Tái thiết thành phố tròn 'độc nhất vô nhị' trên Trái đất - Baghdad cổ đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vào thế kỷ thứ 9, nhà địa lý Hồi giáo Ahmad al- Ya'qubi đã viết về Baghdad thế này: Baghdad - trung tâm của Iraq, là thành phố độc nhất vô nhị trên Trái đất, dù là ở phương Tây hay Phương Đông.

Baghad là một trong những thành phố rộng lớn, thịnh vượng, dồi dào vào bậc nhất, khí hậu trong lành. Đây là nơi sinh sống của đa dạng các loại người, gồm cả dân di cư. Thành phố là niềm yêu thích của cánh đàn ông di cư, còn hơn cả nơi 'chôn nhau cắt rốn' của họ.

Nhiều thế kỷ đã trôi qua, tiếc thay nhắc tới Baghad hiện nay, người ta thường chỉ nhớ tới chiến tranh, bi kịch và đau buồn. Ấy vậy mà vào thế kỷ thứ tám và chín, Baghdad còn được gọi là Madinat-al-Salam, hay thành phố Hòa bình, một trong những thành phố phát triển nhất trên thế giới.

Được xây bằng gạch nung, những bức tường của thành phố đã đổ nát từ lâu, Baghdad nay không còn dấu vết của Madinat -al-Salam ngày nào. Để tái thiết thành phố từng là một thành tựu kiến trúc quan trọng cả về quy hoạch và quy mô đòi hỏi những nỗ lực phi thường.

Baghdad thời hoàng kim

Baghdad được thành lập bởi vua Khalip Al-Mansur vào năm 762 CN, với mục đích dời đô đến gần Khurasan - khu vực đã ủng hộ Al-Mansur trong cuộc đấu tranh giành quyền lực chống lại triều đại trước đó là Umayyads. Cấu trúc của Baghdad gồm ba vòng tường tròn hoàn hảo - bên ngoài, chính và bên trong - có bốn cổng, với dinh thự của vua Khalip ở giữa.

Theo nhà sử học Ba Tư Tabari, trước khi bắt đầu xây dựng thành phố, vua Khalip Al-Mansur đã ra lệnh định vị đường viền của thành phố. Sau khi đi dạo quanh các con đường và sân trong thành phố, Al-Mansur ra lệnh rải hạt bông và dầu dọc theo đường viền, sau đó đốt cháy để có thể nhìn toàn cảnh thành phố.

Cung điện Khursaw. (Ảnh: Wikimedia Commons qua Epochtimes)

Hình dáng của thành phố được mô phỏng theo các thành phố Ba Tư cổ đại, phản ánh tham vọng duy trì và củng cố quyền lực của Khalip. Không phải ngẫu nhiên mà thành phố mới cũng nằm gần Ctesiphon – cố đô của đế chế Sasanian. Ngay cả vật liệu xây dựng cũng được lấy từ việc phá hủy cung điện Khursaw của Ctesiphon. Nhưng chi phí phá bỏ các bức tường của cung điện và sau đó vận chuyển đá và gạch lên thượng nguồn quá cao.

Baghdad cổ đại rõ ràng là một kiến trúc đậm chất Hồi giáo. Tên cổ của thành phố nhắc về một thành ngữ Qur'anic (6:127) Dar-el-Salam, 'Ngôi nhà của Hòa bình', đề cập đến Thiên đường (tên Baghdad xuất phát từ ngôi làng nằm trên địa điểm được chọn làm thủ đô mới ). Cổng Kufa (phía Tây Nam) của thành phố hướng về phía Kufa, điểm khởi đầu của các cuộc hành hương và quan trọng hơn là hướng về Mecca- thánh địa Hồi giáo.

Ba cổng còn lại nằm cách đều cổng Kufa và được chính Khalip đặt tên. Chiều cao của cổng đủ cho phép một kỵ binh mang theo biểu ngữ hoặc cây thương đi qua. Các cổng sắt nặng đến mức cần nhiều người hợp sức đóng mở. Theo truyền thuyết Al- Tabari thuật lại, bốn cánh cửa sắt ở bức tường chính và một ở cung điện của Al-Mansur, ban đầu được tạo ra cho Vua Solomon bởi quỷ sa-tăng.

Ở trung tâm thành phố, được bảo vệ bởi bức tường bên trong, ở chính giữa là cung điện của Khalip, còn được gọi là Cổng Vàng, và Nhà thờ Hồi giáo Lớn. Cung điện được bao bọc bởi một mái vòm màu xanh lá cây với cánh gió hình người kỵ mã có thể nhìn thấy từ mọi khu vực của Baghdad. Người ta tin rằng những kỵ sĩ này được ban cho sức mạnh ma thuật và chĩa cây thương của mình về hướng mà kẻ thù của Khalip sẽ xuất hiện. Về sau hình kỵ mã và mái vòm màu xanh lá cây đã bị sét phá hủy.

Ở phía Tây Bắc là doanh trại cho các kỵ binh của Khalip và một mái hiên, được cho là của người quản lý của cung điện. Không gian xung quanh các tòa nhà này không có nhà ở, nhưng xa hơn nữa là cung điện của con Khalip, nơi ở của người hầu và các phòng làm việc.

