Thiếu kali có nguy hiểm ra sao? 4 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu kali

Giúp NTDVN sửa lỗi

So với các chất dinh dưỡng khoáng chất như canxi, sắt, kẽm, selen, kali không được nhiều người chú ý, nhưng điều đó không có nghĩa là nó không quan trọng.

Kali quan trọng như thế nào và tại sao hạ kali máu có thể dẫn đến đột tử?

Kali là một trong những nguyên tố vi lượng thiết yếu cho cơ thể con người, là chất điện giải duy trì chức năng sinh lý bình thường. Kali có trong tế bào và cơ bắp. Đồng thời, kali cũng có trong các cơ quan quan trọng như tim, gan, thận và có tác dụng cân bằng dịch cơ thể, chuyển hóa tế bào bình thường và ổn định huyết áp.

Thông thường, khi chức năng thận tương đối bình thường, nồng độ kali trong huyết thanh của người lớn được duy trì trong khoảng từ 3,5 đến 5,5 mmol/L, natri và kali trong cơ thể ở trạng thái cân bằng. Khi nồng độ kali trong huyết thanh thấp hơn 3,5 mmol/L, được coi là hạ kali máu.

Hầu hết các bệnh nhân hạ kali máu không có triệu chứng rõ ràng trên lâm sàng, nhưng khi tình trạng nặng (nồng độ kali trong huyết thanh dưới 2,5 mmol/L), bệnh nhân có thể bị đau cơ, thậm chí tắc ruột, rối loạn nhịp tim, liệt cơ hô hấp, nặng có thể dẫn đến tử vong.

Theo Phó Giám đốc Khoa Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Bắc Kinh, Đại học Y khoa Thủ đô, bác sĩ Wu Yongquan cho biết, khi nồng độ quá thấp, lượng kali đi vào tế bào sẽ giảm, chức năng tim sẽ bị rối loạn, dẫn đến rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong.

Vì sao người cao tuổi dễ bị thiếu kali?

Theo số liệu thống kê, người cao tuổi có lượng kali trong cơ thể ít hơn người trẻ khoảng 1/5. Có ba lý do chính khiến người cao tuổi dễ bị thiếu kali:

1. Chức năng tiêu hóa suy giảm:

Do tuổi tác, hệ tiêu hóa của người cao tuổi suy yếu, chức năng hấp thu kém, dẫn đến lượng kali nạp vào cơ thể không đủ.

Một số người cao tuổi mắc các bệnh về hệ tiêu hóa như viêm đại tràng mãn tính, tiêu chảy kéo dài cũng sẽ làm mất kali đáng kể.

2. Ảnh hưởng của thuốc:

Nhiều người cao tuổi mắc các bệnh mãn tính cần sử dụng thuốc lợi tiểu trong thời gian dài. Uống các loại thuốc này cũng lấy đi một lượng lớn kali khi tiểu tiện, dẫn đến tình trạng thiếu kali.

Bệnh nhân đái tháo đường sử dụng insulin trong thời gian dài cũng có thể khiến kali di chuyển qua màng tế bào, làm giảm kali ngoại bào.

3. Mất cân bằng nội môi:

Chức năng thận của người cao tuổi suy giảm, khả năng điều chỉnh cân bằng nội môi kém, dễ dẫn đến rối loạn điện giải, bao gồm cả thiếu kali.

4 dấu hiệu cảnh báo thiếu kali ở người trung niên

Khi cơ thể thiếu kali, một loạt các triệu chứng bất thường sẽ xuất hiện. Nếu bạn có những triệu chứng sau, hãy cẩn thận!

1. Chuột rút và yếu cơ

Nồng độ kali thấp có thể khiến cơ bắp hoạt động quá mức, dẫn đến co thắt và chuột rút bất thường, thường xảy ra ở ngón tay, chân và bụng.

Đồng thời, hạ kali máu cũng khiến cơ bắp không được cung cấp đủ năng lượng, dẫn đến cảm giác yếu ớt bất thường, dễ mệt mỏi và suy nhược khi hoạt động.

2. Rối loạn tiêu hóa

Hạ kali máu cũng có thể gây khó chịu cho đường tiêu hóa, dẫn đến buồn nôn, nôn mửa, đầy hơi và chán ăn.

Khi lượng thức ăn nạp vào cơ thể giảm, nó sẽ càng ảnh hưởng đến việc hấp thu dinh dưỡng của cơ thể, tạo thành vòng luẩn quẩn.

3. Tim đập nhanh và loạn nhịp

Kali đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì nhịp tim bình thường. Khi nồng độ kali thấp, tim có thể đập nhanh hơn và không đều, gây ra các triệu chứng như hồi hộp, đánh trống ngực.

4. Tăng huyết áp

Kali có tác dụng hạ huyết áp. Khi thiếu kali, huyết áp có thể tăng lên, đây là một yếu tố nguy cơ cao dẫn đến các bệnh tim mạch.

Theo Song Yun - Aboluowang
Bảo Vy biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Thiếu kali có nguy hiểm ra sao? 4 dấu hiệu cho thấy cơ thể đang thiếu kali