Tìm thấy răng cá mập Megalodon 3,5 triệu năm tuổi dưới đáy biển sâu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một con cá mập rụng tới 40.000 chiếc răng trong suốt cuộc đời - và Megalodon, loài săn mồi vĩ đại nhất trong số đó, cũng không ngoại lệ.

Khi loài vật đáng sợ này lang thang khắp các đại dương trên thế giới vào khoảng 4 đến 20 triệu năm trước, chúng đã rụng những chiếc răng mà hiện vẫn còn xuất hiện trên bờ biển, bám trên xương cá voi hoặc nổi lên từ những vùng đất ngập nước trước đây.

Nhưng cho đến nay, chưa có chiếc răng nào được phát hiện ngay tại dưới đáy biển, nơi mà chúng đã rơi ra vào hàng triệu năm trước.

Một nhóm các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra điều như vậy gần đây: một chiếc răng Otodus megalodon hóa thạch nằm dưới đáy đại dương, cách bề mặt khoảng 3.000 mét, giữa Thái Bình Dương rộng lớn.

Khi xem đoạn phim từ một chiếc tàu lặn hoạt động từ xa, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra chiếc răng nhô lên khỏi cát, như thể nó vừa rơi xuống chỉ vài phút trước đó.

Sau khi kiểm tra trên đất liền, họ phát hiện ra chiếc răng cổ đại có đầu bị gãy và các cạnh răng cưa sắc nhọn gần giống như thời điểm nó cắt qua thịt tươi.

Người ta biết đến vóc dáng đáng sợ của Megalodon, đủ lớn để ăn thịt cá mập ngày nay chỉ trong vài vết cắn, chủ yếu nhờ những chiếc răng có thể to bằng bàn tay con người, và các đốt sống rải rác. Không giống như những mảnh xương cứng chắc này, phần mô mềm và sụn của O. megalodon đã không còn tồn tại kể từ khi loài quái vật này tuyệt chủng cách đây 3,6 triệu năm.

Chiếc răng được tìm thấy ở một địa điểm hẻo lánh phía tây nam Hawaii, cách tiền đồn quân sự Hoa Kỳ có tên Johnston Atoll vài trăm km, bên rìa một “sa mạc” đại dương, một khu vực thiếu oxy dưới đại dương.

Các nhà nghiên cứu trên Tàu thám hiểm (EV) Nautilus đã khảo sát khu vực để hiểu thêm về địa chất và sinh học dưới đáy biển sâu.

Tyler Greenfield, nhà cổ sinh vật học tại Đại học Wyoming, giải thích: “Có những khu vực dưới đáy biển, đặc biệt là các lưu vực đại dương sâu cách xa đất liền, nơi có rất ít hoặc không có sự lắng đọng trầm tích trong thời gian dài”.

Greenfield nói thêm: “Cũng có khả năng răng bị mòn đi và tái tạo thành các trầm tích mới hơn, nhưng điều đó có lẽ đã không xảy ra trong trường hợp này”.

Chiếc răng được tìm thấy trên đỉnh của một rãnh, nơi dòng hải lưu được cho là đủ mạnh để ngăn trầm tích tích tụ. Mép răng cưa của chiếc răng cũng được bảo quản đặc biệt tốt.

Tuy không phải là lớn nhất, nhưng chiếc răng mới được phát hiện đã bổ sung thêm vào số lượng ngày càng tăng các mẫu vật của megalodon trên khắp các đại dương.

Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Historical Biology: An International Journal of Paleobiology.

Theo Science Alert



BÀI CHỌN LỌC

Tìm thấy răng cá mập Megalodon 3,5 triệu năm tuổi dưới đáy biển sâu