Mỹ từ bỏ căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan: Trung Quốc hưởng lợi

Giúp NTDVN sửa lỗi

Mỹ đã từ bỏ Bagram, nơi từng là trung tâm các hoạt động chống khủng bố của Mỹ tại Afghanistan. Cựu Tổng thống Donald Trump cùng nhiều chuyên gia đánh giá rằng, đây là bước đi sai lầm của chính quyền ông Biden. Từ bỏ Bagram, Mỹ không chỉ mất đi lợi thế địa lý chiến lược mà còn mất đi nhiều cơ hội phát triển kinh tế vào tay đối thủ lớn nhất: Trung Quốc.

Cựu Tổng thống Donald Trump gần đây đã bày tỏ lo ngại rằng Trung Quốc có thể giành quyền kiểm soát Căn cứ Không quân Bagram ở Afghanistan. Ông Trump cũng nói thêm, nếu ông điều hành đất nước, chính quyền của ông sẽ duy trì quyền kiểm soát căn cứ này sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Vào tháng 6, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Mark Milley nói trước Quốc hội rằng, sau khi Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, căn cứ Bagram không còn cần thiết về mặt chiến thuật cũng như về mặt hoạt động. Chính quyền Biden đã rút toàn bộ quân đội Mỹ khỏi Bagram vào tháng 7, hơn một tháng trước khi xảy ra cuộc rút quân hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan. Căn cứ Bagram, nơi từng là trung tâm của các hoạt động chống khủng bố của Mỹ, cách thủ đô Kabul khoảng một giờ lái xe.

Ông Trump, trong cuộc phỏng vấn với Fox News ngày 7/11, cho biết chính quyền của ông sẽ duy trì quyền kiểm soát Căn cứ Không quân Bagram vì vị trí chiến lược của nơi nay.

“[Nếu là tôi,] chúng tôi sẽ giữ Bagram vì nơi này ở cạnh Trung Quốc… Sắp tới đây, theo tôi, Trung Quốc sẽ sớm tiếp quản Bagram”, ông Trump nói với Fox News.

Từ bỏ Bagram, Mỹ mất đi lợi thế địa lý chiến lược

Ông Dan Steiner, một chiến lược gia toàn cầu và là đại tá Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, đồng ý với cựu Tổng thống Trump. Theo ông Steiner, do nằm gần Trung Quốc nên Bagram trở nên có giá trị đối với Mỹ trong bối cảnh Mỹ đang phải đối mặt với mối đe dọa ngày càng tăng từ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bao gồm cả việc phát triển vũ khí hạt nhân.

Nhiều báo cáo thời gian gần đây đã phân tích hình ảnh vệ tinh và phát hiện việc Trung Quốc xây dựng ba hầm chứa tên lửa gần các thành phố Hami, Ordos, và Yumen ở miền tây nước này. Tổng số hầm chứa tên lửa tầm xa của Trung Quốc hiện có thể vượt quá con số 250.

Ông Steiner đánh giá: “Rất gần với miền Tây Trung Quốc, do vậy, có một lợi thế chiến lược rõ ràng trong việc giữ Căn cứ Không quân Bagram”.

Mỹ từ bỏ căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan giúp Trung Quốc hưởng lợi, Mỹ mất đi lợi thế địa lý chiến lược và nhiều cơ hội phát triển kinh tế vào tay Trung Quốc khi từ bỏ Bagram, Mỹ thiệt hại như thế nào khi từ bỏ Bagram?
Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, phát biểu trong cuộc họp báo về tình hình Afghanistan ngày 18/8/2021. (Ảnh: OLIVIER DOULIERY / AFP qua Getty)

Chuẩn tướng về hưu Don Bolduc, người đã thực hiện 10 chuyến công du của Quân đội Hoa Kỳ tại Afghanistan từ năm 2001 - 2013, cũng có ý kiến tương tự. Khi xem xét tất cả các mối đe dọa từ các quốc gia láng giềng của Afghanistan - Trung Quốc, Iran, và Pakistan - thì có thể thấy Bagram có vị thế quan trọng về mặt chiến lược.

Ông Steiner nói: “Nhằm ngăn chặn Mỹ tìm cớ quay trở lại Afghanistan và tái sử dụng một căn cứ không quân có vị trí gần với chương trình vũ khí hạt nhân của Trung Quốc… Không ngoa khi nói rằng ĐCSTQ muốn chiếm đóng nơi này [Bagram] càng sớm càng tốt”.

Cũng theo ông Steiner, việc phát triển “một trung tâm giao thông vận tải” có thể là một “kịch bản lưỡng dụng” hoàn hảo để ĐCSTQ chiếm đóng căn cứ không quân này. Cảng vụ Gwadar của Pakistan là một ví dụ điển hình ở Nam Á. Cảng này nằm dưới sự kiểm soát hành chính của Bộ Hàng hải Pakistan nhưng do China Overseas Port Holding của Trung Quốc điều hành.

Ý tưởng có được một trung tâm hàng không nằm trong đất liền ở Afghanistan sẽ là một “bước đi sáng giá của Bắc Kinh”. Đó là chiến thuật chơi cờ vua của người Trung Quốc. Họ di chuyển quân cờ vào một hình vuông trên bàn cờ để ngăn Mỹ di chuyển trở lại vị trí ấy, theo ông Steiner.

Ông nói thêm, để tăng cường liên minh giữa ĐCSTQ và Taliban, Bắc Kinh cũng có thể sử dụng ‘mối đe dọa khủng bố’ làm một cái cớ.

