3 điểm nhấn lớn trong kỳ họp Lưỡng Hội của Trung Quốc

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ngày 4/3, Trung Quốc khai mạc kỳ họp Lưỡng Hội. Lưỡng Hội là Nhân Đại (Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, tức Quốc hội) và Chính Hiệp (Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc, tức Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc).

Trong thời gian diễn ra Lưỡng Hội (khoảng 10 ngày), những nhân sĩ ý kiến 'khác' sẽ bị giám sát chặt chẽ, hoặc là bị ép đi 'du lịch'.

Người dân Trung Quốc vẫn nên quan tâm đến Lưỡng Hội, bởi vì trong đó sẽ tiết lộ thông tin về cách thức thu hoạch 'rau hẹ' hoặc phương hướng tiếp theo của Bắc Kinh, từ đó người dân Trung Quốc chuẩn bị trước, xem xem có thể tránh được thì tránh.

Trong chương trình 'Chính luận thiên hạ' đăng ngày 4/3, nhà bình luận các vấn đề thời sự - Giáo sư Chương Thiên Lượng - đã nhìn nhận về kỳ họp Lưỡng Hội như sau.

Lưỡng Hội năm nay có ba điểm đáng quan sát. Thứ nhất là đề cập đến khốn cảnh kinh tế hiện nay và liệu Trung Quốc có đưa ra biện pháp kích thích kinh tế hay không.

Thứ hai là vấn đề Đài Loan. Khi ông Lại Thanh Đức lên nắm quyền, Trung Quốc sẽ có những chính sách nào đối với Đài Loan.

Thứ ba là sắp xếp nhân sự, liệu Bắc Kinh có bổ nhiệm Bộ trưởng Ngoại giao mới hay không. Nếu bổ nhiệm thì người đó là ai.

Đầu tiên nói về khốn cảnh kinh tế hiện nay. Mọi người có thể cảm nhận được, 20 năm phồn vinh của kinh tế Trung Quốc trên thực tế là dựa vào bất động sản và gia tăng đòn bẩy, các công trình xây dựng và đầu tư đô thị đã tạo ra sự thịnh vượng hư giả (虛假: giả tạo).

Ngày 1/3, tờ Wall Street Journal đăng bài viết với tiêu đề: 'Doanh số bán nhà mới của 100 công ty bất động sản hàng đầu Trung Quốc giảm 60 % so với cùng kỳ tháng Hai năm ngoái'. 60 % là sự sụt giảm khủng khiếp, giảm hơn một nửa. Việc bất động sản không bán được sẽ tạo thành việc đứt vốn khiến nợ không thể trả được.

Ngày 29/2, tờ New York Times đăng bài viết với tiêu đề: 'Country Garden bị chủ nợ kiện, yêu cầu thanh lý'. 'Thanh lý' nghĩa là 'phá sản, thanh toán' để trả nợ.

Chủ nợ của Country Garden là một tổ chức cho vay ở Hồng Kông tên là Ever Credit Limited. Họ yêu cầu Country Garden phải trả khoản nợ 1,6 tỷ đô-la Hồng Kông (200 triệu đô-la Mỹ). Evergrande của Trung Quốc đã buộc phải thanh lý ở Hồng Kông vào tháng trước. Lần này, rất có thể Country Garden sẽ nối gót theo sau.

Trên thực tế, sự sụp đổ của bất động sản là khủng hoảng mà Trung Quốc phải đối mặt.

Công ty chứng khoán Nomura của Nhật Bản ước tính vào tháng trước rằng, có khoảng 20 triệu tòa nhà còn dang dở ở Trung Quốc và sẽ cần tới 450 tỷ đô-la Mỹ để hoàn thành. Nhưng hiện nay bất động sản của Trung Quốc đã bão hòa, chung cư không bán được.

Đối diện với khốn cảnh kinh tế, mọi người đều đang nghĩ Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường sẽ viết gì trong báo cáo chính phủ năm nay, hoặc là mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là bao nhiêu %, liệu có tiết lộ những biện pháp nào để kích thích kinh tế hay không, v.v. những điều này có thể sẽ không rõ. Nhưng có thể khẳng định rằng: Ông Lý Cường không cho rằng mình là người chịu trách nhiệm cho phát triển hoặc suy thoái của kinh tế Trung Quốc.

Bởi vì khi vừa lên làm Thủ tướng Quốc vụ viện, ông Lý Cường chỉ coi mình là thư ký của ông Tập Cận Bình, sau đó coi Quốc vụ viện là cơ cấu chấp hành các chính sách của ông Tập Cận Bình. Nói cách khác, ông Lý Cường không đưa ra quyết sách mà chỉ chấp hành. Nếu việc chấp hành xảy ra vấn đề thì đó là trách nhiệm của ông Lý Cường, nhưng nếu quyết sách có vấn đề thì đó là trách nhiệm của ông Tập Cận Bình.

Trước kỳ họp Lưỡng Hội, tức là vào ngày 19/2, trong Hội nghị Toàn thể của Quốc vụ viện nhắm thảo luận về công tác của chính phủ, Thủ tướng Lý Cường kêu gọi các cơ quan phải triển khai công tác chiểu theo sự sắp xếp của Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương. Mà Hội nghị Công tác Kinh tế Trung ương trên thực tế là do ông Tập Cận Bình chủ trì. Cho nên trước khốn cảnh kinh tế hiện nay, ông Lý Cường chỉ có một sự lựa chọn là 'thị nhi bất kiến' (視而不見: nhìn như không thấy).

