‘Tiêu diệt’ sinh kế truyền thống của nông dân vì môi trường: Hà Lan có trở thành Sri Lanka thứ hai?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Là quốc gia xuất khẩu nông nghiệp lớn thứ hai toàn cầu, Hà Lan đang đứng trước cuộc khủng hoảng chính sách nông nghiệp tồi tệ khi chăn nuôi truyền thống bị đổ lỗi cho việc tạo ra khí thải Nitơ và Amoniac, buộc người nông dân phải giảm đàn gia súc tới 95%. Biểu tình, đổ máu đã diễn ra. Triển vọng trở thành Sri Lanka của Châu Âu của Hà Lan dù còn xa nhưng là có thể bởi cả hai cùng đi trên một con đường của Chủ nghĩa toàn cầu. Nạn đói dường như đang được tạo ...

Cuộc chiến của nông dân Hà Lan chống lại chính sách buộc phải giảm 95% đàn gia súc để “chống biến đổi khí hậu” không chỉ là cuộc chiến sống còn vì sinh kế của họ. Chính sách như vậy có nguy cơ lan khắp thế giới nếu nơi khởi đầu chấp nhận nó. Thực phẩm thiên nhiên trên bàn ăn của chúng ta sẽ bị thay thế hoàn toàn bởi thịt nhân tạo của các tỷ phú như Bill Gates. Cuộc chiến của nông dân Hà Lan không phải là cuộc chiến của riêng họ…

Một vụ xung đột ở tỉnh Friesland của Hà Lan vào tối ngày 5/7. Cảnh sát đã xả súng vào một nhóm nông dân được cho là đang điều khiển máy kéo đâm vào các sĩ quan và phương tiện của họ để vượt qua một khu vực bị phong tỏa và lên đường cao tốc.

Một máy kéo bị trúng đạn và ba vụ bắt giữ đã được thực hiện. Đây chỉ là một sự kiện nóng bỏng trong số vô số các chiến dịch có hàng chục nghìn người biểu tình mà giờ đây đã trở thành cuộc đọ sức quốc tế giữa nông dân và các cơ quan quản lý môi trường với những tác động lịch sử và toàn cầu.

Sơ lược câu chuyện

Các cuộc biểu tình của nông dân Hà Lan bắt đầu bằng một cuộc biểu tình đầu tiên ở Hà Lan vào ngày 1/10/2019 để phản ứng lại luật giảm phát thải carbon mới có tác động không cân đối đến nông dân.

Sau đó, vào ngày 10/6 năm nay, chính phủ Hà Lan đã công bố các biện pháp cực đoan hơn nhắm trực tiếp vào ngành nông nghiệp. "Các trang trại bên cạnh khu bảo tồn thiên nhiên phải cắt giảm 70% sản lượng nitơ", The Economist đưa tin. “Khoảng 30% đàn bò và lợn của đất nước sẽ phải ra đi, cùng với một phần lớn các trang trại chăn nuôi bò và sữa”.

Nhưng Hà Lan thậm chí còn tiến xa hơn, gấp rút hơn trong xả thải carbon. Quy định mới nhất về môi trường của Hà Lan yêu cầu nông dân Hà Lan phải cắt giảm tới 95% số lượng gia súc. Trong khi đó, cơ sở khoa học của các quy định mới này tỏ ra không xác đáng và còn nhiều vấn đề. Theo một chính trị gia Hà Lan, thực chất nông dân Hà Lan, những người có lịch sử gắn bó sâu sắc với đất đai, đang phải chiến đấu chống lại kế hoạch Tái lập vĩ đại của những người ủng hộ chủ nghĩa toàn cầu.

Buộc phải cắt giảm 95% gia súc, nông dân Hà Lan chiến đấu chống lại Tái lập vĩ đại
Nông dân chăn nuôi bò sữa Hà Lan Martin Neppelenbroek tại trang trại của mình ở Lemelerveld, Hà Lan, vào ngày 07/07/2022. (Ảnh: The Epoch Times)

Để phản ứng với luật mới này, khoảng 40.000 nông dân Hà Lan đã biểu tình bên ngoài các tòa nhà chính phủ và nhà của các bộ trưởng và lái hàng trăm máy kéo phong tỏa các trung tâm phân phối thực phẩm bao gồm kho hàng và cửa hàng tạp hóa. Trong suốt tháng Bảy, phong trào này đã lan sang Đức, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan và các quốc gia khác, mỗi nước đều có nông dân xuống đường phản đối các biện pháp của chính phủ họ khi muốn giảm quy mô và sản lượng của ngành nông nghiệp.