“Họ có thể đề xuất sát cánh cùng Taliban trong việc đối phó với mối đe dọa khủng bố đối với trung tâm hàng không cũng như miền tây Trung Quốc. Thực tế, đó chỉ là cách thức để giành quyền kiểm soát Bagram.

Mặc dù Bagram không phải là một cơ sở quân sự của Trung Quốc, nhưng theo ông Steiner, nơi này có thể dễ dàng được điều hành bởi các thành viên của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA).

Mỹ mất cơ hội làm ăn lớn khi từ bỏ Bagram

ĐCSTQ đã nhận ra những lợi ích kinh tế và hậu cần to lớn khi nắm quyền kiểm soát Bagram.

Ông Steiner cho hay, “nếu Trung Quốc giành được một trung tâm hàng không ở Afghanistan, nơi này có thể được coi là một địa điểm phục vụ vận chuyển hàng không. Các nhà thầu kinh doanh hoặc thậm chí các thành viên của PLA có thể đến hoặc đi từ Afghanistan; hoặc các khoáng sản có giá trị có thể được chuyển đi từ đây”.

Trong một bài đăng vào tháng 8/2021 trên New York Times, Zhou Bo, người từng là đại tá cấp cao trong PLA từ năm 2003 - 2020, đã viết: “Với việc Mỹ rút quân, Bắc Kinh có thể cung cấp những gì Kabul cần nhất: Sự công bằng trong chính trị và đầu tư kinh tế”. Ông Zhou Bo sau đó bình luận về các mỏ khoáng sản chưa được khai thác ước tính khoảng 1 nghìn tỷ USD của Afghanistan, bao gồm các kim loại như cobalt, đồng, sắt, và lithium.

Mỹ từ bỏ căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan giúp Trung Quốc hưởng lợi, Mỹ mất đi lợi thế địa lý chiến lược và nhiều cơ hội phát triển kinh tế vào tay Trung Quốc khi từ bỏ Bagram, Mỹ thiệt hại như thế nào khi từ bỏ Bagram?
Các công nhân tại một nhà máy của Xinwangda Electric Vehicle Battery, công ty sản xuất pin lithium cho ô tô điện và các mục đích sử dụng khác, ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, phía đông Trung Quốc, ngày 12/03/2021. (Ảnh: STR / AFP qua Getty Images)

Lithium là nguyên liệu chính để sản xuất nhiều loại pin, bao gồm pin cho ô tô điện. Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu Năng lượng Mỹ, “Trung Quốc hiện thống trị thế giới trong việc sản xuất pin thế hệ mới để sử dụng cho xe điện và hầu hết các thiết bị điện tử tiêu dùng di động như điện thoại di động và máy tính xách tay”.

Vị thế thống trị chuỗi cung ứng pin lithium của Trung Quốc đang được củng cố. Ví dụ, công ty Lithium Ganfeng của Trung Quốc, nhà sản xuất lithium hàng đầu thế giới, gần đây đã ký hợp đồng 3 năm để cung cấp các sản phẩm pin lithium cho nhà sản xuất ô tô điện Tesla.

Với cơ hội làm ăn lớn như vậy liên quan đến lithium và các mỏ khoáng sản khác, Bắc Kinh rất muốn hoạt động lâu dài ở Afghanistan. Theo chuẩn tướng nghỉ hưu Don Bolduc, ĐCSTQ có thể tốn ít công sức hơn khi làm việc với chính quyền Taliban để đạt được những gì Đảng này mong muốn.

“Tất cả những gì Trung Quốc muốn là các nguồn tài nguyên để duy trì hoạt động trục lợi trên toàn cầu của họ — và miễn là họ được cấp cơ hội để có được những nguồn tài nguyên đó”, ông Bolduc nói. “Rất có thể họ sẽ trả tiền hoặc nói bất cứ điều gì cần thiết để có được chúng”.

Mỹ lờ đi việc đàm phán về Bagram

Theo ông Steiner và ông Bolduc, việc duy trì quyền kiểm soát Sân bay Bagram cũng rất quan trọng. ĐCSTQ biết điều ấy. Ông Bolduc cho hay, sự hiện diện tối thiểu của quân đội Hoa Kỳ có thể giúp củng cố hòa bình ở Afghanistan và ở khắp khu vực; đồng thời kiềm chế ảnh hưởng của ĐCSTQ. “Và tại sao không sử dụng một khu vực đã được sử dụng trong 20 năm làm cơ sở hoạt động để duy trì dấu ấn trong khu vực?” ông đặt câu hỏi.

Trong các cuộc đàm phán của Mỹ với Taliban, Mỹ đáng ra phải cố gắng “duy trì kiểm soát một địa điểm, ví dụ như Bagram. Đây là điều Mỹ đã được thực hiện ở miền bắc Syria và Iraq”.

Điều này không có gì lạ, vì hàng trăm binh sĩ Mỹ vẫn đang được triển khai trên khắp thế giới trong các cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Theo ông Bolduc, điều này đáng lẽ phải được thúc đẩy trong quá trình đàm phán, bởi vì đó thực sự là cách duy nhất mà Mỹ có thể làm để đảm bảo rằng Taliban không tái diễn khủng bố; và Afghanistan không trở thành nơi trú ẩn an toàn cho khủng bố”.

Chi Anh

Theo The Epoch Times

Thế giới Mỹ


BÀI CHỌN LỌC

Mỹ từ bỏ căn cứ không quân Bagram ở Afghanistan: Trung Quốc hưởng lợi