Vào tháng Một năm nay, tại Diễn đàn Davos, Thủ tướng Lý Cường đã đưa ra con số tăng trưởng kinh tế Trung Quốc là 5,2%, nhưng con số này không có mấy người tin. Trong báo cáo của chính phủ năm nay, Trung Quốc cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5%.

Năm 2022 do phong toả thành phố, kinh tế Trung Quốc rơi xuống đến đáy. Theo lý thì năm 2023 sẽ tốt hơn. Đầu năm 2023, Phố Wall đã đầu tư rất nhiều tiền vào Trung Quốc, nhưng vì không thấy có sự phục hồi cho nên họ đã rút vốn.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023 đã khó, tăng trưởng 5% trong năm 2024 còn khó hơn. Tuy nhiên vẫn có một cơ cấu có thể giúp Trung Quốc hoàn thành mục tiêu 5%, đó là Cục Thống kê Quốc gia...

Năm 2024, Trung Quốc dự định làm gì? Căn cứ theo CCTV News, vào ngày 23/2, với tư cách là Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Tài chính Trung ương, ông Tập Cận Bình đã chủ trì cuộc họp lần thứ tư của Ủy ban Kinh tế Tài chính Trung ương. Trong đó nghiên cứu cái gọi là 'vấn đề giảm chi phí hậu cần của xã hội một cách có hiệu quả'. 'Giảm chi phí hậu cần của xã hội' tức là bắt đầu giảm thu phí hoặc là không thu phí trên đường cao tốc. Điều này có thể xảy ra hay không? Giáo sư Chương cho rằng khả năng này rất nhỏ.

Bởi vì Trung Quốc vốn dĩ hết tiền, nhưng đường cao tốc lại là máy in tiền, cho nên khả năng mà Trung Quốc muốn đóng máy in tiền là không cao. Trên thực tế chính phủ Trung Quốc nợ rất nhiều.

Cách đây không lâu, Giáo sư Chương có xem một tin tức, đó là có một phụ nữ chủ doanh nghiệp ở Quý Châu tên là Mã Nghệ Gia Y có đảm nhận một dự án xóa đói giảm nghèo và tái định cư ở địa phương. Dự án này do quỹ xóa đói giảm nghèo đặc biệt của chính phủ trung ương hỗ trợ. Bà đã làm một số dự án vào thời điểm đó bao gồm trường mẫu giáo, trường tiểu học, v.v. khoảng 10 dự án của chính phủ. Kết quả sau khi hoàn thành dự án, bà yêu cầu chính phủ trả tiền, nhưng trong 8 năm vẫn chưa lấy lại được tiền. Chính quyền nợ bà bao nhiêu? 220 triệu NDT.

8 năm vẫn chưa đòi được, tức là từ năm 2016 (khi các cấp chính quyền còn có tiền) mà vẫn không trả cho bà. Vậy phải làm sao? Chính quyền địa phương đã thương lượng là sẽ trả cho bà 12 triệu NDT (chưa bằng số lẻ của 220 triệu NDT), nhưng bị bà từ chối. Chính phủ gán cho bà cái tội 'gây sự' rồi bắt giam bà vào nhà ngục. Chính quyền Trung Quốc có tuyệt chiêu hoá giải nợ nần là 'dĩ hình hóa trái' (以刑化債: lấy hình phạt để hóa giải nợ nần). Khi giam chủ nợ thì coi như trả được nợ.

Vấn đề đáng quan sát thứ hai trong kỳ họp Lưỡng Hội là vấn đề Đài Loan. Ngày 20/5, Đài Loan sẽ thay đổi chính phủ (từ chính phủ bà Thái Anh Văn chuyển thành chính phủ của ông Lại Thanh Đức).

Theo Đài Á Châu Tự do - RFA, ngày 28/2, Liên minh châu Âu đã thông qua hai chính sách rất quan trọng liên quan đến vấn đề Đài Loan, đó là 'Chính sách ngoại giao và an ninh chung' và 'Chính sách an ninh và quốc phòng chung'.

Trong báo cáo này có một điểm rất quan trọng, đó là Nghị viện châu Âu nhấn mạnh Đài Loan không chịu sự quản lý của Trung Quốc, hơn nữa còn lên án Trung Quốc có ý đồ dùng vũ lực để thay đổi hiện trạng hoà bình và ổn định của hai bờ eo biển Đài Loan. Điều này đã cho thấy, trong mắt châu Âu, Đài Loan không phải là vấn đề nội chính của Trung Quốc. Đây là đột phá lớn về ngoại giao của Đài Loan.

Việc quốc tế hoá vấn đề Đài Loan là chuyện đau đầu đối với Trung Quốc, nhưng xu hướng này càng ngày càng rõ và không thể đảo ngược. Nếu Quốc hội Mỹ thông qua đạo luật tương tự như của châu Âu thì Trung Quốc sẽ triệt để nản lòng.

Vấn đề đáng quan sát thứ ba đó là việc sắp xếp nhân sự. Hiện nay Tần Cương đã từ chức, vấn đề còn lại sẽ là: Ai là người thay thế Tần Cương?

Chúng ta biết rằng, ông Vương Nghị còn lớn tuổi hơn ông Tập Cận Bình. Việc để một người lớn tuổi như ông Vương Nghị làm Bộ trưởng Ngoại giao tạm thời thì được. Nhưng trong kỳ họp Lưỡng Hội này phải thay đổi Bộ trưởng Ngoại giao. Nếu không thay đổi Bộ trưởng Ngoại giao, điều này đã nói rõ một vấn đề, đó là ông Tập không còn ai có thể tin tưởng.

Thuần Phong biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

3 điểm nhấn lớn trong kỳ họp Lưỡng Hội của Trung Quốc