Tàu thăm dò Parker của NASA sẽ ‘chạm mặt trời’ vào cuối năm

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tàu thăm dò mặt trời Parker của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA) dự kiến sẽ bay gần mặt trời với tốc độ cao và cự ly gần vào cuối năm 2023, giống như ‘chạm vào’ ngôi sao. Các nhà khoa học cho biết đây sẽ là chuyến thám hiểm không gian đầu tiên trong lịch sử loài người, tương đương với việc phi hành gia Mỹ đáp xuống mặt trăng vào năm 1969.

Trang web của NASA cho biết, tàu thăm dò mặt trời Parker (Parker Solar Probe) được phóng vào ngày 12/8/2018. Nhiệm vụ của nó là ‘chạm vào mặt trời’ và thu thập mẫu khí quyển mặt trời đầu tiên trong lịch sử loài người.

Vào năm 2021, nó đã bay qua quầng sáng của mặt trời và thu thập các mẫu hạt năng lượng cao và từ trường, trở thành phi cơ đầu tiên bay qua bầu khí quyển phía trên của mặt trời và đến gần ngôi sao như vậy. Đây là lần đầu tiên nó ‘chạm vào mặt trời’. Vào thời điểm đó, tốc độ bay tối đa của nó là 163 km/giây.

BBC Anh đưa tin, tàu thăm dò mặt trời Parker sẽ bay ngang qua mặt trời trở lại vào ngày 24/12 với tốc độ kỷ lục 195 km/giây và khoảng cách của nó với bề mặt của mặt trời sẽ là 6,1 triệu km.

Ông Nour Raouafi, nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins, người tham gia vào dự án Parker, cho biết: "Về cơ bản, chúng tôi gần như đã đáp xuống một ngôi sao. Đây sẽ là một sự kiện hoành tráng đối với toàn nhân loại, tương đương với việc con người lên mặt trăng năm 1969".

Mặc dù 6,1 triệu km có vẻ là một khoảng cách dài nhưng nó chỉ chiếm khoảng 4% khoảng cách giữa Trái đất và Mặt trời (gần 149 triệu km).

Tàu thăm dò mặt trời Parker sẽ gặp phải những thách thức đáng kể trong nhiệm vụ này. Khi tàu thăm dò ở điểm cận nhật, nơi nó tiếp cận gần nhất với mặt trời, nó có thể phải đối mặt với nhiệt độ lên tới 1.400 độ C.

Chiến lược được các nhà khoa học áp dụng là đưa tàu thăm dò ra vào nhanh chóng và sử dụng các dụng cụ chịu nhiệt để thu thập dữ liệu về môi trường mặt trời. Họ hy vọng dữ liệu sẽ dẫn đến kiến ​​thức đột phá, bao gồm cả lời giải thích rõ ràng về cách thức hoạt động của hào quang.

Nhiệt độ bề mặt của mặt trời đạt tới khoảng 6.000 độ C, trong khi nhiệt độ ở vành nhật hoa có thể lên tới trên triệu độ. Ngoài ra, còn có nhiều loại hạt khác nhau như electron, proton và ion bay ra ngoài với tốc độ cao trong vành nhật hoa, tốc độ của chúng có thể lên tới 400 km/s. Đây cũng là những thách thức mà Parker Solar Probe sẽ gặp phải.

Bà Nicky Fox, giám đốc bộ phận khoa học của NASA, nói với BBC rằng so với các chuyến bay ngang qua vành nhật hoa trước đây, điểm khác biệt chính giữa sứ mệnh vào ngày 24/12 là tàu thăm dò mặt trời Parker sẽ ở trong vầng hào quang lâu hơn rất nhiều.

Bà Fox cho biết: "Chúng tôi không biết mình sẽ tìm thấy gì, nhưng chúng tôi sẽ tìm kiếm các sóng được tạo ra bởi gió mặt trời mang nhiệt độ cao. Họ sẽ tìm thấy nhiều loại sóng khác nhau".

Tàu thăm dò mặt trời Parker được đặt theo tên của nhà thiên văn học người Mỹ Eugene N. Parker. Ông đã đề xuất lý thuyết gió mặt trời vào những năm 1950 và là người tiên phong trong nghiên cứu mặt trời.

Ông Parker qua đời vào ngày 15/3/2022 ở tuổi 94.

Theo The Epoch Times
Lý Ngọc biên dịch

Khoa học Công nghệ


BÀI CHỌN LỌC

Tàu thăm dò Parker của NASA sẽ ‘chạm mặt trời’ vào cuối năm