Vì sao một số người có quầng thâm mắt?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bọng dưới mắt hay sưng nhẹ dưới mắt, thường bắt đầu xuất hiện ở những người bước vào độ tuổi 40 hoặc 50, cũng có một số người phát triển chúng ở độ tuổi 20.

Sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử, thức khuya và chế độ ăn uống không cân bằng, cùng với những thói quen không lành mạnh khác, có thể dẫn đến sự xuất hiện sớm của bọng mắt.

Mặc dù chúng không gây hại cho thị lực hoặc gây rủi ro cho sức khỏe, nhưng bọng mắt có thể khiến mắt sưng húp, mệt mỏi và khiến một người trông già hơn.

Trong quá trình lão hoá, các mô xung quanh mắt yếu đi, bao gồm một số cơ nâng đỡ mí mắt. Các mô mỡ hỗ trợ có thể di chuyển vào mí mắt dưới, khiến chúng sưng lên. Sự tích tụ chất lỏng dưới mắt cũng có thể gây sưng nhẹ, chảy xệ hoặc da lỏng lẻo và quầng thâm.

Theo Mayo Clinic, có nhiều yếu tố góp phần hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng này, trong đó lão hóa là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây ra bọng mắt.

Phòng khám Da liễu Medifine ở Vương quốc Anh chỉ ra rằng khi da lão hoá một cách tự nhiên, các protein như collagen và elastin, góp phần làm săn chắc da, sẽ giảm đi. Hàm lượng collagen giảm có thể làm mất độ đàn hồi và săn chắc của da cũng như cơ mặt, khiến da bị chảy xệ. Đặc biệt, vùng da bên dưới mắt rất mỏng manh, theo thời gian, các “túi” bắt đầu hình thành và các miếng mỡ bên dưới mắt trượt xuống để lấp đầy khoảng trống.

Tiến sĩ Sean Doherty, một bác sĩ phẫu thuật tái tạo và tạo hình khuôn mặt cho biết: “Nguyên nhân phổ biến nhất của bọng mắt hoặc sưng mắt là quá trình lão hóa tự nhiên”.

Khi da của những người lớn tuổi trở nên lỏng lẻo quá mức, nó bị chảy xệ hoặc nhăn nheo. Các cơ và mô xung quanh mắt cũng yếu đi khiến quầng mắt chảy xệ. Sự suy yếu này làm cho các mô mỡ quanh mắt nhô ra, tạo hình dạng giống như bong bóng.

Các yếu tố làm tình trạng bọng mắt nặng hơn

Ngoài lão hóa, Mayo Clinic nêu bật 6 yếu tố khác góp phần hình thành bọng mắt, bao gồm:

1. Giữ nước

Lượng muối quá nhiều trong chế độ ăn uống có thể khiến natri giữ nước trong cơ thể, gây ra các triệu chứng giữ nước. Điều này có thể làm mắt sưng hơn, đặc biệt là quanh mắt và bụng.

Giảm lượng muối ăn vào giúp giảm chất lỏng dư thừa trong cơ thể.

Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS) khuyến nghị người lớn hạn chế lượng muối ăn hàng ngày ở mức 6g (xấp xỉ 1 thìa cà phê), bao gồm muối đã có trong thực phẩm và muối được thêm vào trong và sau khi nấu nướng.

2. Thiếu ngủ

Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Sleep năm 2013 cho thấy ngủ thiếu giấc ảnh hưởng đến vẻ ngoài của khuôn mặt, gây bọng mắt, mí mắt sụp xuống, mắt đỏ và quầng thâm.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến nghị người lớn từ 18 đến 60 tuổi nên ngủ ít nhất bảy tiếng mỗi đêm.

3. Dị ứng

Theo Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ, dị ứng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng với các chất gây dị ứng.

Khi chất gây dị ứng tiếp xúc với mắt, các tế bào cụ thể trong mắt (được gọi là tế bào mast) giải phóng histamine và các chất khác để chống lại chất gây dị ứng. Phản ứng này có thể gây đỏ, sưng và ngứa mí mắt cũng như kết mạc.

