Ăn nhiều nhưng mau đói, nguyên nhân vì sao? Cảnh giác với 4 bệnh lý tiềm ẩn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ăn nhiều nhưng mau đói không phản ánh rằng hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả, chuyển hóa chất dinh dưỡng nhanh chóng, mà rất có thể là kết quả của những thói quen thiếu lành mạnh hoặc bệnh lý tiềm ẩn.

Một số người lấy “ăn và ngủ” để làm tiêu chuẩn đánh giá tình trạng sức khỏe, và cho rằng “ăn no nhưng mau đói” là điều tốt, chứng tỏ quá trình trao đổi chất diễn ra nhanh chóng và hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả.

Nhưng liệu quan điểm này có đúng như vậy hay không?

Nguyên nhân sinh lý dẫn đến hiện tượng "ăn nhiều nhưng mau đói"

Trong trường hợp bình thường, cơ thể mất khoảng 2 - 3 giờ để tiêu hóa hết thức ăn trong dạ dày và cảm giác đói sẽ không xuất hiện sau bữa ăn khoảng 3 - 4 giờ.

Tất nhiên, điều này cũng tùy thuộc vào loại thực phẩm mà bạn ăn. Nếu bạn tiêu thụ thực phẩm carbohydrate và rau, thì tốc độ tiêu hóa sẽ nhanh hơn.

Ngược lại, nếu bạn ăn một số thức ăn giàu đạm, nhiều chất béo, nhiều calo thì tốc độ tiêu hóa sẽ chậm hơn, thời gian tiêu hóa cũng lâu hơn.

1. Ăn không đủ protein cũng có thể gây cảm giác nhanh đói

Ăn quá ít protein, tức là khi tỷ lệ protein trong nguồn calo nhỏ hơn 15%, người ta dễ bị đói. Protein là chất đại phân tử, tiêu hóa tương đối chậm và cơ thể thường mất 1.5 đến 4 giờ để xử lý hết.

Ví dụ trứng, thịt bò, thịt gà và các loại thực phẩm giàu protein khác có thể mất khoảng 4 giờ để tiêu hóa hoàn toàn.

Vậy nên, nếu bữa ăn của bạn không đủ hàm lượng protein cần thiết, thì bạn sẽ nhanh đói.

Nếu nói rằng "ăn nhiều nhưng mau đói" là dấu hiệu của tiêu hóa tốt thì hoàn toàn không phải trong trường hợp này, mà do bạn nạp năng lượng vào cơ thể không đủ, khiến nó bị "suy yếu".

Khuyến nghị: Trong trường hợp bình thường, lượng protein nạp vào cơ thể nên tính bằng trọng lượng cơ thể (kg) × 1.2 - 1.5 gram mỗi ngày. Chẳng hạn một người nặng 50kg, lượng protein hàng ngày của họ nên rơi vào khoảng 70g.

2. Thực phẩm carbohydrate tinh chế làm dao động đường huyết, gây cảm giác đói

Đường huyết không ổn định, lên xuống đột ngột là tác nhân chính ảnh hưởng đến cảm giác đói.

Cơm, bánh màn thầu, mì sợi hay bánh mì… đều là carbohydrate tinh chế. Sau khi các loại thực phẩm này được tinh chế và chế biến, phần lớn chất dinh dưỡng trong chúng đã bị phá hủy, cho nên cơ thể rất dễ tiêu hóa và hấp thụ.

Điều này khiến đường huyết thường tăng đột biến sau bữa ăn, nồng độ insulin cũng tùy theo đó mà được sản sinh ra, kéo lượng đường trong máu giảm xuống nhanh chóng (hạ đường huyết), khiến bạn dễ có cảm giác đói, run rẩy.

3. Thiếu ngủ cũng là một tác nhân gây ra hiện tượng đói nhanh sau khi ăn

Thiếu ngủ dễ khiến con người bị mệt mỏi. Lúc này, cơ thể sẽ đòi hỏi nhiều năng lượng hơn nên bạn sẽ nhanh đói. Việc giảm tiết leptin - một hormone tạo cảm giác no - khiến người ta luôn cảm thấy muốn ăn.

Gợi ý: Cố gắng đi ngủ trước 11 giờ mỗi đêm để đảm bảo ngủ đủ 7 - 8 tiếng.

4. Ăn trong khi căng thẳng quá mức có thể tăng áp lực lên đường tiêu hóa

Béo phì do stress được nhiều người biết đến. Nguyên nhân thường là do những người bị stress cảm thấy rằng, sau khi ăn thân tâm bỗng nhiên dễ chịu hơn, dường như áp lực trên cơ thể đã biến mất trong thời gian ngắn.

Tuy nhiên, ăn trong khi tinh thần căng thẳng sẽ làm tăng áp lực đường tiêu hóa.

Quá căng thẳng có thể kích thích não tiết ra hormone ức chế hoạt động của insulin, khiến đường huyết trong cơ thể không được hấp thụ tốt, từ đó báo hiệu cơn đói.

Gợi ý: Đừng giải tỏa căng thẳng bằng ăn uống, hãy giải tỏa căng thẳng bằng cách tập thể dục.

Nguyên nhân bệnh lý gây nên hiện tượng "ăn nhiều nhưng mau đói"

1. Bệnh cường giáp có thể dẫn đến thèm ăn và nhanh đói

Bệnh nhân cường giáp có chuyển hóa cao, tiêu thụ protein, chất béo và carbohydrate cũng nhanh hơn.

Đồng thời, quá trình này cũng làm mất rất nhiều nhiệt, khi tế bào bị bỏ đói trong một thời gian dài, nó sẽ dẫn đến cảm giác thèm ăn và đói nhanh chóng.

2. Bệnh tiểu đường gây rối loạn chuyển hóa đường thành năng lượng

Bệnh nhân tiểu đường rất dễ bị đói do rối loạn chuyển hóa glucose trong cơ thể dẫn đến rối loạn bài tiết insulin, không thể chuyển hóa hoàn toàn lượng đường ăn vào thành năng lượng để tiêu hóa.

3. Bệnh gan làm hạ đường huyết và đói

Gan cũng là cơ quan quan trọng trong việc điều hòa lượng đường trong máu.

Bệnh nhân mắc bệnh gan không thể giải phóng glycogen một cách bình thường để điều hòa lượng đường huyết, khiến người bệnh rất dễ bị hạ đường huyết và đói.

4. Tiết axit dạ dày quá mức kích thích cơn đói

Ngoài những nguyên nhân kể trên, dạ dày tiết axit dịch vị quá mức cũng có thể kích thích cảm giác đói nhanh hơn.

Tóm lại, nếu bạn ăn rất nhiều nhưng vẫn thấy đói thì có khả năng đó là do cơ thể có một số vấn đề bất thường.

Đừng nghĩ rằng đây là dấu hiệu tiêu hóa tốt, khi gặp tình huống này, bạn nên đến bệnh viện khám, kiểm tra để tránh các vấn đề bất trắc về lâu dài.

Bảo Vy
Theo Aboluowang



BÀI CHỌN LỌC

Ăn nhiều nhưng mau đói, nguyên nhân vì sao? Cảnh giác với 4 bệnh lý tiềm ẩn