệnh tim mạch và ung thư.

Theo Amber Yang & JoJo Novaes từ The Epoch Times
Nhật Duy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tại sao phải rửa trái cây và rau củ? Chuyên gia y tế đưa ra lời khuyên