Vì sao bác sĩ viết đơn thuốc khó đọc?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Khi thấy chữ viết của ai đó quá xấu, chúng ta thường ví họ viết giống chữ bác sĩ. Thay vì in đơn thuốc, nhập lên hệ thống, việc bác sĩ kê đơn bằng tay vẫn tiếp diễn và kéo dài suốt nhiều năm qua, gây khó cho việc nhận dạng và đọc tên thuốc.

Hệ thống y tế đang ngày một cải thiện và nhiều công nghệ hiện đại cũng đã được áp dụng. Các bệnh viện lớn đầu tư trang thiết bị, máy tính, máy in đến từng phòng khám, thậm chí nhiều bàn khám, phòng khám bình thường cũng có hệ thống chuyên biệt để số hoá việc khám chữa bệnh.

Dường như đi ngược lại với xu hướng trên, một bộ phận bác sĩ vẫn muốn kê thuốc bằng tay. Thực trạng nhức nhối khiến dư luận cảm thấy bất bình vì nó tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khoẻ của người bệnh.

Bình luận về việc này, đọc giả M.A cho rằng không nên coi chữ xấu như bác sĩ là bình thường, điều này khiến họ đánh mất động lực để thay đổi. Nhiều công nghệ tân tiến đã dần tiếp cận đến các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, tại sao bệnh viện Trung ương vẫn chấp nhận tình trạng kê đơn thuốc bằng tay.

Một số quan điểm cho rằng chữ viết của bác sĩ xấu có thể là do họ quá bận rộn và không có thời gian để nắn nót, nhưng chữ viết nguệch ngoạc như “giun dế” vô tình đẩy phần khó cho người khác, thách đố không chỉ người bệnh mà cả những người bán thuốc. Trên hết, việc bác sĩ dùng chữ viết xấu để kê đơn không chỉ mang lại khó khăn cho việc nhận dạng, mà còn tiềm ẩn nhiều hệ luỵ xấu, thậm chí nếu chọn nhầm thuốc, tính mạng của người bệnh có thể bị đe doạ.

Đọc giả L.B cho rằng mục đích viết đơn thuốc khó đọc của một số bác sĩ thực chất nhằm đạt được một số lợi ích cá nhân. Cụ thể, người này cho rằng một vài loại thuốc chưa có ở bệnh viện nhưng vẫn tốt cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ kê tay, nhưng một số trong chúng là thực phẩm chức năng vì những loại này thường bị cấm đưa vào đơn thuốc. Phải chăng “bác sĩ không muốn để lại bằng chứng trên hệ thống?”, L.B đặt nghi vấn.

Vì sao bác sĩ viết đơn thuốc khó đọc?

Để lý giải thực trạng này, có một vài nguyên nhân được đưa ra, bao gồm:

  • Cơ sở, bác sĩ thiếu thông tin hay hướng dẫn chi tiết cụ thể;
  • Cơ quan quản lý thiếu cơ chế giám sát, xử phạt cho hành vi kê đơn thuốc bằng tay, không báo cáo lên hệ thống điện tử;
  • Nỗ lực chuyển đổi số ở các cơ sở khám chữa bệnh chưa đủ lớn, làm quá trình triển khai liên thông đơn thuốc và hoàn thành kê đơn thuốc điện tử bị chậm lại.

Ngoài ra, đơn thuốc khó đọc cũng có thể là do tên thuốc hầu hết là tiếng nước ngoài, khác biệt đáng kể so với tiếng Việt, gây khó đọc đối với người không biết ngoại ngữ. Không loại trừ khả năng bác sĩ không nhớ rõ tên thuốc, viết xấu để các dược sĩ bán thuốc tự đối chiếu và tra cứu.

Cũng có trường hợp là thói quen cẩu thả hoặc cố tình viết xấu để buộc bệnh nhân mua thuốc tại nơi chỉ định, từ đó hưởng hoa hồng, hoặc khiến người bệnh không thể lưu giữ đơn thuốc để tham khảo về sau, mà buộc phải quay lại để chính bác sĩ đó tiếp tục khám, kê đơn…

Bên cạnh đó, cũng có một số ít bác sĩ do chữ xấu tự nhiên hoặc lớn tuổi nên chữ xấu đi hay kê vào thời điểm bệnh nhân quá đông nên viết vội, viết không đủ nét...

Cuối cùng, liên quan đến tính minh bạch trong vấn đề kê đơn thuốc khi gửi báo cáo lên hệ thống, việc kê đơn điện tử sẽ cho phép cơ quan quản lý kiểm tra và giám sát mọi lúc, đánh giá đơn thuốc… khiến không ít bác sĩ hình thành tâm lý e ngại và không muốn để lại “dấu vết”.

Khó xử lý

Trước đó, vào cuối tháng Hai, Bộ Y tế đã kiến nghị các bệnh viện trực thuộc trường đại học, sở y tế 63 tỉnh, thành và y tế các Bộ, ngành liên quan tăng cường khâu kiểm tra, giám sát việc kê đơn thuốc cho người bệnh.

Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tuân thủ quy định kê đơn thuốc, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, chỉ định các kỹ thuật, dịch vụ y tế để lấy “hoa hồng”, sách nhiễu bệnh nhân và trục lợi bệnh nhân cũng như Quỹ Bảo hiểm y tế.

Theo quy định của Bộ Y tế trong Thông tư 27/2021/TT-BYT về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử, Thông tư 04/2022 (sửa đổi bổ sung Thông tư 27/2021 và một số thông tư khác của Bộ Y tế), từ tháng 1/7/2023, tất cả cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước (từ trạm y tế cấp xã đến trung ương, y tế tư nhân) đều phải kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử. Riêng với bệnh viện từ hạng 3 trở lên phải thực hiện việc này từ đầu năm 2023.

Điều này có nghĩa là từ tháng 1/7/2023, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh từ trạm y tế xã, phòng khám tư nhân nhỏ lẻ… đến bệnh viện tuyến trung ương không còn được phép kê đơn thuốc bằng chữ viết tay.

Tuy vậy, tình trạng kê đơn thuốc bằng chữ viết tay vẫn hiện diện tại không ít cơ sở khám chữa bệnh thuộc tuyến y tế công lập và khối tư nhân.

Theo điểm a, khoản 1 Điều 41 Nghị định 117 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, một trong các hành vi liên quan đến kê đơn thuốc sẽ bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng là “không ghi đầy đủ, rõ ràng vào đơn thuốc hoặc bệnh án các thông tin về tên thuốc, số lượng, hàm lượng, liều dùng, đường dùng và thời gian dùng thuốc khi kê đơn thuốc theo quy định của pháp luật”.

Liên quan đến quy định xử phạt bác sĩ viết chữ xấu, nhiều quan điểm cho rằng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể, việc xử phạt 1-2 triệu đối với các trường hợp “không ghi đầy đủ, rõ ràng” tương đối mù mờ, gây khó khăn trong việc xác định để xử phạt.

Đa số đơn thuốc đều ghi đầy đủ các thông tin, nhưng vẫn có trường hợp dịch ra được bất kể chữ xấu thì rất khó quy vào mục “không ghi đầy đủ, rõ ràng vào đơn thuốc hoặc bệnh án…”

Hoàng Tuấn (tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao bác sĩ viết đơn thuốc khó đọc?