Xoá sổ nền nông nghiệp lớn thứ hai toàn cầu?

Hà Lan, là nước xuất khẩu hàng hóa nông nghiệp lớn thứ hai thế giới sau Hoa Kỳ, nằm trong số các trung tâm canh tác năng suất nhất trên Trái đất nhưng cũng là một trong những nước gây ô nhiễm lớn nhất

“Hà Lan đã trở thành một gã khổng lồ về nông nghiệp và cho thấy tương lai của ngành nông nghiệp sẽ như thế nào”, theo một bài báo của National Geographic có tiêu đề “Quốc gia nhỏ bé này cung cấp nguồn thức ăn cho thế giới”. Nhưng như phóng sự của Economist, "Hà Lan là nước gây ô nhiễm nitơ lớn nhất ở EU".

Các động vật trang trại có khả năng sẽ sớm bị kiểm soát để không tồn tại việc tạo ra phân trộn với nước tiểu và thải ra hợp chất nitơ amoniac. Điều này có thể gây hại cho động vật hoang dã và phá vỡ các hệ sinh thái nhạy cảm khi nó rò rỉ ra các sông và hồ gần đó.

Nhưng đơn giản là không có phương pháp nào khác được biết đến để tạo ra sản lượng nông nghiệp dồi dào như vậy với các nguồn lực sẵn có cho nông dân Hà Lan. Vì vậy, đây là sự cân bằng giữa một mặt bảo vệ các hệ sinh thái nhạy cảm và mặt khác là duy trì một ngành nông nghiệp Hà Lan phát triển mạnh, có thể hỗ trợ người lao động của mình trong khi cung cấp cho thị trường những sản phẩm có giá cả phải chăng nhất.

Từ năm 2014 đến năm 2019, số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng đã tăng gần gấp đôi lên hơn 90 triệu người ở Mỹ Latinh và Caribe. Khoảng một phần ba số người Venezuela bị mất an ninh lương thực, trong khi 50% trẻ em dưới 5 tuổi của họ có dấu hiệu suy dinh dưỡng.(Ảnh: Chepko Danil / Adobe Stock)

“Chúng ta phải chuyển khỏi mô hình sản xuất lương thực chi phí thấp”, Nghị sĩ Tjeerd de Groot của đảng Đảng Dân chủ 66, một phần của chính phủ liên minh Hà Lan cho biết. “Đã đến lúc khôi phục thiên nhiên, khí hậu và không khí, và trong một số khu vực có thể có nghĩa là không còn chỗ cho nông dân thâm canh ở đó”.

Và theo DutchNews.nl, "Nông nghiệp Hà Lan phải trở nên kém hiệu quả hơn rất nhiều hoặc môi trường sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, các nhà khoa học môi trường nông nghiệp nói".

Lâm vào đường cùng

Tại Hà Lan, nông dân sản xuất sữa Martin Neppelenbroek đang lâm vào đường cùng. Các quy định mới về môi trường sẽ yêu cầu ông Neppelenbroek phải cắt giảm 95% số lượng gia súc. Ông ấy nghĩ rằng ông sẽ phải bán trang trại của gia đình mình.

“Tôi không thể vận hành một trang trại chỉ với 5%. Đối với tôi, mọi việc đã chấm dứt và kết thúc”, ông Neppelenbroek nói trong một cuộc phỏng vấn ngày 07/07 với The Epoch Times.

“Theo các quy định, tôi không thể bán nó [trang trại] cho bất kỳ ai. Không ai muốn mua nó. [Nhưng] chính quyền muốn mua nó. Và đó là lý do tại sao họ [có] những quy định đó, tôi nghĩ vậy”.

Ông Neppelenbroek đã đưa ra nhận xét khi nói chuyện với ông Roman Balmakov, người dẫn chương trình "Facts Matter" (Sự thật là quan trọng) trên EpochTV, trong chuyến đi gần đây của ông Balmakov đến Hà Lan.

Nông dân chăn nuôi bò sữa Hà Lan Martin Neppelenbroek tại trang trại của mình ở Lemelerveld, Hà Lan, vào ngày 07/07/2022. (Ảnh: The Epoch Times)

Ông Neppelenbroek chỉ ra rằng không phải tất cả nông dân đều phải loại bỏ một lượng lớn đến vậy gia súc của họ.

Những người sống xa các khu vực được bảo vệ theo Natura 2000, một hiệp định của Liên minh châu Âu (EU) về bảo tồn các loài và môi trường sống, có thể sở hữu nhiều gia súc hơn.

