Vì sao nói: ‘Sáng không mua thịt lợn, tối không mua đậu phụ’?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bằng trải nghiệm thực tiễn, dân gian thường đúc rút ra những kinh nghiệm và gói gọn chúng thành những câu thơ, tục ngữ để khuyên dạy đời sau. Không chỉ trong cuộc sống, mà trong các khía cạnh nhỏ nhặt cũng có những câu nói như vậy, chẳng hạn như: “Sáng không mua thịt lợn, tối không mua đậu phụ”. Rốt cuộc những câu này có nghĩa là gì?

1. Vì sao không nên mua thịt lợn vào buổi sáng?

Hạn sử dụng của thịt rất ngắn, thời gian càng lâu thì thịt càng mất độ tươi. Nhưng tại sao lại nói không nên mua thịt lợn vào buổi sáng?

Điều này là do buổi sáng mà người xưa đề cập khác với buổi sáng mà người hiện đại đề cập. Vào thời cổ đại, buổi sáng được gọi là Bình Đán, tức là từ 3 đến 5 giờ sáng.

Thời bấy giờ, những người bán thịt thường bắt đầu giết mổ lợn vào lúc 3 hoặc 4 giờ sáng, trải qua một loạt các biện pháp xử lý và thường mất vài giờ để vận chuyển thịt lợn từ lò mổ đến chợ.

Do đó, thịt lợn mua từ lúc 3 đến 5 giờ sáng về cơ bản là thịt còn lại từ ngày hôm trước, không phải là thịt mới và sẽ kém chất lượng hơn.

Tại các vùng nông thôn ở Trung Quốc, người ta cũng thường nói với nhau rằng ai mua thịt lợn trước thì ít khi mua được thịt ngon.

Vì thịt lợn ngon có hạn nên để đảm bảo có nhiều khách hàng tới mua cũng như không bị tồn hàng, những người bán thường giữ lại một số thịt lợn còn tốt và cố gắng bán thịt kém tươi trước.

2. Vì sao không mua đậu phụ vào buổi tối?

Thời hạn sử dụng của các sản phẩm đậu nành rất ngắn và đậu phụ thường được làm vào sáng sớm.

Đối với người mua, để đảm bảo mua được đậu phụ tươi thì cần mua trước buổi trưa, nếu không nó sẽ bị ôi thiu. Có một lời khuyên phổ biến, đó là: “Đừng mua đậu phụ vào buổi tối”.

Đặc biệt vào mùa hè, nhiệt độ trung bình tương đối cao nên các loại thực phẩm như thịt hay đậu phụ đều có hạn sử dụng rất ngắn, do đó, bạn càng cần chú ý khi mua.

Tuy vậy, các siêu thị hiện đều bày bán các loại thịt và đậu phụ đông lạnh, về cơ bản đã góp phần kéo dài thời hạn sử dụng của chúng và hạn chế tình trạng hư hỏng.

3. Thịt heo chưa làm xong cần cho vào tủ lạnh kịp thời

Thịt lợn rất giàu nước và protein, nó tạo điều kiện tốt cho sự tồn tại của vi khuẩn. Nếu thịt lợn tiếp xúc với không khí hoặc không được bảo quản tốt trong thời gian dài, thì vi khuẩn sẽ phát triển và làm thịt bị ôi thiu nhanh chóng.

Ngược lại, làm lạnh có thể kéo dài thời hạn sử dụng của thịt lợn. Để thịt ở nhiệt độ thấp 2-5°C có thể làm chậm thời gian hư hỏng, duy trì độ tươi của thịt lợn và giúp đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sự xuất hiện của các bệnh lây truyền từ động vật sang người là điều thường xảy ra trong quá trình chế biến thịt lợn. Thịt lợn nếu không được bảo quản đúng cách sẽ tiềm ẩn những nguy cơ nhất định về an toàn thực phẩm.

Ngoài ra, bảo quản lạnh thịt lợn có thể làm giảm khả năng thịt bị dai, đồng thời duy trì hương vị cũng như chất lượng của thịt lợn.

4. Đậu phụ tươi, không để quá lâu

Đậu phụ khá phổ biến trong thực đơn hàng ngày của mọi gia đình. Nó giàu dinh dưỡng nhưng do hàm lượng nước cao nên dễ bị vi khuẩn, nấm mốc làm hư hỏng.

Để bảo quản, tốt nhất nên để đậu phụ trong ngăn mát, không để vào ngăn đá để tránh bị đông. Khi bảo quản nên cho vào hộp kín hoặc túi giữ tươi để đậu phụ không bị ô nhiễm bởi môi trường bên ngoài.

Nếu có điều kiện, cũng có thể bảo quản đậu phụ trong kho lạnh ở nhiệt độ 5-10 độ C. Bạn cần chú ý tránh để đậu phụ tiếp xúc với các thực phẩm dễ hư hỏng khác.

Ngoài ra, bạn có thể cắt đậu phụ thành miếng có kích thước phù hợp, ngâm nước muối nhạt 5-10 phút, sau đó lau khô, bảo quản trong hộp kín hoặc ngăn mát của tủ lạnh. Nếu không có tủ lạnh hoặc thiết bị bảo quản lạnh, có thể bảo quản đậu phụ ở nơi khô ráo, thoáng mát.

Cần lưu ý khi bảo quản đậu phụ cần tránh nơi ẩm ướt, nhiệt độ cao và ánh nắng trực tiếp. Khi đậu phụ có mùi, mốc hoặc đổi màu, nên loại bỏ kịp thời.

Theo Song Yun từ Aboluowang
Hoàng Tuấn biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Vì sao nói: ‘Sáng không mua thịt lợn, tối không mua đậu phụ’?