Không giống như các loại viêm kết mạc khác, dị ứng mắt không lây nhiễm. Những người bị dị ứng mắt thường bị dị ứng mũi, ngứa, nghẹt mũi và hắt hơi. Nó thường là một tình trạng tạm thời liên quan đến dị ứng theo mùa.

Johns Hopkins Medicine chỉ ra rằng tắc nghẽn và viêm do dị ứng đôi khi có thể làm trầm trọng thêm bọng dưới mắt.

4. Hút thuốc

Hút thuốc kích thích và làm hỏng mắt, gây đỏ, ngứa và chảy nước mắt. Ngay cả việc tiếp xúc với khói thuốc thụ động cũng có thể gây ra các phản ứng dị ứng, dẫn đến chảy nước mắt và sưng ở vùng dưới mắt.

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ năm 2007 cho thấy hút thuốc là một yếu tố nguy cơ độc lập gây ra nếp nhăn và lão hóa sớm trên khuôn mặt. Càng nhiều người hút thuốc, nguy cơ càng cao.

Một nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng hút thuốc lá làm tổn thương các sợi collagen và elastin ở lớp hạ bì, làm da lỏng lẻo, cứng và kém đàn hồi.

Nicotine, carbon monoxide và các chất độc hại khác được hít vào khi hút thuốc khiến các mạch máu trên da co lại và bị thiếu oxy, góp phần gây lão hóa da sớm.

5. Khuynh hướng di truyền

Do di truyền, một số cá nhân dễ bị bọng mắt hơn. Nếu bố mẹ bạn có bọng mắt, bạn cũng có thể xuất hiện tình trạng này khi già đi.

6. Điều kiện y tế

Bọng mắt thường là vấn đề về thẩm mỹ và hiếm khi là dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng, mặc dù viêm da, viêm da cơ, bệnh thận và bệnh tuyến giáp ở mắt cũng có thể là thủ phạm.

Các biện pháp khắc phục bọng mắt tại nhà

Mayo Clinic gợi ý sáu biện pháp khắc phục tại nhà sau đây có thể giúp trì hoãn và loại bỏ bọng mắt:

  • Chườm lạnh: Làm ướt khăn sạch bằng nước lạnh. Nhẹ nhàng ấn khăn ẩm lên vùng da dưới mắt và khu vực xung quanh trong vài phút.
  • Hạn chế ăn muối: Giảm lượng nước uống vào trước khi đi ngủ, giảm bớt tình trạng giữ nước có thể góp phần gây ra bọng mắt.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm nặng thêm bọng dưới mắt. Học viện Nhãn khoa Hoa Kỳ tuyên bố rằng hút thuốc làm tăng tốc độ mất collagen, làm cho làn da mỏng manh bên dưới mắt thậm chí còn mỏng hơn, khiến các mạch máu rõ ràng hơn.
  • Đảm bảo ngủ đủ giấc: Thời gian ngủ lý tưởng cho hầu hết người lớn là bảy hoặc tám giờ. Nâng cao đầu của bạn một chút bằng một chiếc gối bổ sung giúp ngăn ngừa sự tích tụ chất lỏng quanh mắt trong khi ngủ.
  • Tránh các chất gây dị ứng: Thuốc dị ứng không kê đơn có thể được sử dụng để chống dị ứng. Nếu bạn bị phản ứng ở mí mắt dưới do thuốc nhuộm tóc, xà phòng, mỹ phẩm hoặc các chất gây dị ứng khác, hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ để biết các biện pháp phòng ngừa.
  • Sử dụng mỹ phẩm: Để che quầng thâm dưới mắt, hãy sử dụng kem che khuyết điểm để che đi vùng tối.

Theo David Chu - The Epoch Times
Bảo Vy biên dịch

David Chu là một nhà báo ở London, đã làm việc trong lĩnh vực tài chính gần 30 năm tại các thành phố lớn ở Trung Quốc và nước ngoài, bao gồm Hàn Quốc, Thái Lan và các nước Đông Nam Á khác. Ông sinh ra trong một gia đình chuyên về Y học cổ truyền Trung Quốc và có nền tảng về văn học cổ đại Trung Quốc.



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao một số người có quầng thâm mắt?