Sách xưa viết về Thần Ôn dịch và Quỷ Dịch bệnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuốn sách cổ thời nhà Thanh "Tùy trà chí quái" được viết bởi nhà văn Lý khánh Thìn ở Thiên Tân, nó được hoàn thành vào năm Quang Tự thứ 18 triều Thanh (năm 1892). Cuốn sách ghi lại nhiều sự kiện kỳ ​​​​lạ vào thời điểm đó.

Trên đường đi gặp phải Ôn Thần

Vào năm Nhâm Tuất niên đại Đồng Trị triều Thanh (năm 1862), thời điểm đó đại dịch hoành hành, lây nhiễm nghiêm trọng, nhiều người chết sau khi mắc bệnh. Lý Khánh Thìn ghi chép rằng, có hai người đông hương là Giáp và Ất bận việc ngoài thành, đến rất khuya mới vào thành, lúc đó là bốn tiếng trống canh, tức là canh tư, đổi thành thời gian hiện đại là khoảng từ 1 giờ đến 3 giờ sáng. Họ đang đi trên con đường trở lại thành về nhà, thì bất ngờ nhìn thấy một đội nghi trượng "đèn đuốc sáng rực". Họ thầm nghĩ, không biết là vị quan nào có việc quan trọng đi ra ngoài, nên họ tránh sang một bên nhường đường.

Khi đội nghi trượng đến gần, họ nhìn thấy ở giữa là một cái kiệu như cái cáng bằng tre, ngồi trên đó không phải là con người mà là một vị Thần có hình dáng rất kỳ lạ "Đầu to như cái đấu, tóc đỏ như mây, mắt màu vàng kim như tia chớp". Một lúc lâu sau, khi đội nghi trượng đã đi xa về phía tây, họ mới dám bước ra. Trong bối cảnh dịch bệnh lúc bấy giờ, họ bỗng nhiên cùng ngộ ra rằng: họ đã nhìn thấy Thần Ôn dịch đi tuần. Sau khi trở lại thành, họ đã kể cho người đời nghe về cuộc gặp gỡ bất ngờ đó. Có lẽ vì họ đã gặp Ôn Thần, không lâu sau đó họ nhiễm bệnh dịch rồi qua đời .

Chân dung Ngũ thần dịch hạch thời Vạn Lịch nhà Minh, chi tiết. (phạm vi công cộng)

Quỷ sốt rét và bệnh sốt rét

Lý Khánh Thìn cũng ghi lại một sự kiện, họ Triệu người Bình Dương, vào một tháng mùa hè khi đang ngủ nửa mê nửa tỉnh, chợt thấy một người phụ nữ "mặc váy lanh trắng, mặt vàng sưng phù", mở rèm cửa bước tới với vẻ mặt đau thương, sắc mặt khiến người khác kinh hãi. Người phụ nữ tới bên giường, dùng tay ấn vào ngực họ Triệu. Ngay lập tức họ Triệu cảm thấy tức ngực và khó thở, như thể có thứ gì đó mắc kẹt trong đường thở, cơ thể nóng lạnh đan xen, tối đó anh mắc bệnh sốt rét.

Ngày hôm sau, tình trạng có khá hơn một chút, nhưng người phụ nữ lại quay lại, và tình trạng lại tái phát ngay lập tức. Sau hơn một tháng, họ Triệu đã sụt cân đến mức "chỉ còn da bọc xương", vẫn là giữa mùa hè nhưng anh cần một cái chăn. Họ Triệu nói với mọi người về việc nhìn thấy người phụ nữ, những người hiểu biết nói với anh: Người phụ nữ này là một con quỷ bệnh dịch. Vì vậy, anh đã lấy 4 thanh kiếm bằng gỗ đào để vào bốn góc của chiếc giường, còn lấy lá bùa của Đạo gia dán lên tường. Khi người phụ nữ đến lần nữa, nhìn thấy những thứ đuổi ma trừ tà này, thì "trừng mắt nhìn tức giận", chỉ hoa chân múa tay mà không dám tiến tới. Triệu Mỗ hoảng sợ hét to, chỉ thấy người phụ nữ đánh vào cái giá đèn bằng thiếc, làm nó rơi xuống đất, rồi giận dữ bỏ đi và không bao giờ quay lại. Từ đó bệnh tình của họ Triệu dần dần chuyển biến tốt đẹp.

Theo quan niệm của người xưa, ôn dịch được điều khiển bởi các Ôn Thần và Quỷ Dịch bệnh ở các không gian khác, các vị Ôn Thần ở tầng thứ cao hành động theo Thiên ý và Thiên tượng, trong khi những Quỷ Dịch lại hành động ở các chiều không gian thấp hơn. "Chu lễ - xuân quan - chiêm mộng" lý giải: "Tháng cuối đông... là gieo rắc mầm bệnh tứ phương, gây ác mộng, khiến dịch bệnh khó xua đuổi". Trịnh Huyền chú giải: "Dịch bệnh là ác quỷ. Kỳ thực Ôn Thần cũng vậy mà Dịch Quỷ cũng thế, về cơ bản họ phải hành động theo Thiên ý".

Tác giả: Đức Huệ - Nguồn: "Túy trà chí quái", chuyển tải từ Zhengjian

Ngọc Liên biên dịch

 



BÀI CHỌN LỌC

Sách xưa viết về Thần Ôn dịch và Quỷ Dịch bệnh