Vũ trụ 25 - ‘thành phố lý tưởng' dành cho chuột: Hồi chuông cảnh tỉnh cho nhân loại

Giúp NTDVN sửa lỗi

‘Vũ trụ 25’ là một thí nghiệm nổi tiếng thế giới vào những năm 1970. Đó là một Xã hội của loài chuột, nơi chúng được cung cấp những điều kiện vô cùng lý tưởng để tồn tại; nhưng chúng đã bị diệt vong chỉ sau 2 năm ngắn ngủi. Đây cũng là lời cảnh báo cho xã hội loài người.

"Vũ trụ 25": Xã hội hoàn hảo dành cho loài chuột

“Vũ trụ 25” là một nghiên cứu được tiến hành từ năm 1954 đến năm 1972 bởi John B. Calhoun - một nhà nghiên cứu hành vi và đạo đức người Mỹ. Nghiên cứu của ông đã đươc xuất bản trên tạp chí Proceedings of the Royal Society of Medicine.

Ông đã tạo ra một “thành phố chuột” với những điều kiện hoàn hảo để chúng tồn tại cùng nhau. Tại nơi đây chúng được cung cấp một nguồn thức ăn dư thừa và một khu nhà nhiều tầng để ở. Chúng có một cuộc sống vô lo vô nghĩ, không bị kẻ thù đe dọa, chẳng khác nào đang sống trên thiên đường.

Theo Cafef.vn, Calhoun đã dành nhiều năm trời để hoàn thiện phương pháp nghiên cứu và lặp lại thí nghiệm này 25 lần ở các mức độ khác nhau. Đây chính là lý do tại sao thí nghiệm này lại tên là “Vũ trụ 25”.

Trong thí nghiệm cuối cùng, Calhoun thiết kế một không gian gồm 16 đường ống để làm đường đi, mỗi đường đi có 4 hành lang dẫn tới 4 cái lồng. Thành phố này có tổng cộng 256 lồng, mỗi lồng có thể chứa tới 15 con chuột. Tổng cộng cả thành phố có thể chứa được tới 3.840 con chuột.

Dù vậy, khi dân số chạm ngưỡng 2.200 con, chuột bắt đầu giảm dần số lượng và bộc lộ những hành vi bất thường, gây hấn lẫn nhau, cuối cùng xã hội chuột này đã dẫn tới tự diệt vong.

Chuyện gì đã xảy ra tại "Vũ trụ 25"?

Thí nghiệm “Vũ trụ số 25” được chia thành bốn giai đoạn, A, B, C và D; đó cũng có thể làm chúng ta liên tưởng tới bốn giai đoạn thành, trụ, hoại, diệt của mỗi vũ trụ được nói tới trong Phật gia.

Giai đoạn A: Thời kỳ hình thành

Calhoun đã thả 4 cặp chuột 48 ngày tuổi đến ở. Mỗi con đều khỏe mạnh và nhanh nhẹn. Trong thế giới mới, những con chuột hạnh phúc nhanh chóng bắt đầu đánh dấu lãnh thổ tương ứng, chọn hang ổ và bắt đầu cuộc sống thuộc địa của chúng. Vào ngày thứ 104, thế hệ thứ hai được sinh ra một cách suôn sẻ.

Giai đoạn B: Thời kỳ phát triển

Kể từ đó, quần thể chuột bùng nổ, cứ sau 55 ngày lại tăng gấp đôi. Trong hang ổ của những con đực ưu tú có tỷ lệ sinh cao, trong khi những con khác có ít hoặc không sinh. Sự chia rẽ xã hội bắt đầu xuất hiện.

Giai đoạn C: Thời kỳ cân bằng

Vào ngày thứ 315, tổng số chuột lên tới 620 con. Tốc độ sinh sản đã chậm lại đáng kể kể từ đó, sau mỗi 145 ngày mới tăng gấp đôi số lượng. Lúc này, các vấn đề xã hội nảy sinh. Khả năng bảo vệ lãnh thổ của những con đực ưu tú bắt đầu suy giảm, và những con cái đang cho con bú trở nên hiếu chiến và chiếm lấy vai trò của con đực.

Bạo lực trở nên phổ biến. Những con đực còn lại đành phải rút lui sau khi liên tiếp bị những vết cắn. Những con đực thích dễ chịu, đồng tính, và sống xa lánh xã hội bắt đầu xuất hiện, tỷ lệ con cái thụ thai giảm sút, một số bắt đầu không thụ thai, hoặc đuổi những con chuột con mới sinh ra ngoài và để chúng tự lo cho bản thân. Xã hội bắt đầu trở nên hỗn loạn.

Giai đoạn D: Thời kỳ diệt vong

Sau ngày thứ 560, số lượng chuột đạt đỉnh điểm là 2200 con, và sau đó bắt đầu có biểu hiện tăng trưởng âm. Tỷ lệ sinh và tỷ lệ sống sót của chuột sơ sinh giảm mạnh. Vào ngày thứ 600, con chuột cuối cùng còn sống được sinh ra.

Sau đó, một hiện tượng kỳ quái đã xảy ra. Những con đực rút lui không còn đánh nhau hay đuổi theo những con cái nữa. Ngoài chuyện ăn uống, chúng chỉ say sưa với một điều duy nhất, đó là chải chuốt bộ lông. Lúc này, mặc dù một số hang đã quá đông nhưng 20% hang vẫn còn trống. Và những con cái không còn khả năng sinh sản, chui vào những cái ổ trống này và trú ẩn.

