3 thói quen gây đau cổ vai gáy mà dân văn phòng nên tránh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Bạn thường xuyên bị đau vai gáy do sử dụng điện thoại, sử dụng máy tính hay ngồi lâu? Nhiều người cho rằng họ chỉ cần thả lỏng vai và cổ là có thể giảm bớt tình trạng cứng cơ ở cổ. Nhưng đó không phải là tất cả. Theo một số chuyên gia, mát-xa, thư giãn chỉ có thể mang lại hiệu quả giảm đau ngắn hạn chứ không thể giải quyết được căn nguyên của vấn đề.

Cột sống cổ bao gồm bảy đốt sống xếp chồng lên nhau, khiến cổ có thể xoay theo các hướng một cách linh hoạt. Những đốt sống này cũng chứa các dây thần kinh cột sống quan trọng và rễ thần kinh mở rộng. Việc nén các dây thần kinh này có thể làm đau lưng và cánh tay, thậm chí gây tê và yếu. Nếu bạn chỉ cảm thấy cổ bị căng cứng thì tình trạng có thể chưa nghiêm trọng đến mức gây ra vấn đề về thần kinh; lý do đơn giản là các cơ quanh cổ có thể quá căng.

Có rất nhiều cơ quanh cổ, hầu hết đều được nối với cổ hoặc lưng từ phía sau đầu. Khi các cơ ở lưng trên quá căng, lực căng sẽ kéo dài lên đến cổ và gây cứng khớp. Vì vậy, không có sự cải thiện rõ rệt dù đã được mát-xa.

Đối với người làm việc trong môi trường văn phòng, ngồi trước máy tính lâu thường gây đau vai, cổ do tư thế không đúng. Một nhà vật lý trị liệu ở Đài Loan, ông Fuyong Chang, đã chia sẻ về một số thói quen xấu mà chúng ta thường hay xem nhẹ.

Ba thói quen xấu có thể gây đau vai

1. Nhún vai vô thức

Nếu độ cao giữa mặt bàn và ghế quá chênh lệch, lúc đưa hai tay lên để làm việc trên mặt bàn (như khi sử dụng máy tính), vai của bạn sẽ bị nhún lên một cách vô thức, khiến cơ bắp không thể thư giãn.

Để tránh hiện tượng nhún vai, bạn nên buông thõng tự nhiên hai tay sang hai bên cơ thể, cẳng tay giơ cao và bắp tay tạo một góc 90 độ, cho phép vai và cổ được thư giãn khi làm việc.

2. Dựa vào khuỷu tay

Thỉnh thoảng, bạn có thể kiểm tra xem khuỷu tay của mình có thường xuyên tựa vào đồ vật như mặt bàn, tay vịn ghế, sofa hay không; những hành động này vô thức khiến vai bị nhún cao.

3. Cúi đầu quá mức

Cúi đầu quá mức khi nhìn vào màn hình điện thoại di động và máy tính cũng có thể gây căng cơ ở cổ và lưng trên. Ví dụ: nếu bạn ngồi xuống để nhìn vào điện thoại di động, đặt nó ngang rốn và duy trì tư thế này trong ít nhất 10 phút, cơ bắp sẽ bị quá tải và gây khó chịu ở cổ.

Ông Chang gợi ý rằng khi nhìn vào điện thoại di động nên đặt ở độ cao giữa cằm và ngực. Nó có thể làm giảm gánh nặng cho cổ. Tuy nhiên, hãy cẩn thận không để điện thoại ngang tầm mắt, vì bạn phải giơ tay lên lâu, có thể gây đau vai.

Nguyên nhân hàng đầu gây đau vai và cổ

Trọng lượng của đầu con người chỉ bằng 1/10 trọng lượng cơ thể, chỉ dựa vào cơ cổ là không đủ để nâng đỡ đầu. Bạn cần các cơ khác, chẳng hạn như cơ lưng dưới và cơ bụng, để giúp bù đắp.

Trong một chương trình trực tuyến, Tiến sĩ Huang Amin, một bác sĩ tại Đài Loan, đề cập rằng chứng đau vai và cổ của nhiều nhân viên văn phòng không phải do căng thẳng quá mức mà do cơ vai và cơ cổ bị yếu.

Ông đề nghị tăng cường tập thể dục, giúp cải thiện chức năng tim mạch và cơ bắp, từ đó giải quyết vấn đề yếu cơ lưng trên, cho phép cơ lưng hỗ trợ cổ trong việc nâng đỡ đầu.

Tuy nhiên, bác sĩ Huang nhắc nhở rằng nếu đau vai và cổ là do các bệnh lý như thoái hóa đốt sống cổ, đau dây thần kinh hoặc viêm cơ thì cần phải tham khảo ý kiến ​​của chuyên gia y tế để điều trị thêm.

Điều trị theo phương pháp y học cổ truyền

Những người hành nghề y học cổ truyền có thể điều trị chứng đau vai và đau cổ thông qua bấm huyệt và thuốc thảo dược. Bác sĩ Hu Naiwen đã hướng dẫn người xem trên chương trình Truyền hình Tân Đường Nhân (NTDTV) cách ấn vào các huyệt Phong Trì (GB20), Kiến Tỉnh (GB21) và Xích Trạch (LU5), có thể làm dịu các cơ ở vai và cổ, đồng thời giúp cải thiện lưu thông máu.

Huyệt Phong Trì (GB20): nằm tại chỗ lõm giữa hai gân lớn, dưới xương chẩm sau tai và phía trên chân tóc.
Huyệt Phong Trì (GB20): nằm tại chỗ lõm giữa hai gân lớn, dưới xương chẩm sau tai và phía trên chân tóc. (The Epoch Times)
Huyệt Kiến Tỉnh (GB21): nằm tại điểm giữa Đại Chuỳ (GV14) và điểm cao nhất của vai.
Huyệt Kiến Tỉnh (GB21): nằm tại điểm giữa Đại Chuỳ (GV14) và điểm cao nhất của vai. (The Epoch Times)
Huyệt Xích Trạch (LU5): nằm phía trên nếp gấp khuỷu tay, ở chỗ lõm, cách lằn chỉ cổ tay 1 xích (đơn vị đo ngày xưa).
Huyệt Xích Trạch (LU5): nằm phía trên nếp gấp khuỷu tay, ở chỗ lõm, cách lằn chỉ cổ tay 1 xích (đơn vị đo ngày xưa). (The Epoch Times)

Các bác sĩ Trung y đã phát hiện ra rằng cơ thể người có một hệ thống kinh tuyến vận chuyển năng lượng, trong đó, các cơ quan nội tạng kết nối với các bộ phận cơ thể khác nhau thông qua những kinh tuyến này. Các huyệt trên kinh tuyến đều có chức năng cụ thể, và việc kích thích các huyệt tương ứng thông qua châm cứu và xoa bóp có thể điều trị các bệnh về cơ quan nội tạng tương ứng.

Theo Weber Lee - The Epoch Times
Hoàng Tuấn biên dịch

Weber Lee là phóng viên của The Epoch Times có trụ sở tại Đài Loan, chủ yếu tập trung vào Y học Tích hợp và các vấn đề thời sự liên quan đến Đài Loan và Trung Quốc.



BÀI CHỌN LỌC

3 thói quen gây đau cổ vai gáy mà dân văn phòng nên tránh