Kinh phí để ĐCS Trung Quốc ‘tay trắng dựng cơ đồ’ đến từ đâu?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ nhỏ, thanh thiếu niên Trung Quốc đã được nhồi nhét các kinh nghiệm cách mạng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tới mức thuộc lòng, chẳng hạn như "đấu tranh vũ trang, mặt trận thống nhất, xây dựng đảng", "nông thôn bao vây thành thị", "đánh thổ hào, chia ruộng đất", v.v. Nhưng không mấy ai trong lớp người này biết cách ĐCSTQ ‘tay trắng dựng cơ đồ’.

Trong việc tìm kinh phí cho cách mạng, ĐCSTQ đã may mắn hơn nhiều so với người tiền bối Tôn Trung Sơn. Mọi người đều biết rằng, lãnh tụ Quốc Dân Đảng Tôn Trung Sơn đã tham gia cách mạng hàng chục năm, ông không ngừng khởi nghĩa vũ trang. Nhưng để có thể làm vậy, ông phải gây quỹ cho cách mạng.

Các doanh nhân giàu có và Hoa kiều đều là mục tiêu kêu gọi quyên tiền của ông Tôn. Anh cả của ông cả đời kham khổ, tiền của kiếm được phần lớn đều trở thành kinh phí làm cách mạng cho em trai. Để quyên tiền, ngoài giảng giải về đại nghĩa cách mạng, Tôn Trung Sơn còn phải cho người ta thấy được những lợi ích có được nếu cách mạng thắng lợi…

May mắn cho ĐCSTQ là khi đó trên thế giới vẫn còn Liên Xô.

Trước tiên, phải kể đến tham vọng của Liên Xô dưới thời Stalin, đó là "cắm lá cờ đỏ trên toàn thế giới". Stalin không ngần ngại đổ tiền để thúc đẩy sự nghiệp cách mạng trên phạm vi toàn cầu. Điểm tới đầu tiên là các nước Đông Âu.

Áp phích của Joseph Stalin vào khoảng năm 1922.
Áp phích của Joseph Stalin vào khoảng năm 1922. (Fotosearch / Getty Images)

Đối với các nước Đông Âu, Liên Xô đã bồi dưỡng nên một lượng lớn các nhà cách mạng chuyên nghiệp thông qua Quốc tế thứ ba. Nhóm người này được tập trung tại Mátxcơva, “thủ đô cách mạng thế giới”, để đào tạo rồi lần lượt trở về nước phát động cách mạng. Cảnh tượng hùng tráng nhất là sau khi Thế chiến II kết thúc, Liên Xô đã dùng súng ống để đưa cách mạng và các lãnh tụ cách mạng đến các nước Đông Âu.

Cảnh này được mô tả trong cuốn hồi ký “Child of the Revolution” (Đứa con của Cách mạng) của tác giả Leonhard Wolfgang. Khi 23 tuổi, Wolfgang là một cán bộ tiếp nhận được Liên Xô cử đến khu vực bị Liên Xô chiếm đóng ở Đông Đức.

Vào ngày 30/4/1945, Wolfgang đi theo thượng cấp của mình về Đông Berlin. Người cấp trên đó chính là Walter Ulbricht, sau này trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Đức. Trong Chương 7 có tựa "Theo chân Ulbricht về Berlin" của cuốn hồi ký, Wolfgang đã trình bày chi tiết cách họ thiết lập chính quyền ở tất cả các cấp ở Đông Đức vào thời đó.

Đồng thời, Liên Xô mở rộng “cách mạng” sang Châu Á và thành lập một chi nhánh tại Trung Quốc.

Sau khi tham khảo một lượng lớn tài liệu lưu trữ ở Mátxcơva, ông Dương Khuê Tùng (Yang Kuisong), một chuyên gia về lịch sử ĐCSTQ, đã viết tác phẩm "Giải mật: Nguồn kinh phí cho hoạt động của các nhà cách mạng trong giai đoạn đầu thành lập Đảng".

