Trung Quốc cường điệu hóa nước thải hạt nhân Fukushima, người dân phản ứng theo hai chiều hướng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhật Bản chính thức xả nước thải hạt nhân Fukushima vào ngày 24/8. Bắc Kinh đã thổi phồng sự việc này, khiến người dân tại một số thành phố ở Trung Quốc hoảng loạn mua và tích trữ muối vì lo ngại ô nhiễm nước biển. Tuy vậy cũng có những người phản ứng theo hướng ngược lại, đơn đặt hàng Sashimi tại quán ăn kiểu Nhật ở Trung Quốc tăng gấp đôi. Trên thực tế, hàm lượng chất độc hại trong nước thải mà các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc xả ra biển hàng năm còn cao hơn.

Vào lúc 13h giờ địa phương ngày 24/8, Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ở Nhật Bản đã chính thức bắt đầu xả nước thải hạt nhân ra biển. Lượng nước thải này đã qua xử lý và trở nên vô hại. Trước đó truyền thông chính thống Trung Quốc đã thổi phồng nguy cơ do nước thải hạt nhân mang lại.

Phản ứng 1: Đổ xô mua muối

Sự cường điệu hóa của chính quyền đã khiến một bộ phận người dân Trung Quốc hoảng sợ. Hai ngày qua, người dân một số vùng ở Trung Quốc bắt đầu hoảng loạn mua và tích trữ muối. Đến ngày 24/8, nhiều nơi bùng nổ phong trào mua muối ăn.

Từ các đoạn video được tung lên mạng, có thể thấy tại các siêu thị, nhiều người dân còn chất thùng, chất đống muối ăn và mua về; trong một số siêu thị, các kệ bán muối ăn gần như trống trơn.

Không chỉ các siêu thị lần lượt thông báo hết muối mà nhiều sàn thương mại điện tử cũng ghi chú rằng, muối có hàm lượng natri thấp và muối không i-ốt đang "trong quá trình được bổ sung".

Một người mua sắm trên sàn thương mại điện tử cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Yicai (Đệ nhất Tài chính Kinh tế) của Trung Quốc rằng: "Một phút trước, muối Hema vẫn hiện còn hàng trong kho, khi tôi quét lại thì đã hết hàng".

Theo dữ liệu do Siêu thị Thất Tiên (Qixian) của công ty thương mại điện tử JD.com công bố, kể từ ngày 22/8, doanh số bán muối không i-ốt đã tăng 208% so với tháng trước, còn doanh số bán muối có i-ốt cũng tăng 149%. Hôm 24/8, lượng tìm kiếm và giao dịch thành công mặt hàng muối i-ốt trên các nền tảng thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc đã tăng 322%.

Do doanh số bán muối tăng mạnh trong thời gian ngắn, giá cổ phiếu của nhiều công ty liên quan đến muối cũng bắt đầu tăng vọt.

Phản ứng 2: Vẫn tiếp tục ăn đồ sống của Nhật Bản

Tờ Yicai ngày 24/8 cũng đưa tin, Tổng cục Hải quan Trung Quốc thông báo tạm dừng hoàn toàn việc nhập khẩu thủy sản (bao gồm cả động vật thủy sinh) có xuất xứ từ Nhật Bản kể từ ngày 24/8/2023.

Theo bài báo, hiện tại, các kênh bán lẻ lớn đã đình chỉ việc mua cá ngừ Nhật Bản. Tuy vậy trong lĩnh vực ăn uống, một người kinh doanh nhà hàng cho hay, cùng ngày lượng khách tới gọi Sashimi, đặc biệt là cá hồi và cá ngừ, tăng gấp đôi so với bình thường.

Một nhân viên giấu tên, hiện đang làm tại một quán ăn Nhật ở Thượng Hải, tiết lộ với Đài Á châu Tự do (RFA) rằng hiện tại việc kinh doanh vẫn không bị ảnh hưởng gì.

Hàm lượng chất độc hại trong nước thải điện hạt nhân của Trung Quốc còn cao hơn

Cách đây không lâu, Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc đã công khai cáo buộc 49 cơ sở điện hạt nhân hiện có của Trung Quốc cũng xả nước thải hạt nhân ra biển.

Trong số đó, vào năm 2020, lượng phát thải tritium của Nhà máy điện hạt nhân số 3 Tần Sơn ở tỉnh Chiết Giang lên cao tới khoảng 143 MBq (MegaBecquerel - đơn vị đo độ phóng xạ); lượng phát thải của Nhà máy Dương Giang ở tỉnh Quảng Đông là khoảng 112 MBq; lượng phát thải của Nhà máy Ninh Đức ở tỉnh Phúc Kiến là khoảng 102 MBq; và của Nhà máy Hồng Diên Hà ở tỉnh Liêu Ninh là khoảng 90 MBq.

Hàm lượng tritium do 4 nhà máy điện hạt nhân này thải ra cao hơn nhiều so với lượng thải của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước lân cận khác.

Ngoài ra, tài liệu do Cục An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc công bố năm 2017 cho thấy, chỉ riêng lượng tritium lỏng mà 6 tổ máy của Nhà máy điện hạt nhân Vịnh Đại Á xả ra hàng năm đã gấp 10 lần mức xả hàng năm theo kế hoạch của Fukushima. Tất nhiên, khi nội dung của tài liệu này bị truyền thông nước ngoài đưa tin thì phía chính quyền Trung Quốc đã xóa bỏ nó.

Trong nhiều năm, Trung Quốc luôn phản đối việc xả nước thải hạt nhân Fukushima. Ông Hồ Bình (Hu Ping), tổng biên tập danh dự của tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng chắc chắn có yếu tố kích động chống Nhật khi chính quyền Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ việc Nhật Bản xả nước thải hạt nhân ra biển, nhưng thực chất đây vốn là một vấn đề khoa học.

Ông nói: "Nước thải hạt nhân của Nhật Bản đã được xử lý và được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) phê duyệt. Cần phải nói rằng nó không có hại. Nếu nói về khoa học và tôn trọng khoa học, chúng ta nên biết rằng việc này không phải là vấn đề gì cả. Nhưng Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn luôn gây ồn ào về vấn đề này và kích động chủ nghĩa dân tộc bài ngoại hẹp hòi”.

Theo NTD tiếng Trung

Minh Lý biên dịch và tổng hợp



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc cường điệu hóa nước thải hạt nhân Fukushima, người dân phản ứng theo hai chiều hướng