10 năm cầm quyền, ông Tập điều tra gần 5 triệu quan chức: Càng chống càng tham nhũng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cơ quan kiểm tra kỷ luật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố số liệu trên vào ngày 17/10. Các nhà phân tích cho rằng, con số này cho thấy tham nhũng là tình trạng phổ biến trong chốn quan trường ĐCSTQ, và quan tham to nhất là các ủy viên trung ương, nhưng ĐCSTQ có một luật bất thành văn.

Chiều ngày thứ Hai (17/10), tại cuộc họp báo về Đại hội 20, ông Tiêu Bồi (Xiao Pei), Phó bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ kiêm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Giám sát Nhà nước, cho biết, các cơ quan kiểm tra kỷ luật trên toàn quốc đã lập án điều tra hơn 4,648 triệu vụ.

Trong đó, có 553 cán bộ trực thuộc Bộ Tổ chức Trung ương, hơn 25.000 cán bộ cấp cục, sở và hơn 182.000 cán bộ cấp quận, huyện, phòng ban. Ông Tiêu nói rằng, cuộc chiến chống tham nhũng đã giành được thắng lợi to lớn và được củng cố trên toàn diện.

Trong số 553 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý, có:

  • 49 Ủy viên hoặc Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa 18;
  • 12 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa 18;
  • 12 Ủy viên hoặc Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương khóa 19;
  • 6 Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương khóa 19.

Ngoài ra, toàn quốc cũng có 207.000 lãnh đạo cao nhất của cơ quan các cấp bị điều tra kỷ luật.

Về vấn đề này, The Epoch Times đã phỏng vấn ông Lý Nguyên Hoa (Li Yuanhua), nguyên Phó giáo sư tại Đại học Sư phạm Thủ đô Bắc Kinh, nhà sử học gốc Hoa hiện sống ở Úc. Ông nói rằng, con số này không phải là thành tích chống tham nhũng, mà nó phản ánh phong trào tham nhũng trong ĐCSTQ.

Ông Lý cho rằng, bất kỳ ai mà ông Tập Cận Bình muốn bắt giữ, kể cả kẻ thù chính trị và đối thủ của ông ấy, kể cả những người không ủng hộ ông, không tán thành chủ trương của ông, họ đều tham nhũng. "Đó là lý do tại sao ông ấy (Tập Cận Bình) có thể vung gậy chuẩn như vậy, cứ đập là trúng, có quá nhiều người tham nhũng. Cho nên đây không phải là một thắng lợi, nó chỉ có thể phản ánh mức độ tham nhũng trong ĐCSTQ".

ĐCSTQ dùng cây gậy “chống tham nhũng” để tấn công kẻ thù chính trị và duy trì chế độ

Phó giáo sư Lý nói rằng, các quan chức cấp cao nhất của ĐCSTQ đều tham nhũng, nhưng cho dù họ có tham nhũng đến đâu thì trong ĐCSTQ có một quy tắc bất thành văn là: “Không được áp dụng hình phạt đối với các Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị”.

Ông nói, "Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị là những quan chức tham nhũng nhất, bao gồm cả Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng – những người đã tạo ra phong trào hủ bại trong ĐCSTQ, và Giang Trạch Dân chính là quan tham lớn nhất. Nhưng vì quy tắc bất thành văn của ĐCSTQ nên họ không bị kéo xuống. Hoặc ông Tập đã đạt được thỏa hiệp với các quan tham đó, đổi lại họ sẽ ủng hộ ông Tập tái đắc cử hoặc ủng hộ các thay đổi chính trị của ông ấy”.

Ông Lý cho rằng, chiến dịch chống tham nhũng của ĐCSTQ không phải là một chiến dịch chống tham nhũng theo đúng nghĩa, mà là một thủ đoạn để bảo vệ quyền lực độc tài chuyên chế. Vì vậy, càng chống thì quan chức tham nhũng càng nhiều, “vì thực tế ai cũng thấy, chỉ cần đi theo đúng người thì dù có tham nhũng đến mấy cũng không sao”.

Các Ủy viên Trung ương là chìa khóa để chỉnh trị kẻ thù chính trị. Vì vậy, khi ĐCSTQ muốn trị những người này, nó không tuân theo quy trình tư pháp, mà sẽ áp dụng cái gọi là kiểm tra và giám sát kỷ luật. Sau đó, tìm ra tài liệu đen và gây áp lực buộc các quan chức ngã ngựa tiết lộ bí mật. Kết quả là nhà cầm quyền có trong tay tài liệu đen của các đối thủ chính trị.

Ông nói, "Nhà cầm quyền coi những người này như những lá bài thương lượng quan trọng, họ sẽ được trả tự do vào thời điểm then chốt. Thông thường, chính quyền sẽ gây áp lực trước, tới lúc cần thiết mới công bố tài liệu. Một mặt để chứng tỏ rằng quan to đến mấy cũng bị chấn chỉnh, mặt khác dùng cách thả người để khiến các đối thủ chính trị phải thỏa hiệp”.

Không thể quét sạch tham nhũng vì ĐCSTQ đặt mình lên trên pháp luật

Nhà bình luận thời sự Lam Thuật (Lan Shu) cũng có chung ý kiến với Phó giáo sư Lý Nguyên Hoa. Ông nói với The Epoch Times rằng, chiến dịch chống tham nhũng sẽ không thể giải quyết vấn đề. Bởi vì ĐCSTQ đặt mình lên trên luật pháp, điều này dẫn đến tình trạng tham nhũng trong toàn chế độ. Tất cả quan chức đều đặt mình lên trên luật pháp và không bị luật pháp ràng buộc.

Ngoài ra, hệ thống bổ nhiệm và miễn nhiệm nhân sự của ĐCSTQ cũng là một nguyên nhân. Quan chức cấp dưới đều do quan chức cấp trên bổ nhiệm. Vì vậy, quan trên tham nhũng thì quan dưới cũng noi theo, các mối quan hệ đan xen phức tạp, cánh tay tham nhũng cứ thế được nối dài.

Hơn nữa, ĐCSTQ “chỉ xử lý những quan chức tham nhũng gây nguy hiểm cho sự tồn tại của chế độ”. ĐCSTQ cũng biết rằng chiến dịch chống tham nhũng không thể kết thúc, vì vậy nó nói rằng "vĩnh viễn trên con đường chống tham nhũng".

Đông Phương

Theo The Epoch Times tiếng Trung



BÀI CHỌN LỌC

10 năm cầm quyền, ông Tập điều tra gần 5 triệu quan chức: Càng chống càng tham nhũng