Khalip Al-Mansur ra lệnh rằng không ai ngoại trừ ông được cưỡi ngựa vào khu vực trung tâm, vì vậy những người khác phải để ngựa hoặc la của họ bên ngoài bức tường bên trong. Có người cho rằng Khalip Al-Mansur cũng đã xây dựng một lối đi bí mật dẫn ra bên ngoài các bức tường thành để trốn thoát trong trường hợp khẩn cấp.

Các cổng thành trong bức tường chính - được xây dựng chắc chắn nhất trong ba bức tường thành - cũng có mái vòm màu xanh lá cây được đỡ bởi các cột gỗ tếch. Ở tầng trên cùng của mỗi cổng thành, có một chòi quan sát nhìn ra thành phố. Phía trên cổng Khurasan là nơi nghỉ ngơi yêu thích của Khalip Al-Mansur. Trong một lần, khi Khalip đang ở đó, một mũi tên mang lời cảnh báo đã bị bắn lên và rơi xuống dưới chân ông. Tuy nhiên, Al-Mansur không có gì phải sợ - người ta tin rằng sẽ không có Khalip nào chết ở Baghdad.

Hình ảnh Baghdad trong các tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc

Thành phố tròn Baghdad, tái thiết hiện đại, tác phẩm của Naji El Mir (Ảnh: Epochtimes)

Các công trình tái tạo lịch sử hiện đại của thành phố Hình tròn Baghdad bao gồm từ bản vẽ đến mô hình 3D và cảnh quan thành phố theo công nghệ Minecraft. Các bản diễn giải nghệ thuật kiến trúc của Baghdad thể hiện tầm quan trọng và sức sống của di sản nơi này. Trong nhiều thế kỷ, hình dạng tròn vẫn là biểu tượng của sự giàu có, uy tín và hy vọng về hòa bình và thịnh vượng. Năm 1804, kiến trúc sư người Pháp Claude Nicolas Ledoux đã công bố dự án về một 'thành phố lý tưởng' hình tròn Chaux - tuy nhiên, việc xây dựng chưa bao giờ được bắt đầu.

Một dự án thành phố tròn hiện đại đã được hoàn thành là Apple Park, được xây dựng theo hình chiếc nhẫn. Trong bài trình bày của mình trước Hội đồng thành phố Cupertino, ông chủ của Apple là Steve Jobs đã không đưa ra bất kỳ lý do cụ thể nào về việc tại sao ông lại chọn cấu trúc hình tròn ngoại trừ việc "đây không phải là cách rẻ nhất để xây dựng một thứ gì đó".

Giống như Baghdad hay Madinat -al-Salam vào thời kỳ hoàng kim, Apple Park tự hào có cấu trúc tiên tiến nhất vào thời điểm đó. Cho đến nay, đây là tòa nhà thông gió tự nhiên lớn nhất thế giới được bao phủ bởi những tấm kính cong lớn nhất.

Apple Park. (Ảnh: Wikimedia Commons qua Epochtimes)

Trong các tác phẩm nghệ thuật, kiến trúc tròn mô phỏng thành phố Baghdad đặt trọng tâm vào cấu trúc phòng thủ của nó. Một pháo đài bao gồm ba vòng tròn đồng tâm với hệ thống bốn cổng giống nhau và một cung điện ở giữa giống như trong bộ truyện tranh và phim hoạt hình Nhật Bản có tên là Attack on Titan - cấu trúc của nó giống như một thành trì kiên cố bảo vệ nhân loại khỏi những người khổng lồ.

Trên thực tế, mục đích chính của pháo đài là để ngăn chặn bởi các cuộc xung đột từ bên ngoài các bức tường. Bản thân tên của thành phố cũng phản ánh nguyện vọng được so sánh với Dar-al-Salam, hay Thiên đường.

Dư âm của thành phố tròn cũng có thể được tìm thấy trong tiểu thuyết giả tưởng hiện đại. Tác phẩm Bộ ba Daevabad của SA Chakraborty, tập hợp nhiều yếu tố văn học và dân gian của văn hóa Trung Đông. Thành phố nổi tiếng Daevabad được mô tả là một cấu trúc hình tròn hoàn hảo, được bao quanh bởi một bức tường và được chia thành các phần.

Mặc dù không có dấu vết hữu hình nào được phát hiện về Madinat -al-Salam của thế kỷ thứ tám, và vì hiện tại không thể tiến hành khai quật ở Baghdad, người ta chỉ có thể hy vọng rằng một ngày nào đó bằng chứng vật chất có thể được phát hiện.

Tuy nhiên, di sản của nó vẫn tồn tại – thông qua các công trình học thuật và biểu tượng quốc gia, khát vọng và các dự án kiến trúc đầy tham vọng, thành phố hình tròn Baghdad tồn tại trong trí tưởng tượng chung của chúng ta như một biểu tượng của quyền lực, thịnh vượng và hòa bình.

Theo Epochtimes

Lê Na biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Tái thiết thành phố tròn 'độc nhất vô nhị' trên Trái đất - Baghdad cổ đại