3 nguyên tắc để Đài Loan xử lý vấn đề xuyên eo biển

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cuộc bầu cử Đài Loan mang ý nghĩa rất quan trọng, bởi vì đây là giao điểm trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Kết quả bầu cử Đài Loan đã có, vậy thì Đài Loan nên có những nguyên tắc nào để đối phó với những vấn đề xuyên eo biển?

Trong chương trình Chính luận thiên hạ đăng ngày 10/1, một chuyên gia về Trung Quốc là Giáo sư Chương Thiên Lượng đã chia sẻ góc nhìn như sau.

Trên thực tế, quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan cần tuân thủ ba nguyên tắc.

Nguyên tắc thứ nhất là tách biệt Trung Quốc và ĐCSTQ. Không phải có ý Đài Loan không thể tỏ thiện ý với Trung Quốc, nhưng thiện ý này nên nhằm vào người dân Trung Quốc chứ không phải ĐCSTQ. Thời ông Mike Pompeo còn làm Ngoại trưởng Mỹ, thì cố vấn của ông Pompeo về các vấn đề Trung Quốc là giáo sư Dư Mậu Xuân. Ông Dư Mậu Xuân đã giải thích vấn đề này rất rõ ràng đó là: Tách biệt Trung Quốc khỏi ĐCSTQ.

Một khi thực sự tách Trung Quốc ra khỏi ĐCSTQ, thì đây là một điều hết sức đáng sợ đối với ĐCSTQ.

Có một chính khách phe xanh (tức là Đảng dân tiến) ở Đài Loan nói rằng đó là ‘phi Trung Quốc hóa’, thì Giáo sư Chương cho rằng: Điều này nên gọi là ‘phi ĐCSTQ hóa’. Không nên trộn lẫn văn hóa đảng của ĐCSTQ với văn hóa Trung Quốc. Chúng ta nên đón nhận văn hóa truyền thống thực sự của Trung Quốc.

Hơn nữa, nếu nói phi Trung Quốc hóa, thì nó sẽ khiến người dân Trung Quốc xa lánh Đài Loan, bởi vì điều này thực sự sẽ khiến người dân Trung Quốc cảm thấy rất khó chịu. Cho nên, Giáo sư Chương nghĩ rằng, người Đài Loan nên thể hiện thiện ý đối với người dân Trung Quốc. Người dân Đài Loan nên đem những thành tựu của Đài Loan như về dân chủ, kinh tế, pháp trị… đưa cho người dân Trung Quốc hiểu, nói với người Trung Quốc rằng: ‘Các bạn cũng nên có một cuộc sống như vậy’. Chỉ khi Trung Quốc đại lục trở thành một xã hội tự do thì Đài Loan mới thực sự an toàn.

Cái gọi là ‘duy trì hiện trạng hai bờ eo biển’ cũng là một cách, nhưng nó vẫn tính là tạm bợ, bởi vì thanh kiếm Damocles vẫn còn treo trên đầu. Cho nên Giáo sư Chương mới cho rằng, để người dân Trung Quốc học hỏi người Đài Loan về một cuộc sống tự do, dân chủ… thì khi ấy Đài Loan mới thực sự an toàn. Đây là một nguyên tắc rất quan trọng để giải quyết vấn đề xuyên eo biển: Tách biệt Trung Quốc với ĐCSTQ.

Nguyên tắc thứ hai Giáo sư Chương đưa ra đó là: Sự tín nhiệm đối với ĐCSTQ không thể vượt quá sự tin tưởng của ĐCSTQ đối với chính người dân Trung Quốc.

Cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo từng nói: Đối với ĐCSTQ thì nên ‘Distrust and verify’, không tin tưởng và không ngừng xác nhận lại.

ĐCSTQ đề phòng người dân Trung Quốc như đề phòng đạo tặc (ăn trộm ăn cắp). Thông qua vạn lý tường lửa, ĐCSTQ bịt mắt bịt tai người dân Trung Quốc; thông qua xóa bài và chặn tài khoản để chặn miệng người dân Trung Quốc. ĐCSTQ làm người dân Trung Quốc trở thành người ‘không nghe không thấy’.

Điều này nói lên vấn đề gì? ĐCSTQ coi người dân Trung Quốc như kẻ địch, đề phòng họ như đề phòng đạo tặc. Vậy thì ĐCSTQ ngay cả người dân của mình còn không tín nhiệm, thì làm sao họ có thể đối xử tốt với người dân Đài Loan đây?

Do đó Giáo sư Chương mới cho rằng: Sự tín nhiệm đối với ĐCSTQ không thể vượt quá sự tin tưởng của ĐCSTQ đối với chính người dân Trung Quốc. ĐCSTQ đối xử người dân Trung Quốc như thế nào thì người dân Đài Loan nên đối đãi với ĐCSTQ như thế đó. Đây là nguyên tắc đối đằng. Sự tôn trọng đối với ĐCSTQ không thể vượt quá sự tôn trọng của ĐCSTQ đối với người dân Trung Quốc. Đây là nguyên tắc thứ hai.

