Xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN tăng vọt cho thấy điều gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bắc Kinh tuyên bố kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, sự thực đằng sau đó là gì? Đây có thể chỉ là một mánh khoé tuyên truyền của Bắc Kinh nhằm khẳng định rằng, Trung Quốc có thể tồn tại mà không cần làm ăn với Mỹ hay các nước phương Tây.

Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gần đây tuyên bố rằng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang ổn định, với dẫn chứng là xuất khẩu sang Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng vọt ở mức hai con số trong tháng 3. Một số tổ chức tài chính chỉ ra rằng, dữ liệu chính thức không thể khẳng định việc xuất khẩu của Trung Quốc đang phục hồi vì cần phải xem xét nhiều yếu tố khác nhau.

Vào ngày 18/04, Cục Thống kê Trung Quốc cho biết trong một cuộc họp báo rằng Trung Quốc “sẽ không gặp phải tình trạng giảm phát”, nói rằng “xuất khẩu của Trung Quốc đã đạt vượt quá mong đợi trong tháng 3” và “tăng trưởng kinh tế đang đi lên ổn định”.

Số liệu xuất nhập khẩu tháng 3 do Tổng cục Hải quan công bố vào ngày 13/04 cho thấy tổng xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 là 315,59 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu là 227,4 tỷ USD, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Kim ngạch xuất khẩu sang ASEAN tăng nhanh hơn là điều được tổng kết chính thức trong dữ liệu xuất khẩu quý I. Tính theo đồng USD, xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN, bao gồm 6 quốc gia lớn như Việt Nam, Thái Lan, Singapore, Indonesia, Philippines và Malaysia, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm ngoái từ tháng 1 đến tháng 2 và tăng 18,6% trong quý I so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy số liệu xuất khẩu tháng 3 tốt hơn hai tháng trước, kéo tăng trưởng quý lên hai con số.

Tuy nhiên, một số tổ chức tài chính và chứng khoán Trung Quốc cho rằng dữ liệu xuất khẩu tháng 3 của chính phủ không đủ để nói lên câu chuyện thực sự về thương mại của Trung Quốc.

Vào ngày 14/04, Sina, một cổng thông tin điện tử của Trung Quốc, đã trích dẫn một bài báo được công bố bởi China Industrial Securities (Chứng khoán Công nghiệp Trung Quốc) với tiêu đề “Quan sát từ dữ liệu thương mại của các quốc gia khác: Bốn câu hỏi về dữ liệu xuất khẩu tháng 3”. Bài báo có mục đích “đưa ra một số tham chiếu để phản ánh đúng tình hình thương mại thực tế [ở Trung Quốc]”.

Các câu hỏi được đặt ra đối với dữ liệu xuất khẩu chính thức của tháng 3 bao gồm: Nhu cầu của ASEAN mạnh đến mức nào? Liệu ASEAN có là một nút trung chuyển cho xuất khẩu của Trung Quốc? Tác động của mùa vụ (Tết Nguyên đán) có ý nghĩa như thế nào?

China Industrial Securities cho rằng do dữ liệu của hầu hết các quốc gia khác trong tháng 3 vẫn chưa được công bố đầy đủ, nên cần xác minh thêm về các chi tiết và phán đoán dựa trên những dữ liệu sắp được công bố. Đặc biệt, ta cần quan tâm đến dữ liệu thương mại tháng 3 của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 04/05 và dữ liệu thương mại của các nước lớn của ASEAN vào cuối tháng 4.

Nhu cầu của ASEAN có bị phóng đại?

Xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN tăng vọt cho thấy điều gì?
Các đại biểu tham dự cuộc họp của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Nusa Dua trên đảo nghỉ dưỡng Bali của Indonesia, vào ngày 31/03/2023. (Ảnh: Sonny Tumbelaka/AFP qua Getty Images)

Dữ liệu chính thức về xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN có thể bị phóng đại do nhu cầu nhập khẩu của ASEAN đối với Trung Quốc không mạnh như vậy, theo China Industrial Securities. Công ty này trích dẫn dữ liệu cho thấy PMI sản xuất của ASEAN (Chỉ số nhà quản lý mua hàng) là 51 vào tháng 3, giảm 0,5 so với tháng 2; trong khi đó, nhập khẩu của 6 nước lớn ASEAN tăng trưởng âm so với cùng kỳ từ tháng 1 đến tháng 2.

