Nghiên cứu: Hiệu quả của 2 trong 3 loại vaccine tại Mỹ giảm xuống dưới 50% sau 6 tháng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Theo một nghiên cứu mới, hiệu quả của 3 loại vaccine COVID-19 có sẵn ở Hoa Kỳ đã giảm trong những tháng gần đây, với khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ mắc bệnh giảm xuống dưới 50% đối với 2 loại sau sáu tháng.

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, vaccine COVID-19 của Moderna đã giảm từ 89,2% vào tháng Ba xuống còn 58% vào tháng Chín. Trong cùng khoảng thời gian, vaccine COVID-19 của Pfizer giảm từ 86,9% hiệu quả xuống còn 43,3%; và mũi tiêm của Johnson & Johnson giảm từ 86,4% xuống còn 13,1%.

Tiến sĩ Stephen Hahn là người đứng đầu Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (Food and Drug Administration - FDA) của Mỹ trong thời kỳ cuối cùng của chính quyền cựu Tổng thống Trump. Hồi năm ngoái ông cho biết, cơ quan này sẽ không cấp phép cho các loại vaccine COVID-19 không có ít nhất 50% hiệu quả chống lại nguy cơ nhiễm bệnh.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, khả năng bảo vệ chống lại nguy cơ tử vong của vaccine giảm dần sau 6 tháng, đặc biệt là ở những người lớn tuổi. Tuy nhiên, thay vì so sánh hiệu quả trong tháng Ba và tháng Chín, họ sử dụng dữ liệu để xác định hiệu quả từ tháng Bảy đến tháng Mười. Đối với những người 65 tuổi trở lên, hiệu quả chống lại nguy cơ tử vong là 75,5% đối với vaccine của Moderna; 70,1% hiệu quả đối với vaccine của Pfizer và 52,2% hiệu quả đối với thuốc tiêm vaccine của Johnson & Johnson.

Đối với những người trẻ tuổi, hiệu quả đạt tỷ lệ cao hơn: 84,3% đối với Pfizer; 81,5% đối với Moderna và 73% đối với Johnson & Johnson.

Trong khi dữ liệu ban đầu cho thấy hiệu quả cao của vaccine chống lại cả nguy cơ nhiễm bệnh và tử vong, “kết quả của chúng tôi cho thấy vaccine kém hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa nhiễm bệnh liên quan đến biến thể Delta”, các nhà nghiên cứu viết.

Họ nói thêm rằng, mặc dù người được tiêm chủng vaccine theo thời gian đối mặt với nguy cơ bị nhiễm COVID-19 hoặc tử vong cao hơn, nhưng những người chưa được tiêm chủng vẫn có nhiều khả năng mắc bệnh hoặc chết vì nó. Các nhà nghiên cứu của Viện Y tế Công cộng, Trường Y tế Công cộng của Đại học Texas và Trung tâm Y tế Các vấn đề Cựu chiến binh của Hoa Kỳ đã thực hiện nghiên cứu. Bản nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science.

Các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các trường hợp nhiễm COVID-19 và tử vong theo tình trạng tiêm chủng ở 780.225 cựu chiến binh Mỹ từ ngày 1/2 đến ngày 1/10. Họ sử dụng dữ liệu từ Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ và nhận tài trợ từ Trung tâm Mercatus tại Đại học George Mason và Văn phòng Đại học California của Tổng thống.

Trong một tuyên bố, tác giả chính của nghiên cứu là Tiến sĩ Barbara Cohn cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi cung cấp cho các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách và những người khác một cơ sở vững chắc để so sánh hiệu quả lâu dài của vaccine COVID và một lăng kính để đưa ra các quyết định sáng suốt về tiêm chủng chính, tiêm nhắc lại và nhiều lớp bảo vệ khác, bao gồm cả quy định đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, xét nghiệm và những can thiệp khác vào y tế cộng đồng để ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm”. Bà nói thêm rằng, nghiên cứu này ủng hộ các khuyến nghị mũi tiêm nhắc lại cho nhiều người Mỹ, bao gồm tất cả những người tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson.

Các nghiên cứu khác cho thấy hiệu quả của vaccine COVID-19 đã giảm dần theo thời gian, dẫn đến các khuyến cáo cần tiêm mũi vaccine tăng cường từ các cơ quan y tế Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đây là nghiên cứu đầu tiên kiểm tra cả 3 loại vaccine có sẵn ở Hoa Kỳ. Nó cũng cho thấy hiệu quả chống tử vong thấp hơn nhiều nghiên cứu khác.

COVID-19 là căn bệnh do virus Corona Vũ Hán gây ra.

Hạn chế của nghiên cứu bao gồm việc các nhà nghiên cứu không biết tại sao hoặc nơi mọi người được xét nghiệm. Các nhà nghiên cứu yêu cầu một người phải được xét nghiệm COVID-19 để được đưa vào phân tích.

Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, và Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ (U.S. National Institute of Allergy and Infectious Diseases) đã không trả lời các yêu cầu bình luận và dường như chưa có phản ứng công khai với nghiên cứu này.

Phát hiện này được đưa ra sau khi 2 nghiên cứu khác cho thấy, hiệu quả của vaccine chống lại nguy cơ nhiễm COVID-19 giảm theo thời gian sau khi tiêm lần đầu. Cả hai nghiên cứu đều là bản in trước.

Sử dụng dữ liệu từ các cơ quan đăng ký trên toàn quốc, các nhà nghiên cứu Thụy Điển phát hiện ra rằng, vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer đã giảm hiệu quả từ 92% vào khoảng ngày 15 đến ngày 30 sau khi tiêm vaccine, xuống còn 47% vào ngày 121 đến ngày 180 sau khi tiêm. Họ nói: “Từ ngày 211 trở đi, không có hiệu quả nào có thể được phát hiện”. Mũi tiêm của Moderna cũng giảm hiệu quả, nhưng vẫn duy trì được một số khả năng bảo vệ từ ngày 181 trở đi.

Trong khi đó, các nhà nghiên cứu Israel trích xuất dữ liệu từ cơ sở dữ liệu toàn quốc, phát hiện ra rằng vaccine của Pfizer kém hiệu quả hơn trong việc chống lại cả nguy cơ nhiễm COVID-19 và bệnh nặng, theo thời gian sau khi tiêm chủng đầy đủ.

Theo Epoch Times tiếng Anh



BÀI CHỌN LỌC

Nghiên cứu: Hiệu quả của 2 trong 3 loại vaccine tại Mỹ giảm xuống dưới 50% sau 6 tháng