Giáo sư Chương cho rằng, người dân Đài Loan nên biểu đạt rõ ràng rằng: Chúng tôi không tin các bạn (ĐCSTQ) bởi vì bạn không tin người dân của mình. Các bạn không tôn trọng người dân của mình, làm sao tôi tin tưởng các bạn?

Cho nên khi đàm phán về vấn đề hai bờ eo biển, thì phải để ĐCSTQ xây dựng niềm tin và sự tôn trọng đối với người dân trong nước, chỉ khi đó chúng ta mới có thể nói chuyện.

Nguyên tắc thứ ba, Giáo sư Chương cho rằng, Đài Loan nên tìm những người có tín ngưỡng và nguyên tắc để tham gia xây dựng các chính sách quốc gia, hay như phụ trách một số bộ phận quan trọng. Đây mới là lực lượng thật sự mà Đài Loan có thể dựa vào. Bởi vì sự xâm nhập của ĐCSTQ quá mạnh mẽ và quá nhiều thủ đoạn, từ lợi dụng dụ dỗ đến uy hiếp.

Cho nên, chỉ cần người nào có điểm yếu trong nhân tính như làm tham lam, sợ hãi, háo sắc, háo danh… thì tất cả đều có thể trở thành mục tiêu lợi dụng của ĐCSTQ.

Người mà ĐCSTQ sợ nhất là người có tín ngưỡng. Mọi người đều biết rằng ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công. Vì sao Pháp Luân Công bị đàn áp? Tại sao ĐCSTQ lại sợ Pháp Luân Công như vậy? Nhiều người cảm thấy rất kỳ lạ, một nhóm người đang thiền định và luyện tập khí công làm sao khiến ĐCSTQ lại sợ hãi đến vậy?

Bởi vì mặc dù các học viên Pháp Luân Công không có súng và đại bác trong tay, họ cũng không dùng đến bạo lực, nhưng các học viên Pháp Luân Công là những người có nguyên tắc và tín ngưỡng.

ĐCSTQ kế thừa nhiều cách làm của Pháp gia. Pháp gia cho rằng, dù kiểm soát xã hội hay con người thì dựa vào Lưỡng Bính, tức là 2 cái cán. Thứ nhất là Hình, thứ hai là Đức. Cái gọi là Hình - Đức được giải thích như sau: Tàn sát gọi là Hình, trọng thưởng gọi là Đức. Lấy cái họ sợ để trừng phạt, lấy cái họ thích để trọng thưởng. Vậy nên quân chủ dùng Hình Đức, thì quần thần vì sợ uy mà quy về lợi chứ không dám chống đối.

Cho nên Hàn Phi Tử nói trong cuốn sách của mình: ‘Nếu là bề tôi như vậy, không sợ hình phạt nặng, không tham thưởng lớn, thì không thể trừng phạt để cấm đoán, không thể lấy trọng thưởng để sai khiến họ, đây gọi là bề tôi 'vô ích'. Ta coi khinh mà gạt bỏ họ, mà các vị vua trên đời lại khen và tìm kiếm họ’. Ý tứ câu trên là: một người vừa không sợ chết cũng không tham thưởng, không có cách nào dao động nguyên tắc của họ bằng trừng phạt, đã không dụ dỗ mê hoặc lại còn không doạ sợ để họ hành sự theo ý muốn, người như thế theo Hàn Phi Tử là người vô dụng nhất.

Cho nên, theo tư tưởng của Pháp gia, người không ham tiền và không sợ chết, người có nguyên tắc… là đối tượng bị ghét.

ĐCSTQ cũng như vậy, họ phát hiện ra rằng học viên Pháp Luân Công không yêu tiền và cũng không sợ chết, nếu lấy dụ dỗ để mê hoặc thì học sẽ không chấp nhận, nếu dọa họ cũng không sợ, ĐCSTQ cho rằng không thể kiểm soát được nhóm người này. Thế là ĐCSTQ đã đàn áp Pháp Luân Công. Đây là những gì chúng ta học được từ việc ĐCSTQ sợ hãi đối với Pháp Luân Công, chính là ĐCSTQ sợ người có tín ngưỡng và đạo đức.

Nếu Đài Loan thực sự muốn bảo trì cuộc sống tự do như vậy, thì những người nắm bộ phận chủ chốt phải là những người có cả tín ngưỡng và nguyên tắc. Bằng cách này, Đài Loan có thể tránh được sự xâm nhập của ĐCSTQ. Còn quân đội Đài Loan phải được giao cho người không ham tiền cũng không sợ chết, như thế mới có thể đảm bảo an ninh cho Đài Loan. Đài Loan cũng cần những đồng minh như vậy trên trường quốc tế, những đồng minh có nguyên tắc và tín ngưỡng, chỉ có những đồng minh như vậy mới có thể đảm bảo an ninh cho Đài Loan.

Thuần Phong biên dịch

Trung Quốc Góc nhìn


BÀI CHỌN LỌC

3 nguyên tắc để Đài Loan xử lý vấn đề xuyên eo biển