Đó là bởi vì các quy định của chính quyền Hà Lan về oxit nitơ và phát thải amoniac được áp dụng cho các vùng gần các khu vực bảo vệ trên.

Nông dân, tài xế xe tải và những người khác trên khắp Hà Lan đã tham gia các cuộc biểu tình trên toàn quốc chống lại các mục tiêu môi trường đó. Chính quyền Hà Lan đã đưa ra một kế hoạch cho toàn quốc gia và khu vực cụ thể vào ngày 10/06 nhằm giảm phát thải khí nhà kính nitơ.

Những người nông dân đang phải đối mặt với một mối nguy nếu không tuân thủ quy định: khả năng bị chính quyền cưỡng ép tịch thu tài sản.

NOS Nieuws đưa tin rằng bà Christianne van der Wal, Bộ trưởng Tự nhiên và Chính sách Nitơ của Hà Lan, đã không loại trừ việc trưng thu đất từ ​​những người nông dân bất hợp tác.

Theo một báo cáo từ Cục Dịch vụ Nông nghiệp Nước ngoài của Bộ Nông nghiệp Mỹ, chính quyền Hà Lan cho biết cách tiếp cận của họ không thể đảm bảo tương lai cho tất cả nông dân Hà Lan.

Hiện tại, trang trại rộng hơn 70 mẫu Anh của ông Neppelenbroek có khoảng 130 con bò sữa. Trang trại của gia đình ông đã tồn tại trong nửa thế kỷ.

“Tôi là thế hệ thứ hai,” ông ấy nói và nói thêm rằng nhiều trang trại ở Hà Lan đã tồn tại trong các gia đình với thời gian lâu hơn nữa.

Người Hà Lan làm tốt hơn nhiều so với mức được kỳ vọng trong lĩnh vực nông nghiệp. Quốc gia nhỏ bé ven biển này là một trong 10 nhà xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới.

Ông Neppelenbroek nói: “Khi bạn không có nhiều không gian, bạn phải sử dụng nó một cách hiệu quả nhất có thể". “Đây là một vùng châu thổ, và khí hậu không quá nóng, không quá lạnh. Đây là một nơi lý tưởng để nuôi trồng".

Ông Neppelenbroek thừa nhận rằng bò tạo ra rất nhiều amoniac thông qua chất thải cơ thể của chúng.

Tuy nhiên, “bạn không thể đổ lỗi cho chỉ một nhóm nhỏ ở quốc gia của bạn vì đã gây ô nhiễm môi trường”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng nông dân cảm thấy họ đang bị gây áp lực quá lớn.

Ông lập luận rằng việc đóng cửa các trang trại ở Hà Lan sẽ chỉ dẫn tới việc phải nhập khẩu thực phẩm từ nơi khác.

Ông lưu ý rằng phân bò có thể có lợi cho tình trạng sức khỏe của đất - chắc chắn nhiều hơn so với các loại phân tổng hợp cần dùng để thay thế nó.

Bò cũng có thể được cho ăn thức ăn thừa mà con người không ăn: “Chúng có thể giúp loại bỏ rất nhiều thứ mà chúng ta không thể sử dụng theo cách của con người…”, ông nói.

Giống như nhiều người khác ở Hà Lan, ông Neppelenbroek nghi ngờ chính quyền muốn sử dụng đất thu được để xây dựng nhà ở.

‘Tiêu diệt’ sinh kế truyền thống của nông dân vì môi trường: Hà Lan có trở thành Sri Lanka thứ hai

Vài năm trước khi sụp đổ và hỗn loạn như bây giờ, chính quyền Sri Lanka đã bắt đầu nghe theo lời khuyên về các chính sách xanh theo hướng cấp tiến đi ngược lại tăng trưởng. Họ đã đặt cược mọi thứ vào kế hoạch này - đến mức Sri Lanka đã trở thành một trong những nền kinh tế có điểm ESG (môi trường / xã hội / quản trị) cao nhất trên thế giới. Theo tuyên truyền của Chủ nghĩa toàn cầu (trong đó bao gồm cả Chủ nghĩa môi trường), nhờ điểm ESG cao như vậy, Sri Lanka sẽ giúp cứu hành tinh này và trở nên giàu có và vững mạnh trong quá trình thực hiện việc đó.

Sri Lanka đã tự chủ về sản xuất lương thực cho đến năm 2021. Tổng thống khi đó là Gotabaya Rajapaksa đã ban hành lệnh cấm đối với tất cả phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp nhằm thúc đẩy “nông nghiệp hữu cơ”.