China Industrial Securities cũng cho biết trong bài báo rằng vẫn cần phải làm rõ liệu Trung Quốc có đang dùng ASEAN như nút trung chuyển để xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu hay không. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu cao có thể đạt được nhờ “sự phát triển của việc xây dựng Vành đai và Con đường”. Sáng kiến Vành đai và Con đường là một chiến lược chính sách đối ngoại của ĐCSTQ, được thực hiện dưới hình thức phát triển cơ sở hạ tầng ở nước ngoài.

Dữ liệu chính thức cho thấy trong quý đầu tiên, tổng xuất nhập khẩu hàng hóa sang các nước dọc theo “Vành đai và Con đường” tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó xuất khẩu tăng 8,4%.

Yếu tố mùa vụ

China Industrial Securities cho rằng dữ liệu xuất khẩu tháng 3 có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ; chẳng hạn, thời điểm Tết Nguyên Đán năm 2023 đến sớm có thể dẫn đến việc một số đơn hàng bị đẩy lùi từ tháng 1 và tháng 2 sang tháng 3.

Về tác động theo mùa, nhóm phân tích tại Shenwan Hongyuan Securities đã cung cấp thông tin định lượng trong một bài báo ngày 06/04 trên Wallstreetcn.com nhằm chia sẻ quan điểm tương tự: “Tăng trưởng xuất khẩu dưới tác động của Tết Nguyên đán của Trung Quốc đã tăng mạnh 28% trong tháng 3 so với tháng 2, với 10 điểm % được dùng để lấp đầy khoảng trống vào quý IV năm ngoái và phần đóng góp còn lại đến từ cơ sở tính thấp hơn chứ không phải là từ nhu cầu bên ngoài”.

Sự bùng phát của đại dịch COVID-19 vào cuối năm ngoái đã ảnh hưởng nặng nề đến thương mại và các ngành công nghiệp của Trung Quốc.

Dịch chuyển chuỗi cung ứng

Theo ông Ou Kai, nhà bình luận kinh tế chính trị của Nhật Bản, việc dịch chuyển chuỗi cung ứng công nghiệp toàn cầu sang các nước Đông Nam Á đã khiến các ngành công nghiệp thượng nguồn của Trung Quốc mất đơn đặt hàng từ các nước phương Tây, và phải chuyển sản phẩm sang các công ty hạ nguồn. Điều này có thể dẫn đến sự gia tăng xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN.

ASEAN sẽ cần nhập khẩu các thành phần và linh kiện từ Trung Quốc, vì các đơn đặt hàng vốn là của các nhà sản xuất Trung Quốc, “điều này khá phổ biến trong quá trình chuyển giao chuỗi cung ứng”, ông Ou Kai nói với The Epoch Times vào ngày 17/04.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN tăng vọt cho thấy điều gì?
Một công nhân kiểm tra vải tại một nhà máy dệt ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang phía đông Trung Quốc vào ngày 06/01/2023. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Ông Zhu Yu, giám đốc bộ phận ngoại thương của Jiaxing Yunxiang Knitting Co., Ltd, nói với phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái rằng, trong đợt dịch bệnh kéo dài 3 năm qua, các nước Đông Nam Á đã lấy đi nhiều đơn đặt hàng của các doanh nghiệp dệt may ở Gia Hưng. Gia Hưng là một thành phố phát triển thịnh vượng của tỉnh Chiết Giang.

Ông Zhu nằm trong số những người có “nhiệm vụ ngoại thương” nhằm đến châu Âu lấy đơn hàng.

Chuyến bay thương gia khứ hồi đầu tiên ra nước ngoài để nhận đơn đặt hàng do chính quyền thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, tổ chức vào ngày 10/07/2022, hướng đến châu Âu. Sau mười ngày, chuyến thứ 2 nhắm tới Milan, Ý. Tính đến tháng 12/2022, Ninh Ba đã tổ chức 263 chuyến đi.

Chính quyền các tỉnh như Tứ Xuyên, Quảng Đông, Phúc Kiến, Hồ Nam, Sơn Đông và Hải Nam đều đang nỗ lực tổ chức các chuyến bay thuê bao để giành đơn đặt hàng.