Kể từ đó, do không có con chuột mới nào được sinh ra, nên Vũ trụ số 25 bắt đầu bước vào thời kỳ diệt vong. Những con chuột mới trưởng thành không còn hung dữ, cũng không học được các hành vi xã hội khác, không hứng thú với đồng loại khác giống, chúng chỉ biết chú ý đến bản thân, và dành nhiều thời gian cho việc chải chuốt bản thân hàng ngày. Calhoun gọi những con chuột này là “những con chuột xinh đẹp”.

Cuối cũng, vũ trụ 25 đã bị hủy diệt vào ngày thứ 1780 của thành phố, tức là vào tháng 5 năm 1973.

Sau 25 lần tiến hành thí nghiệm về “xã hội hoàn hảo của loài chuột”, Calhoun luôn nhận về một kết quả tương tự nhau.

- Đàn chuột sẽ giao phối và sinh sản với số lượng lớn.
- Cuối cùng, tốc độ tăng trưởng dân số sẽ chững lại
- Đàn chuột bắt đầu xuất hiện những hành vi thù địch hoặc chống đối xã hội
- Dân số sẽ giảm dần và dẫn tới tuyệt chủng

"Vũ trụ 25" là lời cảnh tỉnh về cái kết của loài người

Theo Calhoun, cái chết của loài chuột trong “Vũ trụ 25” bao gồm 2 giai đoạn. “Cái chết đầu tiên” diễn ra khi chúng tồn tại mà mất đi các mục đích sống (ham muốn giao phối, nuôi dạy con cái, hoặc thiết lập vai trò trong xã hội). “Cái chết thứ hai” được đánh dấu bằng cái chết về mặt thể xác, dẫn tới sự tuyệt chủng của “Vũ trụ 25”.

Calhoun coi thí nghiệm của mình là hồi chuông cảnh tỉnh cho nhân loại. Ông tin rằng dân số quá đông sẽ dẫn tới sự sụp đổ xã hội và tuyệt chủng loài người. “Tôi nhắc rất nhiều tới chuột, nhưng lại vô cùng lo lắng cho loài người, về khả năng chữa lành, về cuộc sống và về sự tiến hóa của chúng ta”, ông viết.

Nhiều người khác lại phủ nhận công trình của Calhoun, cho rằng kết quả này không thể so sánh được với những gì đang xảy ra trong xã hội loài người. Dù sao thì con người cũng phức tạp và có ý thức hơn loài chuột.

Nhà tâm lý học người Mỹ Carl Rogers từng nhận xét về thí nghiệm này:

“Sự tương đồng với hành vi của con người thật là đáng sợ. Ở con người, chúng ta chứng kiến những mối quan hệ gia đình tồi tệ, sự thiếu quan tâm, sự xa lánh hoàn toàn, sự thờ ơ tới mức cho phép người ta đứng xem một vụ giết người mà không thèm gọi cảnh sát”.

Trong xã hội loài người những năm 1960 và 1970, giới trẻ ở cả các nước trên thế giới đã bước vào thời kỳ nhiễu động, bắt đầu trở nên hiếu chiến. Ở các nước phương Tây, các cuộc cách mạng đường phố bắt đầu thịnh hành, nữ quyền trỗi dậy, và các nền văn hóa hippie và punk phản xã hội truyền thống bắt đầu thịnh hành.

Tuy nhiên, vào những năm 1980, một thế hệ thanh niên mới không còn hiếu chiến nữa. Lúc này, hiện tượng “chú chuột xinh đẹp” của xã hội suy thoái bắt đầu nảy mầm. Vào đầu những năm 1990, sau khi nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản tan vỡ, sự xuất hiện của “những thanh niên nam trong nhà” đã khiến hiện tượng này nổi lên.

Cùng với hiện tượng sống ở nhà dựa vào bố mẹ già, ngày càng ít người trẻ sẵn sàng sinh con
Cùng với hiện tượng sống ở nhà dựa vào bố mẹ già, ngày càng ít người trẻ sẵn sàng sinh con. Ảnh chụp màn hình

Các “thanh niên nam trong nhà” không tìm việc làm, không muốn giao du, lại càng không quan tâm đến hôn nhân, họ “ở” trong phòng riêng từ sáng đến tối, tự xót thương bản thân mình, và dựa dẫm vào viện trợ của cha mẹ để sống.

Sau khi Internet bắt đầu lên ngôi, hiện tượng này ngày càng nghiêm trọng, thậm chí còn lan rộng ra toàn thế giới. Trung Quốc gọi nhóm người này là “người trưởng thành ăn bám bố mẹ”, người Mỹ gọi họ là “người về tổ”, nước Anh gọi họ là “neet”, và Úc gọi họ là “người kangaroo”...

Đã hơn 6 thập kỷ trôi qua kể từ khi Calhoun tiến hành thí nghiệm “Vũ trụ 25” nhưng công trình này vẫn khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về khả năng sụp đổ xã hội lý tưởng. Tuy nhiên, con người không giống như loài chuột, chúng ta có khoa học và tín ngưỡng, chỉ cần chúng ta luôn tu dưỡng đạo đức theo nguyên lý vũ trụ.

(Tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Vũ trụ 25 - ‘thành phố lý tưởng' dành cho chuột: Hồi chuông cảnh tỉnh cho nhân loại