Các chính phủ đang thúc đẩy nông nghiệp hữu cơ một cách cực đoan, Cảnh báo về nạn đói
Một nông dân chuẩn bị gieo hạt lúa, ở Biyagama, ngoại ô Colombo, Sri Lanka, hôm 21/10/2020. (Ảnh: Ishara S. Kodikara / AFP qua Getty Images)

Sản lượng gạo, một loại lương thực chính ở Sri Lanka, đã giảm từ 40 đến 50% trên toàn quốc. Giá thực phẩm tăng hơn 80% và hiện đang thiếu hụt trầm trọng, dẫn đến tình trạng thiếu dinh dưỡng và thiếu ăn lan rộng.

Ông Michael Shellenberger, một nhà phân tích tự do chuyên về các vấn đề môi trường, đã giải thích trên blog của mình về điều đã xảy ra. Ông nói rằng các nhà lãnh đạo Sri Lanka “bị mê hoặc bởi giới tinh hoa xanh phương Tây đang rao bán nông nghiệp hữu cơ và ‘ESG’". Các nhà lãnh đạo Sri Lanka đã hoàn toàn tin tưởng vào những câu chuyện hoang đường rằng sẽ không có rắc rối gì với canh tác hữu cơ và thuốc trừ sâu và phân bón là rất nguy hiểm.

Những người ủng hộ môi trường đã có được những gì họ mong muốn. “Sri Lanka có điểm ESG gần như hoàn hảo (98), cao hơn Thụy Điển (96) hay Mỹ (51)”, theo ông Shellenberger. Nhưng Sri Lanka cũng đồng thời không thể nuôi sống người dân của nó và đã cạn kiệt gần như tất cả mọi thứ.

Hiện đất nước đang áp dụng luật tình trạng khẩn cấp, và thực phẩm đang được chuyển đến để ngăn chặn tình trạng đói ăn hay thậm chí là nạn đói. Mức sống đã giảm một nửa hoặc hơn đối với hầu hết các cư dân. Nhiều thập kỷ phát triển kinh tế đã bị xóa sổ.

Cuộc khủng hoảng lương thực đang diễn ra ở Sri Lanka là một màn đặc biệt ghê rợn cho thấy kết quả của việc áp dụng các quy định canh tác nghiêm ngặt có thể gây ra thảm họa như thế nào. Khoảng 90% các gia đình Sri Lanka đang bỏ bữa do tình trạng thiếu lương thực phổ biến và lạm phát giá lương thực khoảng 60%.

Hà Lan cũng đang đi trên con đường như vậy, mê hoặc bởi ESG, sẵn sàng phá huỷ cân bằng truyền thống, bất chấp an ninh lương thực, nạn đói đe doạ toàn cầu, cứu vớt thế giới đang nóng lên bất chấp cái đói của nông dân Hà Lan hay của nhân loại toàn cầu.

Dĩ nhiên, khác với Sri Lanka một chút. Sự sụp đổ của Hà Lan, nếu đi trên con đường này, thì còn rất lâu. Bởi vì nền kinh tế Hà Lan và hầu hết nông dân Hà Lan có kho bạc đủ sâu để họ có thể không phải gánh chịu hậu quả ngay lập tức từ tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng mà nhiều nước nghèo đang phải trải qua. Thay vào đó, họ sẽ phải cắt giảm những thứ xa xỉ trong chất lượng cuộc sống và tương lai của con cái họ theo những cách khác, cũng như hầu hết những người Mỹ phải chịu giá cửa hàng tạp hóa sẽ tăng do xuất khẩu nông sản của Hà Lan trở nên khan hiếm hơn. Nhưng khan hiếm sản xuất và tăng giá có thể sẽ đồng nghĩa với việc đói ngay lập tức đối với nhiều người cận biên ở những nơi như Sri Lanka và Mỹ Latinh.

Kết luận logic

Tác giả Saul Zimet, trong bài báo có tiêu đề "Why the Dutch Farmer Protest Is Your Cause, Too" của Fee Organization, tin tưởng rằng cuộc chiến đấu của nông dân Hà Lan không phải cho một mình lợi ích của họ. Đó là cuộc chiến đấu của tất cả nhân loại còn tỉnh táo trước mối đe doạ an ninh lương thực toàn cầu. Bài phân tích chỉ ra sự thất bại của mô hình ESG mà Sri Lanka theo đuổi: điểm ESG cao nhất, nhưng nó tạo ra đói khát kinh hoàng cho dân tộc này chứ không phải là thịnh vượng như Chủ nghĩa cấp tiến toàn cầu quảng bá. Và bài báo kết luận sau:

"Như một số nông dân đã chỉ ra, có một trường hợp đã chứng tỏ rằng việc thúc đẩy tiến bộ nông nghiệp thay vì cản trở nó cuối cùng sẽ có tác động môi trường tốt hơn chứ không phải tệ hơn. Điều này là nhờ đổi mới tốt hơn chứ không phải làm giảm tác động sẽ chứng minh con đường rõ ràng nhất để đạt được sự bền vững. Và đổi mới đòi hỏi phải có vốn để đầu tư vào các quy trình và thử nghiệm mới.