Chính quyền tỉnh Giang Tô tuyên bố vào ngày 03/04 rằng, năm nay, các doanh nghiệp trong tỉnh sẽ khởi xướng “làn sóng giành đơn đặt hàng ở nước ngoài”. Là một trung tâm sản xuất, tỉnh Giang Tô đang đi đầu trong hoạt động này ở Trung Quốc.

Tỉnh Thiểm Tây, quận Hoàng Phố của Thượng Hải, thành phố Thanh Đảo của tỉnh Sơn Đông và thành phố Trung Sơn của tỉnh Quảng Đông đã đưa ra các khoản trợ cấp tài chính để khuyến khích các doanh nghiệp giành được các đơn đặt hàng ở nước ngoài.

Làn sóng giành giật đơn hàng bắt nguồn từ việc doanh nghiệp ngoại thương gặp khủng hoảng vì không có đơn hàng và công nhân đứng trước nguy cơ mất việc làm.

Ông Ou Kai tin rằng hiện tượng như vậy sẽ tiếp tục trong một thời gian, vì việc chuyển giao toàn bộ chuỗi công nghiệp sẽ không diễn ra trong một sớm một chiều.

Sự thực là gì?

Các số liệu chính thức vẽ ra một triển vọng tích cực cho xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng một số chuyên gia hoài nghi về điều đó. Ông Zhang Liqun là một nhà nghiên cứu tại bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển của Quốc vụ viện Trung Quốc. Vào ngày 18/04, ông Zhang nói với các phương tiện truyền thông tài chính Trung Quốc rằng, dữ liệu xuất khẩu trong quý đầu tiên đang sụt giảm và không thể bỏ qua khó khăn trong việc ổn định xuất khẩu.

“Chúng ta cần phải hiểu rằng dữ liệu kinh tế do ĐCSTQ dự đoán luôn đóng vai trò ‘ổn định kỳ vọng’. Giờ đây, những số liệu đó cũng có tác dụng tương tự”, ông Ou Kai nói.

Theo ông Ou Kai, “ổn định kỳ vọng” có nghĩa là ĐCSTQ có xu hướng tìm cách đạt được kết quả mà họ muốn bằng cách gian lận dữ liệu thay vì đánh giá tình hình thực tế một cách khách quan thông qua dữ liệu.

“Đây không gì khác hơn là bài tuyên truyền chính trị của ĐCSTQ nhằm chứng minh rằng chế độ này có thể tồn tại mà không cần [làm ăn với] Mỹ và [các nước phương Tây khác]”, ông Ou Kai nói, đề cập đến việc chính phủ Trung Quốc nhấn mạnh vào việc gia tăng xuất khẩu tới Đông Nam Á.

Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã công bố vào giữa tháng 1 rằng vào năm 2022, xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN thông qua vận tải đường sắt đã tăng 197,6%, so với mức tăng lần lượt là 26,7% và 15,5% của vận tải đường thủy và đường hàng không.

Vận tải hàng không và cảng biển ở Trung Quốc vẫn kém nhộn nhịp do nhu cầu từ châu Âu và Mỹ ít hơn.

Về tương lai xuất khẩu của Trung Quốc, ông Ou Kai nhận thấy rằng “xu hướng xuất khẩu của Trung Quốc đang đi xuống sau hành vi cực kỳ bất hảo và vô trách nhiệm của ĐCSTQ trong thời gian xảy ra dịch bệnh, và Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất và nguồn ngoại tệ lớn nhất của Trung Quốc, đã thiết lập một 'biên giới an ninh' với Trung Quốc”.

“Mặt khác, với tư cách là một nhà đầu tư, không có lý do gì để đầu tư nhiều hơn hoặc tin tưởng vào một nơi mà những rủi ro là bất ổn tới như vậy".

“Một ngày nào đó, cái gọi là [vị thế] ‘công xưởng thế giới’ mà Trung Quốc rất tự hào sẽ không còn tồn tại nữa”, ông Ou Kai nói.

Theo The Epoch Times

Bảo Nguyên biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Xuất khẩu của Trung Quốc sang ASEAN tăng vọt cho thấy điều gì?