Trung Quốc lên kế hoạch sản xuất hàng loạt robot giống người, coi đây là động lực mới cho tăng trưởng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh đang đặt mục tiêu sản xuất hàng loạt robot giống con người trong hai năm tới, một kế hoạch đầy tham vọng mà nước này hy vọng sẽ đưa Trung Quốc dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Trong kế hoạch chi tiết được ban hành cho chính quyền địa phương trên khắp Trung Quốc, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc đã công bố mục tiêu thiết lập khuôn khổ đổi mới cho robot giống người và nhằm đảm bảo rằng nước này có thể tự sản xuất các bộ phận cốt lõi của robot.

Các sản phẩm theo kế hoạch sẽ đạt tiêu chuẩn quốc tế tiên tiến về chất lượng. Theo chỉ thị, chúng sẽ có các ứng dụng trong môi trường khắc nghiệt, hoạt động sản xuất cũng như các lĩnh vực dịch vụ. Giống như điện thoại thông minh, máy tính và phương tiện sử dụng năng lượng mới, robot giống người có tiềm năng “đột phá” để “cách mạng hóa” cuộc sống của con người.

Bộ yêu cầu các quan chức tận dụng quy mô thị trường của Trung Quốc và “hệ thống toàn quốc” của nước này để đẩy nhanh quá trình phát triển robot giống người như một ngành công nghiệp trụ cột nhằm thúc đẩy sự thống trị về sản xuất và kỹ thuật số của Trung Quốc.

Đến năm 2025, Bắc Kinh hy vọng sẽ có từ 2 đến 3 công ty có tầm ảnh hưởng toàn cầu đồng thời nuôi dưỡng thêm nhiều doanh nghiệp nhỏ hơn hoạt động trong lĩnh vực này. Trong hai năm nữa, mục tiêu là tạo ra một “chuỗi cung ứng an toàn và đáng tin cậy” cho công nghệ này và giúp Trung Quốc có khả năng cạnh tranh toàn cầu. Vào thời điểm đó, những sản phẩm như vậy sẽ được hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế và trở thành “động lực mới” cho tăng trưởng kinh tế.

Thông tin hướng dẫn cho biết “bộ não”, “tiểu não” và “chân tay” của robot nên là trọng tâm phát triển và ngành công nghiệp nên hướng tới việc tạo ra những robot “có độ tin cậy cao” có thể hoạt động trong các điều kiện khắc nghiệt hoặc nguy hiểm. Khi giám sát và bảo vệ “các vị trí chiến lược”, robot cần có khả năng di chuyển ở “những địa hình rất phức tạp”, đánh giá tình hình và đưa ra quyết định thông minh, đồng thời robot sẽ cần khả năng tự bảo vệ cao hơn và làm việc với độ chính xác cao hơn trong các tình huống như công tác cứu hộ hoặc khi có liên quan đến chất nổ.

Theo tài liệu kế hoạch, các cơ quan liên quan cần tăng cường hợp tác quốc tế, khuyến khích các công ty nước ngoài thành lập các trung tâm nghiên cứu ở Trung Quốc và đưa sản phẩm Trung Quốc ra thị trường quốc tế.

Với mong muốn tham gia thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu cho công nghệ mới nổi, Bắc Kinh cho biết họ muốn “tham gia sâu vào các quy tắc và việc thiết lập tiêu chuẩn quốc tế” và “đóng góp trí tuệ của Trung Quốc” cho sự phát triển của ngành, tài liệu cho biết.

Chỉ thị đánh dấu nỗ lực mới nhất của Trung Quốc nhằm tăng cường khả năng tự chủ về công nghệ khi Mỹ đang thắt chặt lệnh cấm ngăn cản Trung Quốc tiếp cận các chip tiên tiến của Mỹ. Mở rộng các biện pháp kiểm soát chip đối với Trung Quốc từ tháng 10 năm ngoái, Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ vào giữa tháng 10 đã yêu cầu thêm nhiều công ty Mỹ phải có giấy phép trước khi họ có thể xuất khẩu chip bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc. Họ cho rằng đây là bước là cần thiết để ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng những con chip này cho mục đích quân sự. Vào ngày 23/10, chính phủ Mỹ đã yêu cầu Nvidia ngừng vận chuyển hầu hết các chip trí tuệ nhân tạo quan trọng của họ sang Trung Quốc.

Không trích dẫn các biện pháp hạn chế của Mỹ, tài liệu đã yêu cầu ngành công nghệ của Trung Quốc thiết kế chip AI cho robot giống người cho phép robot tự học và có các khả năng khác.

Giá trị cổ phiếu của các công ty thiết bị điện tử robot tăng vọt sau khi chỉ thị được đưa ra.

Trung Quốc lên kế hoạch sản xuất hàng loạt robot giống người, coi đây là động lực mới cho tăng trưởng
Một người đàn ông chụp ảnh robot trong Hội nghị Trí tuệ nhân tạo Thế giới (WAIC) ở Thượng Hải, Trung Quốc, vào ngày 7/7/2023. (Ảnh: Wang Zhao/AFP qua Getty Images)

Sự cạnh tranh và triển vọng

Lộ trình của Bắc Kinh có nghĩa là họ sẽ phải cạnh tranh với các công ty quốc tế như Samsung, Microsoft và Tesla, những đối tượng đang đầu tư vào lĩnh vực này.

Ông Elon Musk từ Tesla đang cố gắng chế tạo một robot giống người có tên là Optimus hay Tesla Bot. Tuy nhiên, sau rất nhiều sự thổi phồng vào năm ngoái, màn trình diễn robot bước đi chậm rãi trên sân khấu và vẫy tay chào đám đông đã không hấp dẫn như mong đợi.

Quan sát các phương tiện truyền thông Trung Quốc, người ta dường như có một cảm giác lạc quan về triển vọng của công nghệ này.

Ông Lu Hanchen, giám đốc Viện nghiên cứu công nghiệp Gaogong, nói với tờ Securities Times thuộc sở hữu nhà nước rằng mặc dù Trung Quốc còn chưa đạt được việc sản xuất robot giống người trên quy mô lớn, nhưng mục tiêu đó cũng không xa lắm.

Ông lưu ý rằng hơn 10 công ty Trung Quốc trong năm nay đã tiết lộ những cải tiến liên quan đến robot giống người, đồng thời cho biết thêm rằng Trung Quốc đã có một số cơ sở hỗ trợ từ việc phát triển robot công nghiệp.

Bắc Kinh đã dành khoảng 10 tỷ CNY (nhân dân tệ) để tài trợ cho việc phát triển robot. Vào ngày 6/11, Trung Quốc đã khai trương trung tâm đổi mới cấp tỉnh đầu tiên về robot giống người ở thủ đô của đất nước để giải quyết “các vấn đề chung quan trọng” cấp bách, bao gồm hệ thống kiểm soát vận hành, phần mềm nguồn mở và nguyên mẫu robot.

Ít nhất một công ty Trung Quốc, Jiangsu Miracle Logistics System Engineering Co., đã hứa sẽ ra mắt robot giống người đầu tiên vào cuối năm nay. Công ty môi giới chứng khoán Zheshang Securities của Trung Quốc ước tính thị trường robot giống người sẽ có nhu cầu tương đương 1,77 triệu cỗ máy vào năm 2030.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Trung Quốc lên kế hoạch sản xuất hàng loạt robot giống người, coi đây là động lực mới cho tăng trưởng