“Ô tô rất ô nhiễm nhưng họ có cơ hội làm cho ô tô ít ô nhiễm hơn nhờ sự đổi mới. Đó là những gì chúng ta muốn”, người sáng lập đảng nông dân Hà Lan Nghị sĩ Caroline van der Plas giải thích. Và những cải tiến đối với tính bền vững của ô tô là mẫu mực cho quy tắc này, không phải là ngoại lệ.

Lịch sử tạo ra của cải công nghiệp và các tác động đến môi trường của nó cho thấy một cách nhất quán rằng sự giàu có mới này có xu hướng cải thiện khả năng của con người để thích ứng với một môi trường thay đổi ít nhất là khi những thay đổi môi trường tương ứng là liên quan đến vấn đề đối với phúc lợi con người. Các bộ dữ liệu kinh tế được gọi là đường cong Kuznets cho thấy rằng, ít nhất là trong thời hiện đại, những người chết đói tập trung vào mối quan tâm ngắn hạn về việc sống sót thêm một tháng nữa thực sự có xu hướng hủy hoại môi trường của họ nhiều hơn những người tương đối giàu có đủ khả năng đầu tư vào phúc lợi lâu dài.

Vậy làm thế nào để quyết định xem tiến bộ nông nghiệp có xứng đáng với chi phí của nó trong việc phá vỡ hệ sinh thái hay không? Câu trả lời trở nên rõ ràng hơn khi bạn đưa hai mục tiêu đối lập nhau vào kết luận logic của chúng.

Nông nghiệp sẽ luôn phá vỡ hệ sinh thái và gây ô nhiễm, nhưng nếu nó được phép phát triển, nó cũng có thể bù đắp điều đó bằng cách tiếp tục cải thiện thông qua đổi mới như nó đã từng làm vậy qua nhiều thế kỷ, và bằng cách làm cho loài người đủ giàu có để chịu đựng một loạt các điều kiện môi trường tiềm năng ngày càng mở rộng, điều này dù sao vẫn sẽ cần thiết.

Ngược lại, câu chuyện hạn chế và giảm khả năng sản xuất lương thực của ngành nông nghiệp, có thể là ngành quan trọng nhất của con người, sẽ không có kết thúc tốt đẹp. Nền văn minh lương thực càng ít thì khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu thay đổi càng ít. Và vì nông nghiệp sẽ luôn ảnh hưởng đến môi trường của nó, nên mục tiêu giảm thiểu tác động đến môi trường của nông nghiệp và các hoạt động công nghiệp khác là một mục tiêu sẽ không bao giờ hoàn thành cho đến khi tất cả mọi người đều chết đói.

Thay đổi sinh thái là một thực tế sinh học không đổi - nhưng con người vẫn phải được ăn uống đầy đủ chắc chắn là không. Và điều đó đã không thay đổi trong thời hiện đại, như đã được chứng minh qua lịch sử thế kỷ 20 về những vụ chết đói hàng loạt do quy hoạch tập trung gây ra ở những nơi như Trung Quốc, Campuchia Liên Xô.

Nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Friedrich Hayek đã từng viết rằng: "Nhà nước càng 'lập kế hoạch' thì việc lập kế hoạch càng trở nên khó khăn hơn đối với cá nhân". Việc chính phủ Hà Lan ngăn cản nông dân trồng lương thực là một ví dụ điển hình cho điều này. Nó sẽ làm cho việc lập kế hoạch ngân sách, nghề nghiệp và sinh kế trở nên khó khăn hơn đối với những người nông dân đang bị chịu theo quy định đó, nhưng nó có khả năng sẽ làm cho việc lập kế hoạch trở nên khó khăn hơn đối với các cá nhân trên toàn thế giới".

Bài viết chỉ phản ánh quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của NTDVN.

Thuỷ Tiên



BÀI CHỌN LỌC

‘Tiêu diệt’ sinh kế truyền thống của nông dân vì môi trường: Hà Lan có trở thành Sri Lanka thứ hai?