Trà sữa: Thức uống ‘quyến rũ’ có thể gây suy thận

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàm lượng đường quá cao trong trà sữa không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh tiểu đường, mà còn có thể dẫn đến tăng hàm lượng acid uric trong máu.

Bệnh viện tiếp nhận một bệnh nhân nữ 28 tuổi bị suy thận cấp thứ phát do tăng acid uric máu. Khi nhập viện, nồng độ acid uric trong máu và giá trị creatinin của cô đều rất cao, buộc cô phải chạy thận nhân tạo.

Các bác sĩ nhận định nồng độ acid uric máu của cô đã tăng trong một thời gian dài. Nhưng làm thế nào điều này có thể xảy ra khi bệnh nhân vẫn còn rất trẻ?

Khi hỏi bệnh sử, bác sĩ nhận thấy cô uống trà sữa gần như mỗi ngày, và nó đã diễn ra từ khi cô còn là học sinh ở tuổi thiếu niên.

Trà sữa có thể gây tổn thương thận

Trà sữa là một thức uống được các cửa hàng đồ uống tại Đài Trung (Đài Loan) phát triển vào những năm 1980. Nó được chia thành hai loại: trà tạo hương vị từ hoa quả và trà sữa. Loại trà này có thể sử dụng các loại kem từ sữa hoặc không từ sữa.

Đến nay, thức uống này đã có mặt ở nhiều quốc gia Châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Singapore, Philippines và Hồng Kông. Thậm chí, trà sữa cũng khá phổ biến ở Châu Âu, Canada và Hoa Kỳ.

Nhờ đa dạng các chủng hương vị, trà sữa rất được giới trẻ yêu thích. Mặc dù vậy, nó cũng khiến không ít người bị nghiện.

Trà sữa được tạo ra bằng cách pha trộn giữa trà và sữa, thêm vào đó rất nhiều đường và hương liệu. Đây cũng là lý do vì sao nó có mùi thơm và vị ngọt.

Tuy nhiên, nạp quá nhiều đường vào cơ thể sẽ làm tăng nồng độ acid uric, từ đó dẫn đến nguy cơ tăng acid uric trong máu theo thời gian.

Hậu quả của tình trạng tăng acid uric máu trong thời gian dài là gì? Nó có thể dẫn đến bệnh Gout và tổn thương thận.

Quan trọng hơn, hầu hết bệnh nhân đều không có triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu. Về mặt lâm sàng, chỉ khoảng 20% ​​những người bị tăng acid uric máu xuất hiện các triệu chứng đáng kể.

Vì vậy, có không ít trường hợp bệnh nhân chỉ phát hiện triệu chứng khi bệnh trở nặng và biến chứng thành suy thận cấp.

Ngoài trà sữa, các loại nước ép trái cây, nước có ga và đồ uống có đường khác… dù ngon và kích thích vị giác nhưng cũng không nên uống hàng ngày.

Ba loại thực phẩm nên hạn chế tiêu thụ nhiều

1. Bia

Thạc sĩ, bác sĩ Kiều Quốc Hiền, Trưởng khoa Ngoại chấn thương tại Bệnh viện E, cho biết bệnh nhân Gout đặc biệt nên tránh các thực phẩm, đồ uống chứa nhiều nhân và nấm men, theo Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP.HCM.

Người mắc bệnh Gout nên tối kỵ uống bia, bởi nó có thể gây đau đớn và làm trầm trọng thêm triệu chứng. Nguyên nhân là do bia có bản chất là men tươi, trong đó, bia tươi và bia hơi chứa rất nhiều nấm men.

Nghiên cứu cho thấy, những người uống hai cốc bia mỗi ngày có tỷ lệ mắc bệnh Gout cao gấp 2.5 lần so với người không uống.

Dù rượu không chứa nhiều purin, nhưng chất cồn của nó có thể làm suy giảm chức năng gan thận, gây mất cân bằng chuyển hóa axit uric trong cơ thể. Vậy nên người mắc bệnh Gout vẫn nên hạn chế tối đa.

2. Hải sản

Hàm lượng purin trong hải sản rất cao, ăn nhiều dễ gây bệnh Gout. Ngoài ra, người mắc bệnh Gout ăn hải sản thậm chí sẽ làm triệu chứng nghiêm trọng hơn.

3. Nội tạng động vật

Nội tạng động vật chứa hàm lượng cholesterol và purin rất cao, ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tăng lipid máu và acid uric, đặc biệt đối với những bệnh nhân mắc bệnh tim mạch và tăng acid uric máu thì tốt nhất nên tránh.

Bảo Vy
Theo Secret China



BÀI CHỌN LỌC

Trà sữa: Thức uống ‘quyến rũ’ có thể gây suy thận