Trong đó tiết lộ chi tiết số tiền và cách ĐCSTQ sử dụng chúng trong những năm 1920. Vị chuyên gia này kết luận: Khoản viện trợ tài chính từ Mátxcơva có sức ảnh hưởng vô cùng lớn đối với giai đoạn trưởng thành của ĐCSTQ.

Lấy năm 1927 làm ví dụ. Sau khi mối quan hệ giữa Quốc Dân Đảng và ĐCSTQ tan vỡ, Mátxcơva rất ủng hộ các cuộc bạo động của ĐCSTQ. Đằng sau các cuộc vận động, khởi nghĩa, bãi công nổi tiếng trong lịch sử ĐCSTQ đều có bàn tay của Liên Xô, số tiền đổ vào cũng được liệt kê chi tiết.

Chẳng hạn như trước cuộc khởi nghĩa Nam Xương, Stalin đã cử một mật vụ đáng tin mang 300.000 USD đến Trung Quốc để tài trợ cho cuộc nổi dậy. Sau cuộc khởi nghĩa Nam Xương, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô ngay lập tức quyết định phân bổ 15.000 súng trường, 10 triệu viên đạn, 30 súng máy, 4 khẩu pháo và 2.000 viên đạn pháo cho quân khởi nghĩa, vận chuyển khẩn cấp qua đường biển đến gần Quảng Châu để chi viện cho quân Nam Xương nổi dậy tiến về phía nam.

Hai người đàn ông giơ một tấm áp phích của Stalin ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào tháng 5 năm 1956.
Hai người đàn ông giơ một tấm áp phích của Stalin ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào tháng 5 năm 1956. (Pictorial Parade/Archive Photos/Getty Images)

Trong thời kỳ kháng chiến, ngoài số vàng thu được từ các tổ chức đảng địa phương kiếm được, ĐCSTQ còn có lương bổng quân đội do chính phủ Quốc Dân Đảng cấp, viện trợ của Liên Xô cũng là một nguồn tài chính quan trọng.

Trong bài viết "Viện trợ kinh tế của Liên Xô gấp 5 lần thu nhập của khu vực biên giới", tác giả Hiểu Lý (Xiao Li) nêu rõ: Sau khi Moscow mất liên lạc viễn thông với Ủy ban Trung ương ĐCSTQ vào năm 1934, viện trợ từ Liên Xô và Quốc tế thứ ba cũng bị cắt đứt một thời gian.

Theo bài viết, đến năm 1936, viện trợ cho ĐCSTQ lại được nối lại nhưng chỉ là con số nhỏ. Sau tháng 11/1937, mức viện trợ tài chính tăng cao, ví dụ như năm 1937, viện trợ tài chính của Liên Xô cho ĐCSTQ gấp 5,2 lần thu nhập hàng năm của Vùng biên giới Thiểm Tây - Cam Túc - Ninh Hạ, đến năm 1940 vẫn gấp 1,5 lần.

Trong cuộc nội chiến giữa Quốc Dân Đảng và ĐCSTQ, Liên Xô càng giúp đỡ ĐCSTQ trên nhiều mặt. Năm 1945, Hồng quân Liên Xô đã bàn giao vùng Đông Bắc do chính họ chiếm đóng cùng lượng lớn vũ khí và đạn dược cho quân đội ĐCSTQ. Vào tháng 9/2012, kênh Lịch sử của Tencent cũng từng làm một video giới thiệu chi tiết về khoản viện trợ của Liên Xô cho ĐCSTQ trong thời kỳ này.

Những sự kiện lịch sử trên đây đã chứng minh đầy đủ rằng, nếu không có sự trợ giúp của Liên Xô thì ĐCSTQ đã không thể phát triển và lớn mạnh, chứ chưa nói đến việc sau này ĐCSTQ lên nắm chính quyền và cai trị Trung Quốc.

Nam Phương
Theo Vision Times

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Kinh phí để ĐCS Trung Quốc ‘tay trắng dựng cơ đồ’ đến từ đâu?